Thứ 4, 27/11/2024, 05:25[GMT+7]

Phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình đạt chuẩn

Thứ 2, 14/11/2022 | 20:53:28
3,176 lượt xem
Sau 65 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, Trường Chính trị tỉnh Thái Bình đã đạt được nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh. Trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn, nâng cao chất lượng cán bộ cho tỉnh, Trường Chính trị tỉnh Thái Bình phấn đấu xây dựng thành công trường chính trị chuẩn đúng thời hạn, tiếp tục đưa Trường phát triển, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng tỉnh Thái Bình ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hội nghị tuyển sinh Trường Chính trị tỉnh Thái Bình năm 2022.

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Tỉnh ủy Thái Bình đã chủ trương thành lập các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trường Đảng tỉnh được thành lập tháng 9/1957; Trường Hành chính tỉnh cũng thành lập năm 1957 và Trường Lý luận chính trị tại chức được thành lập tháng 11/1971. Do yêu cầu xây dựng, phát triển Trường Đảng tỉnh và nhằm tăng cường, thống nhất sự lãnh đạo của Tỉnh ủy với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tháng 3/1988, Trường Lý luận chính trị tại chức sáp nhập vào Trường Đảng tỉnh. Năm 1994, Ban Bí thư ra Quyết định số 88-QĐ/TW thành lập trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; do vậy, ngày 24/11/1994, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định số 10-QĐ/TU về việc thành lập Trường Chính trị tỉnh Thái Bình trên cơ sở hợp nhất Trường Hành chính tỉnh và Trường Đảng tỉnh.

Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, đối diện với nhiều gian nan, thử thách, từ sự thiếu thốn về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất của những ngày đầu mới thành lập; sự khốc liệt của chiến tranh khi đế quốc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc mà tỉnh Thái Bình là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của địch, với tinh thần “Cách mạng tiến công”, “Tất cả cho sản xuất và sẵn sàng chiến đấu”, cán bộ, giảng viên, học viên của Trường đã vượt qua gian khổ, khắc phục khó khăn, động viên, giúp đỡ nhau giảng dạy, học tập đạt kết quả tốt. Từ một cơ sở đào tạo mà toàn bộ giảng viên đều là giảng viên kiêm chức, Trường đã từng bước xây dựng được đội ngũ giảng viên có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh. Đội ngũ giảng viên của Trường luôn tận tụy, tích cực đổi mới nội dung, chương trình và nâng cao chất lượng giảng dạy. Trường Chính trị tỉnh Thái Bình đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng nghìn lượt cán bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phục vụ công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Sau khi công tác tổ chức và hoạt động của Trường được ổn định, từ năm 1997 - 1999, khó khăn lại ập đến do tình hình chính trị ở 264/285 xã trong tỉnh mất ổn định. Tại thời điểm đó, Trường có 1.270 học viên là cán bộ xã, phường, thị trấn phải nghỉ học và trên 1.000 học viên là cán bộ của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố được điều động về cơ sở tham gia giải quyết công việc. Mặc dù vậy, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường vẫn quyết tâm giữ trường, giữ lớp, bám sát thực tiễn ở cơ sở, nghiên cứu những tình huống gây mất ổn định trên các lĩnh vực để hướng dẫn học viên xử lý, giải quyết. Từ năm 2000, Trường tiến hành đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy với phương châm “Thầy chủ đạo, trò chủ động”, “Lý luận gắn với thực tiễn, nghiệp vụ và xử lý tình huống”, “Lấy người học làm trung tâm”,... giảng viên đã kết hợp sử dụng nhiều phương pháp, phương tiện dạy học tích cực, hiện đại. Do vậy, chất lượng giảng dạy và học tập của Trường được nâng cao rõ rệt; quy mô đào tạo hàng năm được giữ vững từ 35 - 40 lớp với trên 3.000 học viên.

Những thành tựu Trường Chính trị tỉnh Thái Bình đã đạt được trong 65 năm qua rất đáng phấn khởi và tự hào. Trường đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1987), hạng Nhì (năm 1995), hạng Nhất (năm 1999), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2003)... và nhiều bằng khen của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Đặc biệt, năm 2004, Trường vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” và năm 2007 được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì. Từ năm 2015 đến nay, Trường Chính trị tỉnh Thái Bình được đón nhận nhiều hình thức khen thưởng: bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh (năm 2016), bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (năm 2017), cờ thi đua của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (năm 2018), cờ thi đua của UBND tỉnh (năm 2019); 22 lượt cán bộ, giảng viên được các cấp, các ngành khen thưởng. Đây là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn đối với toàn thể cán bộ, giảng viên của Trường.

Thực hiện Quy định số 09-QĐi/TW, ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và chỉ đạo của Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh Thái Bình đã tiến hành sắp xếp lại bộ máy, tổ chức, bảo đảm theo quy định chung. Toàn trường có 5 khoa, phòng với tổng số 50 cán bộ, giảng viên và lao động hợp đồng; đội ngũ giảng viên có 33 đồng chí, trong đó, 15/33 đồng chí là giảng viên chính; 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ, trong đó có 1 tiến sĩ, 2 nghiên cứu sinh và nhiều đồng chí có 2 - 3 bằng đại học. Trong điều kiện còn không ít khó khăn như sự thay đổi lãnh đạo Trường,  dịch Covid-19, những tác động phức tạp của mặt trái cơ chế thị trường... nhưng đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường vẫn luôn giữ gìn đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, thực hiện đạt và vượt định mức các nhiệm vụ được giao. Hàng năm, Trường thực hiện hàng chục đề tài khoa học cấp khoa, cấp trường; nghiên cứu từ một đến hai đề tài khoa học cấp tỉnh. Các đề tài khoa học đều thiết thực, trực tiếp phục vụ cho công tác của cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong tỉnh. Mỗi năm Trường tổ chức từ 2 - 3 hội thảo khoa học cấp trường; xuất bản 2 bản tin Thông tin Lý luận và thực tiễn. Năm 2022, Trường xuất bản tập bài giảng “Kinh nghiệm xây dựng và phát triển tỉnh Thái Bình” phục vụ dạy và học chương trình trung cấp lý luận chính trị; nghiệm thu thành công đề tài khoa học cấp tỉnh về “Nghiên cứu đề xuất giải pháp đẩy mạnh tích tụ và tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thái Bình”; tổ chức 3 hội thảo khoa học và triển khai cuộc thi viết chính luận khoa học về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” do Ban Chỉ đạo 35 Trung ương phát động; tham gia đóng góp ý kiến có chất lượng vào các văn bản, chỉ thị, nghị quyết theo yêu cầu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Nhiều giảng viên của Trường có bài viết đăng trên báo, tạp chí trung ương và của tỉnh. Trang thông tin điện tử của Trường từng bước đổi mới về nội dung, cập nhật thông tin kịp thời; công tác tuyển sinh, mở lớp luôn đạt và vượt chỉ tiêu; nền nếp, kỷ cương quản lý học viên được duy trì. Trường Chính trị tỉnh Thái Bình được biết đến là một trong những đơn vị kỷ cương, nền nếp trong giảng dạy, học tập, được các thế hệ học viên tín nhiệm.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, Trường vẫn còn những hạn chế nhất định như: Đội ngũ giảng viên vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn; công tác bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới theo chuyên ngành, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh chưa tương xứng với tiềm năng của Trường. Công tác đánh giá chất lượng, hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng chưa được quan tâm đúng mức. Một số nhiệm vụ nghiên cứu khoa học chất lượng chưa cao; còn thiếu sự gắn kết giữa nghiên cứu, tổng kết thực tiễn với tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành các chủ trương, nghị quyết về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; chưa biên soạn được nhiều sách chuyên khảo, tham khảo hoặc kỷ yếu hội thảo khoa học phục vụ đào tạo, bồi dưỡng. Các phong trào thi đua mới chỉ tập trung vào các dịp cao điểm, ngày lễ, ngày kỷ niệm, chưa mang tính thường xuyên, liên tục; văn hóa trường Đảng chưa được xây dựng thành nền nếp trong cán bộ, viên chức và học viên. Cơ sở vật chất của Trường còn khó khăn, một số hạng mục xây dựng từ những năm 1980 đã xuống cấp, việc sửa chữa còn chắp vá, chưa đồng bộ, các phòng học chủ yếu được cải tạo nên không bảo đảm tiêu chuẩn; chưa có đủ phương tiện dạy học theo phương pháp hiện đại.

Phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình phát triển hơn nữa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thời gian tới, Trường quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, nỗ lực phấn đấu xây dựng Trường đạt chuẩn đúng thời hạn. Bám sát các tiêu chí của trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường đã khảo sát, phân tích thực trạng, đánh giá toàn diện các mặt, xây dựng và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt Đề án Trường Chính trị tỉnh Thái Bình đạt chuẩn. Theo đó, phấn đấu đến hết quý IV/2024 Trường Chính trị tỉnh Thái Bình đạt chuẩn mức 1 và hết quý IV/2028 đạt chuẩn mức 2. Xác định việc xây dựng trường chính trị đạt chuẩn là khâu đột phá trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn hiện nay, Trường đã rà soát những tiêu chí còn thiếu của chuẩn mức 1 và mức 2 để lên phương án, kế hoạch thực hiện, bảo đảm tiến độ, lộ trình phù hợp, kịp thời; chú trọng thực chất, không chạy theo thành tích, hình thức.

Đối chiếu với các tiêu chuẩn về trường chính trị chuẩn mức 1, để đạt được mục tiêu, trong 3 năm (2022 - 2024), Trường huy động và tập trung mọi nguồn lực để hoàn tất bổ sung một số tiêu chí còn thiếu, bao gồm: Đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị cho 12 giảng viên; bồi dưỡng kiến thức kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho 25 giảng viên; đề nghị nâng ngạch lên giảng viên chính cho ít nhất 6 cán bộ lãnh đạo khoa, phòng và giảng viên; tổ chức biên soạn, xuất bản bổ sung bản tin Thông tin Lý luận và thực tiễn; sách tham khảo, chuyên khảo; tổ chức hội thảo khoa học cấp tỉnh; tăng cường số lượng các lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung... Từ nay đến năm 2028, Trường cần đào tạo thêm ít nhất 8 giảng viên có trình độ tiến sĩ; hoàn tất các điều kiện và đề xuất thăng hạng lên giảng viên cao cấp cho các chức danh, bảo đảm tỷ lệ theo quy định. Đề xuất cấp có thẩm quyền quy hoạch xây dựng tổng thể Trường; tháo dỡ một số hạng mục cơ sở vật chất đã cũ, hỏng, hết thời gian khấu hao; xây dựng mới tòa nhà chức năng tổng hợp, bao gồm: khu làm việc của Ban Giám hiệu, các khoa, phòng; các phòng học, phòng họp, phòng chức năng, nghiệp vụ; xây dựng mới căng tin; nhà đa năng và nâng cấp các hạng mục cơ sở vật chất đang có.

Hai là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; coi trọng đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy và học tập. Giảng viên tiếp tục học tập nâng cao trình độ; chuyên tâm nghiên cứu, cập nhật văn kiện, nghị quyết, chính sách, pháp luật; coi trọng nghiên cứu thực tế để tạo ra những bài giảng hấp dẫn, những bài viết, đề tài khoa học có giá trị thực tiễn cao. Nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ giảng viên, bảo đảm số lượng, cơ cấu, phù hợp; trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng. Đối với người học, cần giúp học viên xác định rõ ràng và đúng đắn động cơ, mục đích, tinh thần, thái độ học tập để trên cơ sở đó sắp xếp công việc một cách khoa học, hợp lý, dành thời gian cho học tập trên lớp và tự học để sau khi ra trường, biết vận dụng kiến thức đã học vào công tác một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo và có hiệu quả; đề xuất những giải pháp thiết thực với địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội  Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện các mặt công tác của Trường. Cán bộ, viên chức, người lao động cần có ý thức và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; tận tình, chu đáo trong công tác phục vụ. Giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thủy chung với các thế hệ đi trước; tình cảm, gắn bó với đồng chí, đồng nghiệp trong cơ quan, đơn vị; xây dựng mối quan hệ mật thiết với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh, với các trường chính trị cấp tỉnh trên toàn quốc. Tranh thủ nguồn kinh phí đầu tư của tỉnh và tiết kiệm chi tiêu ngân sách, tăng cường công tác xã hội hóa để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật của Trường. Bổ sung trang thiết bị dạy, học, thư viện đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập, quản lý; nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng phục vụ của dịch vụ căng tin cho phù hợp và hiệu quả hơn trong điều kiện hiện nay. Làm tốt công tác xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, viên chức, người lao động; phấn đấu xây dựng Đảng bộ, cơ quan, tổ chức Công đoàn, Hội Cựu chiến binh Trường trong sạch, vững mạnh toàn diện. Các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu, trưởng, phó các khoa, phòng phải là những người thực sự gương mẫu, đoàn kết thống nhất, luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cố gắng vượt khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học với chủ đề “Chủ động - Đồng bộ - Đột phá - Kỷ cương - Chất lượng - Hiệu quả” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát động.


Tiến sĩ  Nguyễn Đức Luận
Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình