Thứ 3, 26/11/2024, 00:47[GMT+7]

Một lòng sắt son với Đảng

Thứ 7, 29/04/2023 | 21:02:27
1,114 lượt xem
Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cùng với hàng vạn chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày có nhiều người con quê hương Quỳnh Phụ. Nhân kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), có dịp gặp gỡ, trò chuyện mới thấy được sự kiên trung, sắt son một lòng với Đảng của những người chiến sĩ cách mạng.

Ban liên lạc những chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày huyện Quỳnh Phụ gặp gỡ, trò chuyện về những năm tháng chiến đấu gian khổ, hào hùng.

Những ngày giữa tháng 4/2023, qua Ban liên lạc những chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày huyện Quỳnh Phụ, chúng tôi có dịp tìm đến thăm thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Rụy, xóm 5, thôn Vọng Lỗ, xã An Vũ (Quỳnh Phụ). Tiếp chúng tôi trong căn nhà với nhiều kỷ vật của thời chiến và những năm tháng bị địch bắt tù đày trong các nhà tù, ông Rụy không khỏi xúc động. Ông kể: Năm 1964, ông tham gia thanh niên xung phong. Đến năm 1965, tham gia quân đội và chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam. Tháng 10/1971, sau khi cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ đánh phá trường đào tạo sĩ quan của quân ngụy, trong lúc trở về căn cứ, ông và một số đồng đội bị địch phát hiện bắn trọng thương và bị bắt. Không hy sinh tại trận địa nhưng chuỗi ngày bị địch bắt giam, tù đày, tra tấn là những ngày tháng “địa ngục trần gian”. Giơ cánh tay không còn nguyên vẹn, thương binh Nguyễn Văn Rụy kể: Sau khi ổn định vết thương, bọn chúng đưa tôi và một số đồng đội về trại giam Phú Tài (Bình Định). Chúng tra tấn dã man, bắt nằm giơ hai chân để đánh vào gan bàn chân, dùng đinh đóng vào xương cụt, dùng roi cá đuối đánh róc thịt còn trơ xương sườn… Chưa dừng lại tra tấn về thể xác, chúng tra tấn về tinh thần. Trong hơn một tháng ở trại giam Phú Tài, ngày nào chúng cũng thẩm vấn, hỏi cung, dụ dỗ, dọa nạt, bỏ đói… nhằm khai thác thông tin. Nhưng với niềm tin sắt son vào Đảng, vào cách mạng, sau hơn 2 năm giam giữ và chuyển qua nhiều trại giam, nhà lao: trại giam Phú Tài (Bình Định), nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa), nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang) bọn chúng không khai thác được thông tin từ tôi và các đồng đội của tôi. Trước sức ép của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, chúng phải chấp nhận trả tự do cho chúng tôi.

Mỗi khi thời tiết thay đổi, thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Rụy (người bên trái), xã An Vũ (Quỳnh Phụ) lại đau nhức do di chứng chiến tranh.

Trải qua các cuộc kháng chiến, trong hàng nghìn chiến sĩ cách mạng của cả nước, huyện Quỳnh Phụ có hơn 120 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong các nhà lao, nhà tù: nhà lao Hội An (Quảng Nam), nhà tù Phú Lợi (Bình Dương), nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang)… Đây là những địa chỉ, chứng tích ghi dấu những đòn tra tấn dã man, tàn bạo nhất của kẻ thù nhằm làm nhụt ý chí chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Với các đòn tra tấn tàn độc: điện giật, dùi đâm, nhổ móng tay, vặn nhổ răng, phơi nắng, thậm chí đổ nước xà phòng và ớt vào miệng cho đầy bụng rồi dùng gỗ ván ép bụng ngực… song các chiến sĩ cách mạng Việt Nam vẫn giữ vững niềm tin, một lòng kiên trung, sắt son với Đảng, với cách mạng. Thương binh hạng 3/4 Nguyễn Văn Đạo, xã An Vũ (Quỳnh Phụ) hiện là Trưởng ban liên lạc những người chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày huyện Quỳnh Phụ chia sẻ: Hơn 5 năm bị địch bắt tù đày trong các nhà lao, nhà tù, tôi chứng kiến trên 4.000 chiến sĩ cách mạng hy sinh vì những đòn tra tấn tàn độc. Nhưng dù chúng có sử dụng biện pháp tàn độc đến đâu, song ý chí, lòng kiên trung của các chiến sĩ cách mạng với Đảng, với dân tộc không hề lay chuyển khiến kẻ thù phải khiếp sợ.

48 năm trôi qua, gần đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, những người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày năm xưa lại gặp gỡ, cùng nhau trò chuyện. Những ký ức về một thời chiến đấu gian khổ, hào hùng vẫn vẹn nguyên trong tâm trí. Vượt lên khó khăn do sức khỏe yếu, vết thương cũ tái phát mỗi khi trái gió trở trời, những chiến sĩ năm xưa luôn tích cực lao động sản xuất, gương mẫu tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương, luôn động viên nhau sống vui, sống có ích, để xứng đáng với những năm tháng hào hùng, oanh liệt đã đi qua. Ông Nguyễn Văn Đạo chia sẻ thêm: Ban liên lạc của chúng tôi thành lập đến nay được 24 năm với mục đích tập hợp lại để gặp gỡ, động viên, thăm hỏi, nhắc nhở nhau gương mẫu trong mọi hoạt động, bảo ban, giáo dục con cháu luôn ghi nhớ về những năm tháng hào hùng, về truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên trung của cha ông để luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên, sống xứng đáng với những hy sinh mà thế hệ đi trước đã trải qua.

Trở về cuộc sống đời thường những người chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày huyện Quỳnh Phụ tích cực tham gia phát triển kinh tế. 

Nguyễn Cường