Thứ 6, 19/04/2024, 07:41[GMT+7]

Nâng cao chất lượng công vụ ở Quảng Trị

Thứ 3, 07/02/2023 | 13:30:40
1,064 lượt xem
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã xác định, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tại Quyết định số 27-QĐ/TW ngày 10/8/2021, Ban Bí thư đề ra yêu cầu, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan Đảng phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Mô hình phòng họp không giấy tờ đã tiết kiệm thời gian, chi phí hành chính tại các cơ quan nhà nước ở huyện Cam Lộ.

Thực hiện nhiệm vụ này, Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Nghị quyết số 02 về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nêu quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, với giải pháp cụ thể nắm bắt cơ hội phát triển, trước hết là đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng công vụ trong hệ thống chính trị toàn tỉnh.

Thay đổi tác phong, hình thành văn hóa số

Ngày làm việc của anh Hoàng Anh Tuấn, chuyên viên Phòng Thông tin công tác tư tưởng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị thường bắt đầu bằng việc rà quét thông tin trên báo điện tử, các trang mạng xã hội, vận hành các ứng dụng, phần mềm thông báo thông tin... Từ đó, phân loại các thông tin tiêu cực, tích cực để kịp thời báo cáo xử lý khi có sự việc phát sinh. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Anh Hoàng Anh Tuấn cho biết, qua hệ thống chuyên dùng được cài đặt phục vụ công tác phát hiện, theo dõi, tổng hợp thông tin đăng tải từ các nguồn báo chí online, Facebook, YouTube, forum..., việc phân tích dữ liệu, phân loại nội dung, tập hợp các biểu mẫu thống kê và cảnh báo giúp đo lường độ ảnh hưởng của các thông tin trên internet và mạng xã hội.

Việc phát hiện thông tin cần quan tâm là khâu đầu tiên, cùng với thông tin từ các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; đội ngũ cán bộ tuyên giáo, tuyên huấn, báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội, các thông tin phản ánh qua số điện thoại nóng... giúp Thường trực Ban Chỉ đạo 35 của tỉnh nắm bắt và chỉ đạo xử lý kịp thời.


Quảng Trị là một trong những tỉnh sớm triển khai sử dụng hệ thống ứng dụng tìm kiếm thông tin theo từ khóa, ID, chủ đề, phân loại thông tin, thống kê bảng biểu theo thời gian để trích xuất số liệu, dữ liệu đăng tải (Reputa)...; góp phần nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, tổng hợp, xử lý các vụ việc phát sinh và báo cáo định kỳ hằng tháng, quý.


Tiên phong chuyển đổi số trong hoạt động của các ban Đảng của tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị xác định đây là thách thức đồng thời tạo cơ hội để đổi mới tác phong, nâng cao chất lượng công tác. Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng đổi mới phương thức, lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả công tác, tăng cường kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan, đơn vị trong khối Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội... Chuyển đổi số trong ngành Tuyên giáo thực hiện ở 3 cấp độ: số hóa dữ liệu, khai thác cơ hội số và chuyển đổi toàn diện.

Theo đó, tất cả các văn bản, dữ liệu, tài liệu được lưu trữ trong kho tài liệu số, tạo thuận lợi trong khai thác, sử dụng chung, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc bảo mật theo quy định. Hệ sinh thái số được xây dựng trên 3 trụ cột: kỹ năng số, phương tiện số và văn hóa số. Đối với cán bộ, công chức ngành Tuyên giáo, báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội được bổ sung thêm yêu cầu về kỹ năng tác nghiệp trên không gian mạng.

Chúng tôi đến huyện Cam Lộ khi kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân huyện nhiệm kỳ 2021-2026 đang diễn ra. Đây là kỳ họp được triển khai theo mô hình phòng họp không giấy, sử dụng phần mềm thông qua hệ thống ecabinet. Các đại biểu không sử dụng tài liệu giấy mà quét mã QR để đọc và nút nhấn mềm để biểu quyết. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cam Lộ Nguyễn Thanh Bắc cho biết, quá trình triển khai thực hiện chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng gắn với cải cách hành chính đã thay đổi căn bản tác phong công tác trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Nhiều hoạt động công vụ đã chuyển từ môi trường thực lên môi trường số. Cán bộ, đảng viên ở cơ sở không còn vất vả “lên huyện họp”, khi hệ thống kết nối thông suốt từ Trung ương đến cơ sở. Trong năm 2022, Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức theo hình thức trực tuyến hơn 30 cuộc họp của Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện tới cấp xã. Tất cả cán bộ, công chức đều sử dụng hộp thư công vụ. Ước tính tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi trên môi trường mạng đạt gần 100% (trừ các văn bản mật không được gửi trên môi trường mạng theo quy định).

Trong điều hành công việc, huyện Cam Lộ triển khai tích hợp chữ ký số lên phần mềm quản lý văn bản, hướng tới sử dụng hoàn toàn văn bản điện tử thay cho văn bản giấy. Hiện nay, 12 phòng ban chuyên môn và các xã, thị trấn trên địa bàn đã được cấp chữ ký số. Cổng thông tin điện tử của huyện tại địa chỉ http://camlo.quangtri.gov.vn, thường xuyên duy trì, cập nhật thông tin công khai thủ tục hành chính, cơ chế chính sách, kế hoạch phát triển, giải quyết đơn thư của người dân và doanh nghiệp...

