Thứ 2, 25/11/2024, 18:25[GMT+7]

Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 19/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Thứ 4, 05/01/2022 | 08:01:29
12,569 lượt xem

Tập huấn triển khai cài đặt, sử dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” tại huyện Tiền Hải, ngày 17/12/2021. Ảnh: Thành Tâm

I. TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN
Chuyển đổi số là một nội dung cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mở ra cơ hội bứt phá phát triển nhanh và bền vững, nhưng cũng là thách thức lớn đối với các cấp, các ngành, địa phương. Thời gian qua, quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả bước đầu quan trọng: Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được đầu tư, hình thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ các cấp chính quyền và Nhân dân. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và ký số văn bản điện tử được thực hiện tốt. 100% khu dân cư được phủ sóng di động băng thông rộng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ thông tin số. Ngày càng nhiều doanh nghiệp thực hiện việc khai, nộp thuế điện tử và giao dịch thương mại điện tử, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng số. Một số doanh nghiệp áp dụng công nghệ tự động hóa sản xuất và quản trị doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ số, tạo đột phá về tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh còn chậm và chưa toàn diện (chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm 2020 tỉnh Thái Bình xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố). Việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa đồng bộ, hiệu quả. Việc xử lý, giải quyết hồ sơ, công việc trên môi trường mạng chưa phổ biến; còn thiếu cơ sở dữ liệu chuyên ngành và thiếu ứng dụng, dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn bất cập. Việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp chưa mạnh mẽ. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử và tiếp cận sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn ở mức thấp.

Những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan: Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến chuyển đổi số; việc tuân thủ các quy định, quy trình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ ở một số nơi chưa nghiêm, chưa phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, thực hiện; công tác phối hợp của các cấp, các ngành trong triển khai các nhiệm vụ phát triển Chính quyền điện tử, xây dựng Chính quyền số chưa thật sự gắn kết; nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số chưa đáp ứng được nhu cầu. Cơ chế, chính sách đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao còn hạn chế.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo đột phá phát triển, đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU
1. Quan điểm
- Chuyển đổi số nhằm định hình, từng bước thay đổi về tư duy, cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất, kinh doanh và đời sống kinh tế - xã hội dựa trên công nghệ số là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị tỉnh và toàn xã hội.  

- Chuyển đổi số hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp; giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

- Huy động tối đa các nguồn lực, bảo đảm đủ nguồn lực cho việc xây dựng, phát triển các nền tảng công nghệ số và nguồn nhân lực chất lượng cao; thay đổi cơ bản về nhận thức cộng đồng, đổi mới tư duy và hành động, tinh thần quyết tâm, kiên trì, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân toàn tỉnh trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ số; có lộ trình phù hợp, gắn liền với các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể và điều kiện thực tế, đẩy mạnh chuyển đổi số ở các ngành, lĩnh vực có điều kiện, ưu thế phát triển, tạo được kết quả rõ rệt để phát huy, lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển trong toàn xã hội.

2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng, phát triển các hệ thống ứng dụng công nghệ số, nền tảng hạ tầng số của tỉnh, trọng tâm là xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số có trình độ phát triển khá; các hoạt động của cấp ủy, chính quyền, mô hình quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của Nhân dân được đưa lên môi trường số, tạo ra các giá trị mới cho xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và khơi dậy khát vọng bứt phá vươn lên, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.

Phấn đấu đến năm 2025: Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; hoàn thành xây dựng chính quyền số; tập trung chuyển đổi số trên một số lĩnh vực như: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Giám sát an ninh, Quản lý đô thị, Năng lượng, Công nghiệp.

Đến năm 2030: Thực hiện chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

2.2. Mục tiêu cụ thể
* Mục tiêu cơ bản đến năm 2025
- Phát triển chính quyền số: Có 80% trở lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập, bao gồm các thiết bị di động. Hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng đạt trên 90% ở cấp tỉnh, 80% ở cấp huyện và trên 60% ở cấp xã. 100% văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo và được tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống dùng chung của tỉnh, liên thông với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. 100% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh được kết nối, chia sẻ; mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công, khai báo một lần trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và suốt cuộc đời của người dân. Trên 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin.

- Phát triển kinh tế số: Phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 10% trở lên; năng suất lao động (giá so sánh) tăng 9%/năm trở lên; tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh đạt 50% trở lên.

- Phát triển xã hội số: Từng hộ gia đình đều tiếp cận được dịch vụ Internet băng thông rộng. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh. Tỷ lệ người dân từ đủ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%. Ưu tiên các dịch vụ thông minh để giải quyết các vấn đề thiết yếu như: Y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, trật tự giao thông, an ninh.

