Thứ 2, 25/11/2024, 14:55[GMT+7]

Thực hiện chiến lược phát triển giáo dục: Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý là khâu then chốt

Thứ 2, 14/08/2023 | 08:15:50
4,039 lượt xem
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo; khẳng định giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD là khâu then chốt có tính quyết định để thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục. Thực hiện chủ trương của Đảng, Thái Bình đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQLGD.

Hoạt động ngoại khóa của cô và trò Trường Tiểu học Phú Xuân (thành phố Thái Bình).

Sắp xếp cơ cấu hợp lý

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là: “Chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”; “Đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD là khâu then chốt. Sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD”.

Tại Thái Bình, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đặt ra nhiệm vụ: Xây dựng đội ngũ giáo viên có cơ cấu hợp lý, đạt chuẩn nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngành giáo dục Thái Bình, kết thúc năm học 2022 - 2023, số cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên toàn ngành là 23.729 người. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; số giáo viên đạt chuẩn chiếm tỷ lệ 97,3%, trong đó cấp mầm non đạt 88,77%, cấp tiểu học đạt 83,33%, cấp THCS đạt 89,53%, cấp THPT và GDTX đạt 100%. Đội ngũ nhà giáo và CBQLGD từng bước được sắp xếp, bố trí, sử dụng hợp lý, bảo đảm chỉ tiêu biên chế theo quy định, hiện tượng thừa, thiếu cục bộ giáo viên đã từng bước được khắc phục. Công tác nhận xét, đánh giá ngày càng đi vào thực chất, bảo đảm phản ánh được năng lực của đội ngũ. Chế độ, chính sách đối với nhà giáo và CBQLGD được thực hiện kịp thời. Trong năm 2023, ngành giáo dục đã hoàn thành việc đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú lần thứ 16 năm 2023 với 8 hồ sơ đủ điều kiện đề nghị Hội đồng xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tặng. Việc đổi mới công tác quản lý chuyên môn, đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy ở tất cả các môn, đổi mới nâng cao công tác quản lý của nhà giáo và CBQLGD đạt nhiều kết quả. 

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện các chính sách đãi ngộ cho đội ngũ nhà giáo và CBQLGD. Sự đoàn kết, đồng lòng, nhất trí cao của tập thể cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo trong toàn ngành, vượt khó vươn lên, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; có tinh thần trách nhiệm cao, có tay nghề vững vàng và yên tâm công tác.

Ban Giám hiệu Trường Tiểu học và THCS Vũ Lăng (Tiền Hải) thường xuyên dự giờ các tiết học.

Từng bước nâng cao chất lượng

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu rất cao về tiêu chí của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống giáo dục. Bởi yêu cầu giáo dục càng cao thì tiêu chí của người thầy càng phải được nâng lên. Vì thế, quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, CBQLGD là một trong những giải pháp mang tính then chốt được ngành giáo dục Thái Bình xác định tập trung thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu đổi mới chất lượng giáo dục toàn diện. Trên cơ sở đánh giá thực chất số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương có nhiều nỗ lực nhằm xây dựng đội ngũ “vừa hồng vừa chuyên”. 

Tại thành phố Thái Bình, tổng biên chế toàn ngành 1.657 cán bộ, giáo viên, trong đó 97% đạt chuẩn trở lên. Cơ cấu đội ngũ tuy còn thừa, thiếu cục bộ nhưng các nhà trường đã có kế hoạch bồi dưỡng, bố trí giáo viên đáp ứng được các nhiệm vụ giáo dục. Bên cạnh công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, năm học 2022 - 2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã tham mưu UBND thành phố luân chuyển 4 hiệu trưởng, điều động bổ nhiệm 9 cán bộ quản lý. 

Ông Vũ Giang Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Tại tất cả các trường học trên địa bàn thành phố, việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn được duy trì nền nếp và đánh giá đạt hiệu quả tích cực, khắc phục được tính hình thức trong sinh hoạt chuyên môn, tạo thêm cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và tích lũy những kỹ năng sư phạm, kỹ năng giáo dục học sinh cần thiết cho giáo viên. Bên cạnh đó, các cuộc thi giáo viên dạy giỏi được tổ chức thường niên đã tạo “sân chơi” tích cực, thu hút đông đảo giáo viên các cấp học tự khẳng định năng lực bản thân, đồng thời được trải nghiệm và ứng xử với các tình huống giáo dục đặt ra hiện nay.

Trong năm học 2023 - 2024 và các năm tiếp theo, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo nhằm tạo chuyển biến hành vi theo chuẩn mực đạo đức của đội ngũ nhà giáo. Trong kế hoạch xây dựng đội ngũ, ngành chủ động triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ theo lộ trình phù hợp để đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT 2018; bồi dưỡng đáp ứng quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; chỉ đạo các nhà trường duy trì kỷ cương, nền nếp hoạt động, thực hiện tốt công tác đánh giá, phân loại công chức, viên chức, đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên, công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, nhân rộng điển hình tiên tiến... Từ đó, phát huy vai trò, trách nhiệm, năng lực của cán bộ quản lý và giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành trong giai đoạn hiện nay. Cùng với đó, ngành thực hiện nghiêm chính sách tinh giản biên chế; công tác đánh giá cán bộ, giáo viên được thực hiện theo hướng căn cứ vào kết quả, hiệu quả công tác, bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, chính xác, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết đưa ra khỏi đội ngũ những cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên không đủ phẩm chất, năng lực, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ toàn ngành. Đặc biệt, quan tâm hơn nữa công tác phát triển đảng viên trong trường học nhằm tăng dần tỷ lệ đảng viên trong tổng số đội ngũ toàn ngành. Từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giai đoạn hiện nay.

Trường Tiểu học Phú Xuân (thành phố Thái Bình) đón trẻ 6 tuổi tham quan trường.


Đặng Anh

Tác phẩm tham dự giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023.