Thứ 5, 28/03/2024, 19:56[GMT+7]

Cần làm rõ vai trò của Nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí

Thứ 2, 10/10/2022 | 16:37:15
357 lượt xem
Cần làm rõ vai trò của Nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; tìm nguyên nhân và có biện pháp đối với việc nhiều cán bộ ngành y tế, giáo dục xin nghỉ việc sau đại dịch COVID-19; cần truy cứu trách nhiệm đối với các cơ quan làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy thật nghiêm khắc…

Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Đó là những ý kiến phát biểu tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam lần thứ 14, khóa IX mở rộng, nhiệm kỳ 2019-2024 tổ chức ngày 10/10 thu hút sự tham gia của hơn 600 đại biểu tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của các vị trong Đoàn Chủ tịch góp ý vào dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để gửi tới kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV; Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2023 của UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Vai trò Nhân dân ở đâu trong phòng chống tham nhũng?

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cần tìm rõ nguyên nhân tình trạng sau dịch COVID-19 có nhiều vụ việc diễn ra sai phạm rất nhiều, nhiều cán bộ bị kỷ luật, trong đó có cả cấp Trung ương, gây bức xúc, tâm tư cho người dân. Bên cạnh đó, tình trạng nhiều cán bộ ngành y tế xin nghỉ việc sau đại dịch, liệu đây có phải yếu tố “bất ổn xã hội” không?

Về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông Lù Văn Que cho rằng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang hoạt động rất hiệu quả. Đảng đã có các quy định về nêu gương của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực, quy định những điều đảng viên không được làm. “Đảng nói phải dựa vào dân để làm việc này, tuy nhiên thời gian qua, vai trò của người dân chưa được thể hiện rõ. Trong khi công tác phòng, chống tham nhũng đã có sự tham gia của các cơ quan báo chí (trong phát hiện vi phạm), công an (trong điều tra), Tòa án (trong xét xử), vậy vai trò của Nhân dân ở đâu?”, ông Lù Văn Que trăn trở.

Vì vậy, ông Lù Văn Que đề nghị Mặt trận cần chỉ rõ dân cần làm gì, cần làm như thế nào và ai bảo vệ người dân trong tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cũng cần phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Cũng góp ý vào dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa – Xã hội cho rằng, trong đánh giá về tình hình kinh tế cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, phản ánh đúng tình hình đời sống của Nhân dân, doanh nghiệp.

Cùng với 6 nhóm vấn đề cử tri và Nhân dân còn băn khoăn lo lắng, theo ông Nguyễn Túc, một nội dung báo cáo cần tiếp tục quan tâm hơn là vấn đề an toàn, an ninh trên không gian mạng, kiểm soát thông tin đầu ra đến người dân. Đặc biệt những vụ việc nghiêm trọng vừa qua trong xử lý vi phạm một số cán bộ Nhà nước có hành vi tham nhũng, tiêu cực hay những bất cập, bức xúc trong ngành y tế, giáo dục... tránh gây dư luận xấu và các thế lực thù địch lợi dụng để bôi nhọ, nói sai sự thật.

Trước tình trạng người dân đang hoang mang, lo lắng về nhiều vụ cháy nổ liên tiếp xảy ra, vấn đề này đã xảy ra cách đây 2 đến 3 năm, nhưng các cơ quan, cá nhân phải chịu trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy chưa hề bị xử lý mà chỉ xử lý người chủ cơ sở kinh doanh để xảy ra cháy nổ, ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị, cần truy cứu trách nhiệm đối với các cơ quan làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy thật nghiêm khắc.

Ông Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Về vấn đề xã hội hóa đối với hai lĩnh vực giáo dục và y tế, ông Trần Ngọc Đường cho rằng đây là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước, nhưng thực hiện chủ trương này đòi hỏi phải có hướng đi phù hợp, không bị thả lỏng với khẩu hiệu “tự chủ”. Cần áp dụng Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức trong vấn đề này vì thực tế hiện nay, đội ngũ chuyên gia, tri thức giỏi đa phần là viên chức, trong khi thu nhập và chế độ đãi ngộ của viên chức thiệt thòi hơn so với công chức. Ví dụ viên chức ngành y tế tại các bệnh viện lớn, đầu ngành thì có thu nhập tốt, nhưng tại các bệnh viện nhỏ hay tại những vùng khó khăn thì ngược lại, dẫn đến tình trạng bỏ việc ở khu vực công. Chính vì vậy, báo cáo phải thể hiện được tính ưu việt của chế độ qua lĩnh vực y tế, giáo dục và đánh giá lại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Cùng đề cập đến lĩnh vực y tế và giáo dục, bà Hà Thị Liên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, đây là hai ngành có sự liên quan đến nhiều mặt trong xã hội. Tuy nhiên, gần đây, các y sĩ, bác sĩ, giáo viên xin nghỉ việc, ra khỏi ngành khá nhiều. Không chỉ giáo dục, y tế, các tổ chức chính trị - xã hội cũng không giữ được thành viên, hội viên của mình. Vấn đề này rất cần sự vào cuộc của Đảng, Nhà nước để sớm tháo gỡ khó khăn cho các ngành, các tổ chức về biên chế, duy trì, đảm bảo chế độ việc làm cho viên chức, người lao động.

Trước tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển sang khu vực tư nhân, một số đại biểu đề nghị cần đánh giá về chính sách, tiền lương đối với công chức, viên chức; một số nội dung đầu tư công chưa hiệu quả, giải ngân gặp khó khăn, đề nghị tính toán chuyển những khoản đầu tư đó để tăng lương. Đó cũng là cách đầu tư để giữ chân người lao động, nhất là nguồn lao động chất lượng cao…

Huy động trí tuệ tổng thể trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội

Về chương trình giám sát Mặt trận năm 2023, ông Trần Ngọc Đường đồng tình với nội dung 6 chuyên đề giám sát trong năm 2023. Ông đề nghị cần triển khai 1 đến 2 vụ việc giám sát cụ thể mà trong thực tiễn người dân quan tâm, qua đó kiến nghị để góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật. Đồng thời, cần chấm dứt tình trạng góp ý bằng văn bản trong phản biện xã hội bởi nhiều văn bản góp ý còn sơ sài, trong khi phản biện xã hội cần sự góp ý chu đáo, tâm huyết, huy động trí tuệ tổng thể của các nhà khoa học để đạt được hiệu quả cao nhất.

Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, mục đích, yêu cầu chương trình giám sát năm 2023 cần nói rõ về việc phát huy tổng thể các hình thức giám sát, phản biện, nhất là giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, phát huy vai trò giám sát của MTTQ cấp huyện, cấp xã. Đặc biệt cần đổi mới quy trình tổ chức hội nghị phản biện, phát huy vai trò các hội đồng tư vấn làm nòng cốt trong hoạt động phản biện của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Tinh thần này cần được cụ thể vào trong yêu cầu, nhiệm vụ sắp tới để phát huy mạnh mẽ hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo tinh thần mới của Đảng về hoạt động này.

Trên cơ sở 6 nội dung giám sát và 3 nội dung phản biện đã được dự kiến, một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số nội dung giám sát, đó là giám sát chính sách pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng; giám sát chế độ chính sách về y tế tư nhân… Các đại biểu cũng đề nghị xem xét giảm dần việc xin ý kiến góp ý dự thảo văn bản pháp luật mà không đảm bảo về thời gian, điều kiện nghiên cứu. Từ đó, tiến tới đổi mới quy trình tổ chức hoạt động giám sát, phản biện theo quy chuẩn, thực hiện góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước để hoàn thành chức năng nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam./.

Theo dangcongsan.vn