* Mục tiêu định hướng đến năm 2030
- Phát triển chính quyền số: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập; 100% hồ sơ công việc ở các cấp được xử lý trên môi trường mạng; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện phổ biến trên môi trường số và hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin.

- Phát triển kinh tế số: Phấn đấu kinh tế số chiếm 30% GRDP; 100% doanh nghiệp áp dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động tăng trên 10%/năm.

- Phát triển xã hội số dựa trên nền tảng đô thị thông minh; phổ biến trên môi trường số các hoạt động học tập, lao động, sản xuất và phục vụ đời sống Nhân dân. Triển khai các kênh tương tác trực tuyến để Nhân dân tham gia, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Tỷ lệ người dân từ đủ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 80%.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân về chuyển đổi số
Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, chú trọng phát huy hiệu quả hệ thống thông tin cơ sở, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về chuyển đổi số, làm cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân thấy rõ lợi ích, sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia và thực hiện chức năng giám sát thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.
Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hằng năm. Do đó, cần tập trung tối đa nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp chỉ đạo, tiên phong đi đầu để tạo sự lan tỏa, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ; chịu trách nhiệm và lấy kết quả thực hiện chuyển đổi số là một tiêu chí để đánh giá, xếp loại người đứng đầu, xếp loại đảng viên. Đưa nội dung chuyển đổi số vào sinh hoạt chuyên đề tại các chi bộ để tạo sự đồng thuận, thống nhất, quyết tâm chính trị cao trong toàn hệ thống chính trị.

2. Xây dựng đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số
Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia, các cơ chế, chính sách của Trung ương về chuyển đổi số; cụ thể hóa, ban hành các quy chế, quy định và cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế của tỉnh, tạo môi trường pháp lý và điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh chuyển đổi số; trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển hạ tầng số, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả; khuyến khích thu hút doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh và các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông, hạ tầng cho chuyển đổi số; hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử có uy tín ở trong nước và nước ngoài.

Xây dựng cơ chế phối hợp, liên kết với các cơ quan Trung ương, doanh nghiệp và đối tác trong, ngoài nước để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số; trước mắt tập trung nâng cao trình độ đối với công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin hiện có. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu và thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao làm chuyên gia và lực lượng nòng cốt tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số. Tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông, đào tạo trực tuyến, phổ cập kiến thức, kỹ năng số cho người dân trên các nền tảng số, tạo sự thay đổi về tư duy, nhận thức và hình thành văn hóa số.

3. Xây dựng chính quyền số
3.1. Xây dựng cơ sở hạ tầng số
Nâng cấp, mở rộng Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh để quản lý tập trung các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung toàn tỉnh bằng công nghệ mới đáp ứng yêu cầu triển khai chính quyền số, đô thị thông minh; chú trọng nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin, trang bị các thiết bị công nghệ liên quan đến điện toán đám mây, các máy tính hiệu năng cao đáp ứng nhu cầu triển khai xây dựng các hệ thống lớn như tính toán song song, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn.

Xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông băng thông rộng chất lượng cao; khuyến khích các doanh nghiệp nâng cấp mạng di động 4G, phát triển hạ tầng mạng di động 5G và triển khai các giải pháp phổ cập điện thoại thông minh. Phát triển hạ tầng kết nối Internet vạn vật (IoT); xây dựng lộ trình và triển khai tích hợp cảm biến, ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị, logistics, chăm sóc sức khỏe... để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số. Quy định cụ thể và quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị và các hạ tầng dùng chung khác phải có các hạng mục để ứng dụng, kết nối Internet vạn vật (IoT), tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số, tránh đầu tư trùng lặp gây lãng phí nguồn lực.

Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, tin học hóa các quy trình nghiệp vụ, giao dịch của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

3.2. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và nền tảng số
Xây dựng kho lưu trữ số tập trung của tỉnh để quản lý thống nhất việc lưu trữ, chia sẻ, bảo quản an toàn và tổ chức sử dụng có hiệu quả các tài liệu lưu trữ điện tử hình thành trong quá trình chuyển đổi số làm nền tảng của chính quyền số, trở thành hạ tầng dữ liệu quan trọng hỗ trợ các cơ quan nhà nước quyết định chính sách, quản lý, điều hành và phục vụ Nhân dân.

Xây dựng, phát triển các nền tảng số như: nền tảng định danh và xác thực điện tử kết nối, khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, đất đai, tài chính, các nền tảng định hướng trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, ứng dụng trên thiết bị di động cho các dịch vụ, tiện ích trong kinh tế số, xã hội số; từng bước hình thành các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở cấp tỉnh phục vụ giao dịch điện tử giữa người dân với cơ quan nhà nước, giao dịch dân sự và hỗ trợ các hoạt động trực tuyến.

Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ, biểu mẫu, chế độ báo cáo trên môi trường mạng; triển khai các giải pháp để nộp lưu hồ sơ, xác thực tài liệu điện tử; tiếp nhận hồ sơ, tài liệu điện tử có giá trị bảo quản vĩnh viễn phục vụ việc số hóa cơ sở dữ liệu, quy trình nghiệp vụ của cơ quan nhà nước theo quy chuẩn phù hợp với kiến trúc chính quyền điện tử bảo đảm kết nối, chia sẻ, tích hợp với nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia và các bộ, ngành, địa phương.

3.3. Phát triển các ứng dụng, dịch vụ số của tỉnh
Đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số trên cơ sở xây dựng, phát triển Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) và hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung tích hợp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu như: Cổng dữ liệu mở, hệ thống báo cáo, hệ thống quản lý hồ sơ công việc, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để kết nối và phân tích dữ liệu, cung cấp thông tin, chia sẻ tài nguyên dữ liệu hỗ trợ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tìm kiếm, sử dụng, cập nhật dữ liệu, thông tin phục vụ cuộc sống, hoạt động đầu tư, kinh doanh, đồng thời khuyến khích người dân tích cực tham gia giám sát, quản lý các hoạt động của chính quyền, xã hội.  

Phát huy hiệu quả hoạt động Cổng dịch vụ công trực tuyến; đưa các dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4 bảo đảm cung cấp các dịch vụ thông minh, tiện ích của chính quyền phục vụ. Tiếp cận và ứng dụng hiệu quả các công nghệ cốt lõi của chuyển đổi số trong quản lý, điều hành; nâng cao chất lượng của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Duy trì, phát triển hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc, hệ thống thông tin báo cáo, số hóa bản đồ, các thông tin cơ bản phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo; phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức; phần mềm sổ tay đảng viên điện tử và các giải pháp chuyển đổi số, các phần mềm chuyên ngành trong cơ quan đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đô thị thông minh, ưu tiên phát triển dịch vụ giải quyết các vấn đề thiết yếu của xã hội gắn kết với dịch vụ chính quyền số để phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng thúc đẩy phát triển toàn xã hội như: Y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, giao thông, giám sát an ninh, quản lý trật tự xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp, thu hút đầu tư, logistics, du lịch, báo chí, phát thanh và truyền hình.

4. Xây dựng kinh tế số
Xây dựng kinh tế số, kinh tế chia sẻ, trong đó tập trung phát triển doanh nghiệp công nghệ số đầu tư các nền tảng số, chuỗi cung ứng số, số hóa sản phẩm dịch vụ; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, nội dung số đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các đối tác lớn để thu hút các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ số và tự động hóa, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Lựa chọn những ngành, lĩnh vực kinh tế có điều kiện, lợi thế để tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành chuyển đổi số, các ứng dụng trên nền tảng số, tạo ra các giá trị mới, trải nghiệm mới và sự phát triển đột phá về giá trị, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh.

Xây dựng hệ thống dữ liệu của ngành nông nghiệp về thổ nhưỡng đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; bản đồ số hóa thổ nhưỡng, vùng nguyên liệu, vùng nuôi trồng tích hợp với hệ thống cảm biến quan sát, giám sát, cảnh báo tình hình khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai, phát hiện bệnh dịch. Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo. Khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP. Thực hiện tốt việc cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường, thông tin số về quan trắc và phân tích dữ liệu môi trường nước, không khí; xây dựng bản đồ số và ứng dụng thông minh trong quản lý, giám sát hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, bản đồ dự báo khu vực ngập lụt; thông tin quản lý, hỗ trợ thu gom rác thải.

Chú trọng phát triển các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có cơ cấu tổ chức thông minh, nhà máy thông minh; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, cung cấp sản phẩm dịch vụ trên các nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng sản xuất thông minh. Ứng dụng công nghệ số trong điều hành, giám sát việc cung cấp, truyền tải, phân phối và tiêu thụ điện, tự động hóa lưới điện, trong giám sát và điều khiển điện chiếu sáng công cộng thông qua các cảm biến IoT, hỗ trợ tiết kiệm năng lượng và phát hiện các tổn thất điện năng. Khuyến khích các doanh nghiệp lắp đặt trạm phát sóng 5G tại Khu kinh tế Thái Bình và các khu, cụm công nghiệp.

Xây dựng kế hoạch thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, hỗ trợ rộng rãi ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp và Nhân dân. Chuyển đổi mạnh mẽ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số, khai thác và ứng dụng hiệu quả nền tảng mã địa chỉ bưu chính (VpostCode). Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ việc kết nối với các doanh nghiệp viễn thông để thực hiện, triển khai thanh toán điện tử với các giao dịch có giá trị nhỏ thông qua tài khoản viễn thông. Xây dựng các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức, xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ logistics; số hóa hạ tầng giao thông trên bản đồ số phục vụ xây dựng, duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông, quản lý quy hoạch giao thông, hoạt động vận tải, phương tiện và người lái, đăng kiểm, công tác đảm bảo an toàn giao thông.

5. Phát triển xã hội số
Triển khai các nền tảng số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại các bệnh viện, hỗ trợ tư vấn và khám, chữa bệnh thông minh, công tác phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại trạm y tế kết nối liên thông với các bệnh viện; triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án, hóa đơn viện phí  giấy; quản lý, kết nối thông tin y tế, bảo hiểm y tế với các cơ quan, doanh nghiệp, trường học.

Tăng cường đưa các hoạt động giáo dục lên môi trường số; tích hợp hệ thống các cơ sở dữ liệu hiện có của từng trường học vào hệ thống chung của ngành; hoàn thiện hệ thống học bạ điện tử theo quy chuẩn; số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu tài liệu, giáo trình điện tử E-learning, các nền tảng ứng dụng hỗ trợ dạy và học từ xa; tham gia chia sẻ tài nguyên giáo dục mở (OER) hỗ trợ giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học.

Triển khai trên không gian mạng các sản phẩm văn hóa, lịch sử, hình ảnh đất và người Thái Bình thời kỳ hội nhập để xây dựng cơ sở dữ liệu số và phát triển ứng dụng giải pháp công nghệ thực tế ảo (AR), trí tuệ nhân tạo, công nghệ 3D, 4D số hóa các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, sản phẩm dịch vụ, du lịch, hiện vật, bảo vật bảo tàng; hoàn thành Cổng du lịch thông minh; nâng cấp và vận hành hiệu quả Thư viện số của tỉnh.

Triển khai ứng dụng cung cấp sản phẩm số, dịch vụ số, dịch vụ thông minh, tiện ích số phục vụ Nhân dân như: Trả lời tự động giải đáp thủ tục hành chính; thông tin giá cả thị trường, lao động và việc làm; an toàn giao thông và trật tự xã hội; tiếp nhận và xử lý các phản ánh, hỗ trợ người dân trong các tình huống khẩn cấp.

6. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, tăng cường dùng chung hạ tầng thông tin. Xây dựng và triển khai hệ thống xác định, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng để kịp thời xử lý. Chỉ đạo các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp hạ tầng và nền tảng số bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Xây dựng và triển khai hệ thống giám sát, cảnh báo sớm nguy cơ, điều phối ứng cứu sự cố mất an toàn, an ninh mạng cho các cơ quan, tổ chức; mô hình bảo đảm an toàn thông tin chuyên nghiệp, kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia.

7. Hợp tác, nghiên cứu, phát triển ứng dụng số và đổi mới sáng tạo
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo hướng thiết thực, hiệu quả, có kết quả, sản phẩm phù hợp với xây dựng chính quyền số, thành phố thông minh; ưu tiên phân bổ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho chuyển đổi số và các nhiệm vụ có kinh phí đối ứng của doanh nghiệp. Chủ động tham gia các tổ chức, diễn đàn trong nước và quốc tế về chuyển đổi số, thành phố thông minh; tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, huy động nguồn lực nghiên cứu, phát triển, chuyển giao các công nghệ mới, mô hình mới. Ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ 4.0.

8. Bảo đảm nguồn lực thực hiện chuyển đổi số
Thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách huy động nguồn lực và phân bổ ngân sách phù hợp cho thực hiện chuyển đổi số. Ưu tiên bố trí ngân sách địa phương lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án của Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số. Huy động các nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp để đầu tư phát triển chuyển đổi số.  

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; xây dựng chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện phù hợp với tình hình, nhiệm vụ được giao; định kỳ hàng năm hoặc khi cần thiết tổ chức kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện và bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.

2. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xác định lộ trình, phân kỳ nguồn lực đầu tư hợp lý để thực hiện hiệu quả; trong quá trình thực hiện, căn cứ tình hình thực tế để điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ cho phù hợp.

Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách của tỉnh phục vụ chuyển đổi số; thường xuyên giám sát việc thực hiện có hiệu quả, đúng pháp luật.

3. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phát động phong trào hưởng ứng, tham gia công cuộc chuyển đổi số; tăng cường vai trò giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

4. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết; chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, thông tin và truyền thông xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Nghị quyết trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự đồng thuận, quyết tâm, tự giác thực hiện trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Nghị quyết này được phổ biến đến các chi bộ, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh.

  • Từ khóa