Thứ 5, 25/07/2024, 19:51[GMT+7]

Cựu chiến binh Đặng Đình Khánh và kỷ niệm kết nạp Đảng tại trận địa

Thứ 7, 31/12/2022 | 18:31:34
1,329 lượt xem
...Trận địa chốt cao điểm 105 vừa ngớt tiếng pháo bầy thì Đại đội trưởng Vi Xuân Sót và Chính trị viên Đại đội, Bí thư Chi bộ Vi Văn Chóng từ hậu cứ lên hầm trú ẩn của tôi, đó là căn hầm kèo nằm gần giữa điểm cao. Nghiêm trang và xúc động, Chính trị viên Đại đội, Bí thư Chi bộ Vi Văn Chóng nói: Thay mặt Chi bộ, tôi tuyên bố, từ giờ phút này đồng chí Khánh là đảng viên được đứng trong hàng ngũ của Đảng và có thời gian dự bị trong 9 tháng. Đồng chí Khánh phải cố gắng xứng đáng với vinh dự này nhé...

Cựu chiến binh Đặng Đình Khánh.

“Đó là lễ kết nạp Đảng dành cho tôi, lễ kết nạp Đảng tại trận địa. Lễ kết nạp Đảng không có cờ và hoa, không có khẩu hiệu, thủ tục thật đơn giản mà trang nghiêm giữa hai trận đánh khốc liệt với quân thù. Tôi nhớ lúc đó là 14 giờ ngày 16/8/1972, tôi đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Mặc dù đã thử lửa gần 5 năm trong chiến trường, dạn dĩ trận mạc nhưng phút giây được trở thành đảng viên vẫn làm tôi xúc động. Tôi đã nói với Đại đội trưởng Vi Xuân Sót và Chính trị viên Đại đội, Bí thư Chi bộ Vi Văn Chóng rằng: Các anh cứ yên tâm, em sẽ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Quân đội giao phó” - cựu chiến binh Đặng Đình Khánh, xã Xuân Hòa (Vũ Thư) chậm rãi nhớ về kỷ niệm ông vinh dự được kết nạp Đảng trong mùa hè đỏ lửa bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Thêm một khoảng lặng khá lâu để hồi nhớ về những ngày cùng đồng đội trận mạc sinh tử tại chiến trường Quảng Trị, ông Khánh xúc động: Hôm ấy, sau khi công bố kết nạp Đảng cho tôi xong, Đại đội trưởng Vi Xuân Sót giao nhiệm vụ: Đêm nay các đồng chí phải tổ chức xuất kích tiêu diệt xe tăng và số bộ binh tiểu đoàn thủy quân lục chiến của địch đang ở phía trước. Phải đánh bật địch ngay từ vòng ngoài, không cho chúng có cơ hội vào tiếp ứng đánh chiếm Thành cổ. Theo trinh sát, địch hiện có 28 chiếc xe tăng và xe bọc thép, lực lượng bộ binh đi cùng xấp xỉ một tiểu đoàn. Trận đánh sẽ rất ác liệt, do vậy phải bảo đảm bí mật, bất ngờ khi phát lệnh tấn công. Trung đoàn sẽ bổ sung thêm cho chốt 12 đồng chí chiến sĩ mới vừa từ miền Bắc vào mặt trận Quảng Trị.

Giao nhiệm vụ xong, Đại đội trưởng Vi Xuân Sót và Chính trị viên Đại đội Vi Văn Chóng quay lại hậu cứ của Trung đoàn 9, mãi đến hơn 19 giờ mới quay lại trận địa chốt cao điểm 105 cùng với 8 chiến sĩ mới, thiếu 4 người so với dự kiến ban đầu. Sau hội ý phân công các mũi chiến đấu, Đại đội trưởng Vi Xuân Sót và Chính trị viên Vi Văn Chóng chỉ huy chiến đấu hướng chủ yếu, đánh vỗ mặt địch. Còn Đặng Đình Khánh chỉ huy đánh địch từ hướng tạt sườn sau lưng chúng. Theo hợp đồng tác chiến, đúng 21 giờ các mũi, các hướng tiếp cận mục tiêu địch, Đặng Đình Khánh bắn pháo hiệu tấn công. Sau 20 phút chiến đấu, trên hướng thứ yếu xạ thủ súng cối 60 Vũ Văn Giang, người con của quê hương Tiên Lãng (Hải Phòng) hy sinh. Vừa sử dụng súng AK, Đặng Đình Khánh sử dụng ngay khẩu cối 60 của đồng đội bắn liên tục 16 quả đạn vào đội hình địch. Thêm xạ thủ B41 hy sinh, Đặng Đình Khánh sử dụng ngay khẩu B41 của đồng đội nã liên tục 6 quả đạn, diệt liền lúc 5 xe tăng địch. Tuy nhiên, tình thế trận địa trên cả hai hướng Đại đội chỉ còn lại 6 tay súng, được lệnh rút trở lại chốt. Vừa trở lại chân cao điểm 105 thì địch phản kháng, cấp tập nã pháo vào đội hình đơn vị, Đại đội trưởng Vi Xuân Sót và Chính trị viên Đại đội Vi Văn Chóng hy sinh. Trước khi hy sinh, Đại đội trưởng Vi Xuân Sót nói: Anh Khánh! Tôi hy sinh, anh thay tôi chỉ huy đơn vị. Nhớ phải giữ cho bằng được cao điểm 105 nhé! Lúc đó là hơn 22 giờ đêm ngày 16/8/1972.