Điểm đến của Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Cam Lộ là xây dựng một nền hành chính dân chủ, minh bạch, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền các cấp phục vụ nhân dân.

Giải pháp thiết thực, hành động hiệu quả

Hiệu quả rõ nét từ chuyển đổi số đối với công tác tuyên truyền của Đảng là cán bộ, đảng viên từ cơ sở được tham gia các hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, tiếp thu nội dung căn bản do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp truyền đạt. Tại Quảng Trị, việc kết nối thông tuyến đường truyền trực tuyến đã tạo thuận lợi rất lớn cho công tác của ngành Tuyên giáo, nhất là trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 và nhiều xã ở xa trung tâm huyện, nhất là các huyện miền núi, đi lại khó khăn.


Hiệu quả rõ nét từ chuyển đổi số đối với công tác tuyên truyền của Đảng là cán bộ, đảng viên từ cơ sở được tham gia các hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, tiếp thu nội dung căn bản do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp truyền đạt.


Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam cho biết, đối với nhiệm vụ cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 35 của tỉnh, tuyên truyền và đấu tranh trên không gian mạng là lĩnh vực trọng tâm. Theo đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo thiết lập gần 2.000 trang Facebook, fanpage, YouTube... của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Hơn 200 nhóm thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, chia sẻ thông tin tích cực, định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Năm 2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp Bộ Tư lệnh 86 tổ chức các lớp tập huấn cho hơn 800 người, nhằm nâng cao kỹ năng tác nghiệp trên môi trường mạng.

Song song việc sắp xếp, đổi mới hoạt động các cơ quan báo chí theo hướng tinh gọn, hiện đại, tòa soạn đa phương tiện, tòa soạn hội tụ, tòa soạn online, chuyển tải thông tin chủ yếu trên nền tảng internet; ứng dụng công nghệ làm báo hiện đại để đưa thông tin báo chí lên các nền tảng truyền thông, tiếp cận đối tượng độc giả, khán thính giả là cư dân mạng...

Kinh nghiệm của Thành đoàn Đông Hà về đổi mới phương thức hoạt động Đoàn theo hướng chuyển đổi số được Bí thư Thành đoàn Cao Thị Hải Vân chia sẻ là, phát huy lợi thế của công nghệ thông tin, kết nối nhanh, lan tỏa rộng qua trang fanpage “Tuổi trẻ Đông Hà”. Từ fanpage này, đoàn viên, thanh niên cập nhật kịp thời các thông tin về các phong trào, hoạt động đoàn, những mô hình hay, điển hình tiên tiến; tình hình thời sự trong nước, địa phương; hoạt động đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng...

Với lợi thế trẻ tuổi, đoàn viên, thanh niên tiếp cận nhanh các xu hướng mới, hiện đại thông qua thiết bị công nghệ và không gian mạng. Đây cũng là đội ngũ tuyên truyền, vận động người dân áp dụng công nghệ số vào cuộc sống. Đã có 62 tổ công nghệ số cộng đồng, mỗi tổ từ 5-10 đoàn viên là lực lượng nòng cốt nhằm đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về xu hướng chuyển đổi số, về những tiện ích “sát sườn” như thanh toán không dùng tiền mặt; hướng dẫn người dân cài đặt, mở tài khoản thanh toán điện tử..., từng bước hình thành thói quen thanh toán các khoản chi phí qua công nghệ số.

Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn thấy rõ qua các đợt phòng, chống dịch Covid-19 khi lực lượng thanh niên đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng PC-Covid cũng như tạo mã QR để tiện lợi khi khai báo y tế; Thành đoàn phối hợp ngành y tế nhập liệu của người được lấy mẫu xét nghiệm và lưu vào hệ thống, để hỗ trợ ngành chức năng nắm bắt nhanh thông tin và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

Thành đoàn Đông Hà có 29 cơ sở đoàn với hơn 4.800 đoàn viên thanh niên, đều được tập huấn và triển khai phần mềm số hóa toàn bộ dữ liệu đoàn viên. Tính đến tháng 11/2022, Thành đoàn đã tổ chức 7 lượt ra quân hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng IOC Quảng Trị, ứng dụng phản ánh hiện trường Đông Hà; đã tổ chức 5 đợt tập huấn trong năm 2022 với các chuyên đề phát huy vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số, thu hút 2.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia.

Trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị xác định, đẩy mạnh chuyển đổi số tiếp tục là một giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội của địa phương.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nguyễn Đăng Quang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các cấp ủy đảng, người đứng đầu trong triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đưa nội dung chuyển đổi số vào cam kết trách nhiệm người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên hằng năm; gắn kết quả thực hiện với việc xếp loại đảng viên, công chức, bình xét thi đua hằng năm.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố tập trung chỉ đạo hiệu quả hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn, vì chuyển đổi số phải bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, tạo giá trị, lợi ích thiết thực cho người dân. Từ đó, tạo nên cộng đồng số, làm tiền đề, cơ sở xây dựng xã hội số, kinh tế số, chính quyền số theo lộ trình và mục tiêu Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy đề ra.

Theo nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày