Thứ 6, 22/11/2024, 14:19[GMT+7]

Gỡ khó trong phát triển Đảng ở nông thôn

Thứ 6, 04/11/2022 | 09:44:18
1,102 lượt xem
Ở nông thôn, thanh niên là nguồn phát triển Đảng quan trọng. Tuy vậy, xu hướng người trẻ “ly hương” đi làm ăn ở nơi khác diễn ra phổ biến, khiến công tác phát triển Đảng gặp nhiều khó khăn. Thực tế này đặt ra nhu cầu cần có một hình thức sinh hoạt Đảng linh hoạt, phù hợp, để giúp công nhân vừa chấp hành đúng Điều lệ Đảng vừa hài hòa với việc làm ăn, mưu sinh hằng ngày.

Xã Tân Văn đang ngày càng gặp khó trong việc tìm nguồn kết nạp đảng viên mới do nhiều thanh niên di cư sang tỉnh, thành phố khác làm công nhân (Ảnh minh họa)

Xã Tân Văn, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn có 4 dân tộc chủ yếu sinh sống, gồm: Tày, Nùng, Kinh, Dao; trong đó dân tộc Tày, Nùng chiếm tuyệt đại đa số.

Đồng chí Nông Duy Nghĩa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Văn cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu phấn đấu kết nạp ít nhất mỗi năm 10 đảng viên trở lên.

Đối với một Đảng bộ xã có 17 chi bộ trực thuộc như Tân Văn, những tưởng chỉ tiêu đó là thấp. Song trên thực tế lại không đơn giản do nguồn kết nạp ngày càng thiếu hụt.

Đồng chí Nguyễn Văn Trường - Bí thư Chi bộ thôn Nà Vước, xã Tân Văn cho biết, trong nguồn kết nạp đảng viên mới thì đoàn viên thanh niên là thành phần quan trọng. Tuy vậy, hầu hết thanh niên không có mặt ở địa bàn mà đi làm thuê cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc doanh nghiệp trong nước ở các tỉnh lân cận như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh… Một số thanh niên sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông chuyển sang học nghề để đi tìm việc ở nơi khác. Số ít thanh niên có mặt tại thôn bản do bận rộn làm ăn, ít gắn bó với hoạt động chung nên chưa đủ điều kiện để bồi dưỡng kết nạp…

Chia sẻ thêm về những trăn trở trước cái khó tìm nguồn phát triển đảng viên mới ở nông thôn, Bí thư Đảng ủy xã Tân Văn cho hay, trên thực tế, không phải thanh niên nông thôn không có nguyện vọng vào Đảng. Tuy nhiên, do yêu cầu công việc, họ phải đi làm ăn xa nhà. Họ khó tham gia sinh hoạt chi bộ trực tiếp định kỳ hằng tháng, chưa nói đến sinh hoạt chi bộ bất thường. Họ e ngại như thế là vi phạm Điều lệ Đảng nên đành chọn thôi không vào Đảng.

Khó khăn trong việc tạo nguồn kết nạp đảng viên mới khiến năm 2022, Đảng bộ xã Tân Văn phải hạ chỉ tiêu xuống chỉ còn kết nạp từ 8 - 10 đảng viên, thay vì “chốt cứng” 10 chỉ tiêu trở lên như những năm trước đây.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Bình Gia Lương Trương Đạt nói: “Công nhân làm việc trong khu công nghiệp ở các tỉnh lân cận có mức lương từ 8 - 10 triệu/tháng. Gia đình có hai vợ chồng đi làm công nhân thì thu nhập sẽ ổn định và cao hơn trồng lúa rất nhiều. Hiện nay, trung bình một sào ruộng chỉ thu được 1 - 2 tạ/thóc. Với một tháng lương, người công nhân mua được cả tấn thóc đảm bảo lương thực cho cả nhà ăn trong một năm. Thế nên thanh niên “ly hương” ngày càng nhiều là thực trạng ở Bình Gia, gây khó khăn trong việc tạo nguồn kết nạp đảng viên mới”.

Bí thư Huyện ủy Bình Gia cho biết thêm, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã thông qua chỉ tiêu mỗi năm kết nạp từ 150 đảng viên mới trở lên. Chỉ khi các đảng bộ cơ sở hoàn thành chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới thì Đảng bộ huyện mới có thể hoàn thành kế hoạch phát triển Đảng đề ra cho hằng năm và cả nhiệm kỳ.

Ngày nay, công nghệ thông tin đang rất phát triển ngay cả ở vùng nông thôn. Thực tế cho thấy, hai năm diễn ra đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hoàn toàn nếp sống, cách làm việc của không chỉ người dân mà ngay cả trong hoạt động của cơ quan công quyền.  

Đồng chí Nông Duy Nghĩa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Văn cho biết, cấp ủy, chính quyền địa phương đã lập rất nhiều nhóm hoạt động trên nền tảng mạng xã hội như: nhóm của Ban chấp hành Đảng ủy, nhóm lãnh đạo UBND xã, nhóm đại biểu Hội đồng nhân dân, nhóm các Bí thư chi bộ, trưởng thôn… Các công việc gấp được triển khai trên nhóm rất nhanh và hiệu quả.

Mặc dù hiện nay, chưa có bất kỳ văn bản nào của cấp có thẩm quyền hướng dẫn hình thức sinh hoạt chi bộ online trên các nền tảng mạng xã hội, nhưng nếu không linh hoạt trong việc này thì rất khó để phát triển đảng ở các chi, đảng bộ vùng nông thôn khi người dân di cư ra tỉnh, thành phố khác làm công nhân rất nhiều.

Sự linh hoạt đó còn là giải pháp để xử lý tình huống đối với những người đã vào Đảng ở các chi bộ nông thôn, sau chuyển đi làm công nhân ở các doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp đó không có tổ chức Đảng, thành ra người công nhân không có nơi sinh hoạt Đảng. Họ cũng cần được tạo điều kiện linh hoạt và hợp lý để thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đảng viên.

Đương nhiên, không thể lạm dụng hình thức sinh hoạt chi bộ online, mà tốt nhất vẫn bố trí vào một ngày cố định trong tháng để người công nhân chủ động sắp xếp lịch cá nhân, vừa kết hợp về thăm nhà, vừa có thời gian thực hiện nghĩa vụ với tổ chức Đảng. Do Bình Gia khá gần với các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang nên hằng tuần, hằng tháng, công nhân vẫn về thăm thân và giải quyết công việc gia đình. Việc kết hợp cả hai hình thức sinh hoạt chi bộ trực tiếp và online là hoàn toàn khả thi - đồng chí Nông Duy Nghĩa đề xuất.

Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Gia thường xuyên họp bàn các giải pháp về công tác xây dựng Đảng (Ảnh minh họa)

Trước tình hình các xã, thị trấn gặp khó về nguồn phát triển Đảng, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Gia đã chỉ đạo cấp ủy trực thuộc, nhất là Đảng ủy các xã, thị trấn tập trung xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên mới; thường xuyên rà soát nguồn, quan tâm bồi dưỡng đối tượng phù hợp, trong đó chú trọng nhóm quần chúng trong độ tuổi đoàn viên, dân quân tự vệ, giáo viên, lãnh đạo các tổ chức Hội đoàn thể ở thôn, bản, khu phố và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đảng ủy các xã phân công đảng ủy viên, Chi bộ thôn phân công đảng viên chính thức theo dõi, động viên, bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng ưu tú phấn đấu vào Đảng.

Đồng chí Trần Văn Hiếu - Giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Bình Gia cho biết, trung bình một năm, Trung tâm mở được 3 lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng, với khoảng 150 học viên; trong đó ½ là giáo viên, ½ là quần chúng ưu tú là con em các gia đình có công với cách mạng, phụ nữ người dân tộc thiểu số tích cực trong các phong trào ở thôn, bản, khu phố.

Thôn, bản tuy không phải là cấp hành chính nhưng có vai trò đặc biệt quan trọng. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều được triển khai, tổ chức thực hiện trực tiếp tại thôn, bản. Chính vì thế, nêu cao vai trò lãnh đạo của chi bộ thôn bản và tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên ở các chi bộ thôn bản có ý nghĩa rất lớn, quyết định đến việc triển khai, tổ chức thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa khiến không chỉ riêng Bình Gia mà còn nhiều nơi khác trên cả nước đang phổ biến xu hướng người trẻ dịch chuyển ra vùng đô thị làm công nhân trong các công ty, doanh nghiệp.

Do đó, đối với cấp ủy các cấp ở nông thôn, yêu cầu vừa phải làm tốt công tác tạo nguồn, vừa phải linh hoạt trong hình thức tổ chức sinh hoạt Đảng là bài toán kép được đặt ra trước thực tế đang có nhiều thay đổi. Cơ sở rất mong cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét và cho phép áp dụng hình thức sinh hoạt chi bộ online trong một số trường hợp nhất định để giải quyết bài toán này.

Làm được điều đó sẽ phát huy thế mạnh về kiến thức, trình độ, sự năng động, sáng tạo, tính kỷ luật, chuyên nghiệp của người công nhân đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển vùng nông thôn. Đồng thời gỡ khó cho các chi bộ trong việc vừa giữ được số lượng đảng viên đã kết nạp, vừa phát triển được số lượng đảng viên mới theo chỉ tiêu đã đặt ra hằng năm và cả nhiệm kỳ cho dù người đảng viên đó sinh sống và làm việc ở bất cứ nơi đâu./.

Theo dangcongsan.vn