Cả đội hình đơn vị hứng chịu trận pháo bầy của địch gần nửa giờ. Ngớt tiếng đạn pháo, Đặng Đình Khánh kiểm tra đội hình chỉ còn lại 4 người gồm đồng chí trung đội trưởng, chiến sĩ thông tin của chốt Kiều Minh Châu, chiến sĩ liên lạc Đại đội Nguyễn Văn Cảm, duy nhất có Châu bị thương nhẹ còn 3 người đều bị thương khá nặng. Đặng Đình Khánh bị trúng mảnh đạn pháo vào bàn chân không thể bước đi được phải nhờ hỗ trợ của chiến sĩ thông tin mới có thể trở lại hậu cứ... Một trận đánh quả cảm không cân sức trên cao điểm 105 của Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 đêm ngày 16/8/1972. Với ông đây là một kỷ niệm của đời binh nghiệp, được kết nạp Đảng trước khi vào trận đánh quyết tử với quân thù.

Cựu chiến binh Đặng Đình Khánh giơ tay lau ngang khóe mắt, từng giọt lệ cứ theo nhau lăn dài, lăn dài. Ông thổn thức: Đại đội trưởng Vi Xuân Sót và Chính trị viên Đại đội, Bí thư Chi bộ Vi Văn Chóng đều là người dân tộc Mường, cùng quê ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Hai anh đã làm lễ kết nạp Đảng cho tôi trước đó ít giờ và đêm hôm đó đã mãi nằm lại chân cao điểm 105 để cho tôi được sống trở về... Kỷ niệm về những trận chiến đấu trong chiến tranh thì nhiều lắm, kể sao hết được. Có đồng đội trên đường hành quân đã trúng bom, trúng đạn pháo, có người bị lạc đơn vị hoặc sốt rét mà hy sinh, có người vừa tiếp cận mục tiêu chưa kịp nổ súng đã hy sinh, có người bị thương cả chục lần vẫn trở về, tựu trung là người lính khi vào trận là chỉ có duy nhất chiến đấu và chiến thắng vì Đảng, vì Tổ quốc, vì nhân dân mà thôi.

Mở chiếc tủ đứng đã cũ, cựu chiến binh Đặng Đình Khánh lấy ra một bộ quân phục đại lễ và một chiếc hộp nhỏ rồi nói: Đây là tài sản Đảng và Nhà nước vinh danh hai anh em tôi. Chiếc hộp này là kỷ vật gồm Huân chương Quân công hạng Ba, các Huân chương Chiến công mà Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng, truy tặng cho anh trai tôi là Anh hùng liệt sĩ Đặng Đình Khanh, người đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc trong trận đánh căn cứ nổi trên cảng Năm Căn của quân đội Mỹ, ngụy ngày 18/8/1970. Nén xúc động một hồi lâu, ông Khánh nghẹn ngào: Năm anh Khanh đánh căn cứ nổi Năm Căn thì tôi cũng đã vào bộ đội được 3 năm, đang trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên. Năm 1973, tôi được ra Bắc và điều động về Trường Sĩ quan Lục quân I làm giáo viên chiến thuật mới biết anh tôi đã hy sinh và được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 23/9/1973.

Phải động viên mãi cựu chiến binh Đặng Đình Khánh mới mặc lại bộ quân phục đại lễ của sĩ quan. Trên ngực áo rực đỏ Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huy hiệu 50 năm tuổi đảng... Thêm một chút hoài niệm về đời quân ngũ, ông Khánh chậm rãi tua lại thước phim tư liệu thứ hai của đời binh nghiệp. Tháng 2/1973, Đặng Đình Khánh rời chiến trường Quảng Trị ra miền Bắc và được điều động về làm giáo viên chiến thuật tại Trường Sĩ quan Lục quân I. Bằng kinh nghiệm thực tiễn chiến trường, ông đã cùng đồng nghiệp truyền dạy cho nhiều khóa học viên những kinh nghiệm quý báu trong chiến đấu. Năm 1978, ông được điều động về Trung tâm Huấn luyện chiến sĩ mới của Quân chủng Không quân. Tại Quân chủng Không quân, Đặng Đình Khánh giữ cương vị Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn Không quân 923. Sau 18 năm 7 tháng phục vụ Quân đội, năm 1984 ông nhận quyết định về mất sức, hưởng chế độ trợ cấp bệnh binh mất 61% sức khỏe...

Cánh đồng xã Xuân Hòa (Vũ Thư). Ảnh: Việt Hùng

“Đó là cánh đồng Chóc của xã Xuân Hòa đã gắn với cuộc đời tôi từ thuở ấu thơ đến tận bây giờ. Vẫn là cánh đồng lúa mỗi năm hai vụ, xưa tôi đơm đó, thả lờ, mò cua. Nay trở về được bà con bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã mấy năm liền. Thêm một chiếc ao thả cá rộng trên năm sào, cá nhiều vô kể, những con trắm đen, trắm cỏ nặng gần chục ký, cá chép con nhỏ cũng 2kg... Tuổi trẻ xông pha chiến trường trở về quê hương tôi lại phấn đấu làm lão nông tri điền” - cựu chiến binh Đặng Đình Khánh chỉ tay ra phía cánh đồng trước mặt với vẻ mặt rạng rỡ.

Nguyễn Công Liêm
Thành phố Thái Bình

Đỗ trọng Đỉnh - 9 ngày trước

Ông chính là e trai của AHLLVT Đặng Đình Khanh

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày