Thứ 6, 27/12/2024, 11:30[GMT+7]

Chọn đúng vấn đề “tự soi, tự sửa”, bảo đảm thực chất, hiệu quả

Thứ 4, 07/12/2022 | 11:08:14
1,733 lượt xem
Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, là quy luật phát triển của Đảng. Phê bình thế nào cho hiệu quả, chỉ ra được những tồn tại, hạn chế để mà sửa chữa, khắc phục được triệt để, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là việc không đơn giản.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn giám sát hoạt động các nhà máy thủy điện trên địa bàn. (Ảnh: Tuấn Sơn)

Đây cũng là vấn đề đang được tỉnh Bắc Kạn tập trung thực hiện bảo đảm thực chất, có kết quả cụ thể thông qua triển khai đợt sinh hoạt chính trị “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa”.

Một trong những thách thức đối với tỉnh Bắc Kạn khi triển khai đợt sinh hoạt chính trị “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” là làm sao cá nhân, tổ chức thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, hạn chế, nhận đúng, nhận rõ khuyết điểm, để từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp sửa chữa, khắc phục hiệu quả. Nếu không bảo đảm được yêu cầu này thì việc “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” dễ sa vào hình thức, đối phó, không đạt hiệu quả như mong muốn.

Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình

Tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức quán triệt, triển khai kế hoạch “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” đến cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Trong kế hoạch nêu rõ mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, cách thức quy trình tổ chức kiểm điểm.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã cụ thể hóa 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII thành 135 biểu hiện và tổ chức phổ biến, hướng dẫn, triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ, giúp các tập thể, cá nhân biết tự đối chiếu, rà soát, từ đó nhận định các biểu hiện suy thoái để kiểm điểm, phê bình, nhắc nhở, điều chỉnh và xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục.

Yêu cầu then chốt đối với các cá nhân, tập thể là nội dung kiểm điểm phải gắn với việc đánh giá thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn, thực hiện các Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong quá trình kiểm điểm, tự soi, tự sửa, không được nể nang, né tránh; khi đã chỉ ra được hạn chế, khuyết điểm thì phải đề ra biện pháp giải quyết, kế hoạch khắc phục cụ thể.

Năm 2022, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Kạn tự soi, tự kiểm điểm, chỉ ra năm tồn tại, hạn chế, gồm: giao đất ở không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Pác Nặm; chưa bố trí đủ vốn đầu tư đối với Dự án đường cứu hộ, cứu nạn vùng sạt lở lũ quét huyện Pác Nặm; chậm thu nộp ngân sách số tiền tạm ứng vượt giá trị quyết toán; kiểm điểm các đơn vị trong việc chậm thu hồi tiền tạm ứng vượt giá trị quyết toán; chưa giải quyết dứt điểm dự án Nhà máy sản xuất gạch không nung 9999 Bắc Kạn của Công ty TNHH Quốc tế 9999 Bắc Kạn. Sau khi chỉ rõ những hạn chế này, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai giải quyết. Đối với giao đất ở không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất ở Pác Nặm, tỉnh đã ban hành kết luận thanh tra; kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan. Về dự án đường cứu hộ, cứu nạn vùng sạt lở lũ quét huyện Pác Nặm đã được giao đủ vốn để thanh toán cho các khoản chi phí theo giá trị quyết toán. Đối với số tiền tạm ứng vượt giá trị quyết toán, việc chậm thu hồi tiền tạm ứng vượt giá trị quyết toán đã được khắc phục, không còn tồn tại lớn. Số nợ còn phải thu sau quyết toán đã giảm từ hơn 26 tỷ đồng xuống còn hơn 6 tỷ đồng; số đã nộp trả ngân sách nhà nước là hơn 19 tỷ đồng, đạt hơn 75,4%... Tỉnh đã hoàn thành kiểm điểm các đơn vị chậm thu hồi tiền tạm ứng vượt giá trị quyết toán. UBND tỉnh đã thu hồi khu đất đã giao cho thuê để xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung 9999 Bắc Kạn.

Trước đó, vào năm 2018, khi mới bắt đầu triển khai “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa”, tỉnh giới hạn đối tượng thực hiện kiểm điểm là lãnh đạo cấp sở, ngành, huyện, thành phố trở lên.

Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Văn Côi cho biết: “Chúng tôi vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và thực tiễn cho thấy rằng đợt sinh hoạt chính trị này đạt hiệu quả. Do đó, từ những năm sau, đối tượng kiểm điểm đã được mở rộng. Năm 2022, Tỉnh ủy chỉ đạo: Đối với tập thể, đối tượng thực hiện kiểm điểm là Ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, huyện, các đảng đoàn, ban cán sự, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, tập thể Ban chi ủy các chi, đảng bộ cơ sở và trực thuộc; đối với cá nhân là cán bộ, đảng viên là lãnh đạo, quản lý, bí thư chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở trở lên; các địa phương thì tùy thực tế có thể mở rộng thêm.

Tại huyện Chợ Đồn, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, trong đợt “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” vừa qua, toàn huyện đã có 42 tập thể và 254 cá nhân thực hiện tự kiểm điểm, đánh giá theo quy định. Tại các hội nghị kiểm điểm, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể, cá nhân đã được nghiêm túc chỉ ra.

Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hoàng Văn Lăng cho biết: Cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, chi ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, góp ý thẳng thắn, chân tình, mang tính xây dựng cao. Cá nhân được góp ý đã tiếp thu ý kiến phê bình với tinh thần cầu thị. Sau kiểm điểm, các tập thể, cá nhân nhanh chóng xây dựng kế hoạch khắc phục.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Kạn, sau khi các địa phương, cơ quan, đơn vị hoàn thành “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ nghiên cứu và xem xét gợi ý kiểm điểm sâu đối với những vấn đề nổi cộm, bức xúc. Đợt “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” năm 2022, cấp ủy, tổ chức đảng, cá nhân lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện tự kiểm điểm xong vào đầu tháng 9; các đơn vị, cá nhân đang xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa.

Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Văn Côi cho biết thêm: Vấn đề được chú trọng là cùng với “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” thì tập thể, cá nhân phải xây dựng, thực hiện kế hoạch khắc phục, sửa chữa những hạn chế, yếu kém. Tỉnh ủy yêu cầu, hằng năm phải kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch khắc phục đến đâu, vấn đề nào chưa hoàn thành, vì sao? Chúng tôi cho rằng, khắc phục, sửa chữa hiệu quả thì “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” mới đi vào thực chất.

Đưa “tự soi, tự sửa” trở thành nền nếp

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Bắc Kạn, đợt sinh hoạt chính trị “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên. Nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương được giải quyết góp phần xây dựng, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đến nay, việc sinh hoạt “tự soi, tự sửa” đã trở thành nền nếp trong sinh hoạt chi bộ, là tiêu chí quan trọng trong đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm.

Tuy nhiên, việc nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một số đơn vị còn chung chung, chưa cụ thể, chưa rõ việc. Việc nêu gương của một số cán bộ, đảng viên lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chưa rõ nét, chưa có sức lan tỏa. Một số tập thể và cá nhân còn chậm khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế đã được chỉ ra. Việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên hằng năm có nơi thực hiện chưa sát với thực tế thực hiện nhiệm vụ.

Theo đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn, qua các đợt sinh hoạt chính trị “tự soi, tự sửa”, kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận định còn một số tập thể, cá nhân thực hiện tự phê bình và phê bình chưa sâu sát, chưa thật sự làm rõ các vấn đề cần rút kinh nghiệm, sửa chữa, khắc phục, do đó chưa bảo đảm tính thực chất. Việc sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra chưa thật sự triệt để, còn chậm. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị chưa thường xuyên. Năng lực, nhận thức của cán bộ, đảng viên không đồng đều; một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.

Để duy trì, nâng cao chất lượng “tự soi, tự sửa”, đồng chí Phương Thị Thanh cho biết: Tỉnh ủy Bắc Kạn chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; nhất là thực hiện nghiêm túc Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, chủ trì thực hiện tự phê bình và phê bình. Quá trình kiểm điểm, phải nâng cao chất lượng góp ý, phê bình, bảo đảm thực chất, dân chủ, có tính xây dựng, tính chiến đấu, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; chú trọng làm rõ trách nhiệm cá nhân trong việc khắc phục chưa triệt để những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm hoặc để tái diễn hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra tại các kỳ kiểm điểm trước. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Tỉnh ủy đang nỗ lực thực hiện nhằm xây dựng Đảng bộ tỉnh vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển địa phương.

Theo nhandan.vn