Thứ 2, 25/11/2024, 11:00[GMT+7]

Đảng viên trẻ: Xung kích phát triển kinh tế

Thứ 2, 04/09/2023 | 06:57:33
2,293 lượt xem
Không chỉ nhiệt huyết, tiên phong trong mọi phong trào hành động cách mạng của đoàn, những đảng viên trẻ còn hăng say lao động, sản xuất với quyết tâm làm giàu chính đáng trên quê hương mình. Những mô hình kinh tế hiệu quả của các đảng viên trẻ đang góp phần làm lan tỏa, dấy lên phong trào thi đua phát triển kinh tế trong đoàn viên, thanh niên tại các địa phương.

Anh Nguyễn Văn Toán (người bên trái), Bí thư Đoàn Thanh niên xã Duyên Hải (Hưng Hà) tại một cơ sở đan chổi chít của thanh niên học tập từ mô hình của anh.

Kinh tế vững thì công tác đoàn mạnh

“Kinh tế mình vững mạnh thì có điều kiện tham gia cống hiến cho công tác đoàn nhiều hơn”, đó là lý do mà anh Nguyễn Văn Toán, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Duyên Hải (Hưng Hà) quyết tâm khởi nghiệp trên quê hương. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Thái Bình nhưng anh Toán tham gia công tác đoàn cơ sở. 

Anh Toán cho rằng: Muốn tập hợp, thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt thì phải có hướng phát triển kinh tế cho thanh niên. Ban đầu, tôi nuôi lợn nhưng gián đoạn một thời gian do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong thời điểm đó, tôi đi học và du nhập nghề làm chổi chít về địa phương. 

Đến nay, cơ sở sản xuất chổi chít của anh Toán tạo việc làm cho 15 lao động địa phương, thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Cùng với làm chổi, anh Toán duy trì nuôi 100 lợn thịt và 15 lợn nái. Mô hình chăn nuôi, sản xuất chổi giúp anh thu về từ 200 - 250 triệu đồng/năm. Chính từ mô hình của anh Toán, nhiều đoàn viên, thanh niên trong xã đã học hỏi và đầu tư kinh phí xây dựng xưởng sản xuất làm chổi chít tạo việc làm cho hàng trăm lao động.  

Cơ sở may của anh Nguyễn Công Việt, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thụy Thanh (Thái Thụy) tạo việc làm cho nhiều lao động.

Cùng chung suy nghĩ như anh Toán, đảng viên Nguyễn Công Việt, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thụy Thanh (Thái Thụy) đã trở thành ông chủ của 1 cơ sở may, lợi nhuận hàng năm từ 200 - 250 triệu đồng. 

Anh Việt cho biết: Tôi từng bươn trải và tìm kiếm cơ hội cho mình ở nhiều ngành nghề khác nhau nhưng thất bại. Cơ sở may này được phát triển từ việc nối nghiệp cửa hàng may nhỏ của ông nội. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, tôi luôn suy nghĩ làm sao mình đóng góp cho quê hương, nhất là các phong trào, hoạt động của thanh niên. Từ nguồn thu nhập của gia đình, anh Việt luôn là người đi đầu và tích cực vận động đoàn viên và nhân dân đóng góp các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

 Chị Nguyễn Thị Thu, thôn Vô Hối Tây, xã Thụy Thanh cho biết: Hầu hết những người làm ở cơ sở may của anh Việt là phụ nữ trung tuổi hoặc có các con còn nhỏ, vướng bận việc gia đình. Tuy nhiên, chúng tôi là những người gắn bó với cơ sở từ lâu, được đào tạo, dạy nghề bài bản. Các chế độ đãi ngộ tốt, thu nhập khá, được tạo điều kiện để có thể vừa sản xuất, nâng cao thu nhập vừa chăm sóc gia đình. Bởi vậy, chị em đều muốn gắn bó lâu dài và mong cơ sở ngày một phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Anh Nguyễn Bá Duẩn, thôn Đồng Phúc, xã An Lễ (Quỳnh Phụ) chăm sóc nho hạ đen.

Làm gương cho thanh niên địa phương

Đưa cây nho hạ đen về trồng trên đất cấy lúa kém hiệu quả vào năm 2020, đảng viên Nguyễn Bá Duẩn, Chi bộ thôn Đồng Phúc, xã An Lễ (Quỳnh Phụ) gặp không ít khó khăn. 

Anh Duẩn cho biết: Khi ấy, nho hạ đen là giống cây mới đưa về Thái Bình, yêu cầu cao về kỹ thuật chăm sóc, điều kiện thời tiết và thị trường tiêu thụ thì chưa biết thế nào. Tôi xác định sẽ rất khó khăn, vất vả, có thể mất 5 năm, 10 năm để gây dựng mô hình. Được sự động viên của gia đình, của các cấp ủy, chính quyền, toàn thể đảng viên trong chi bộ, tôi kiên trì với hướng đi của mình là trồng nho hạ đen. 

Sau 4 vụ thu hoạch quả, anh Duẩn đánh giá, nho hạ đen có thể cho thu nhập cao gấp 10 lần cấy lúa. Vườn nho hạ đen của anh còn là điểm tham quan, trải nghiệm được nhiều người lựa chọn. 

Ông Nguyễn Bá Trụ, đảng viên Chi bộ thôn Đồng Phúc cho biết: Anh Duẩn là người nông dân thực thụ, là một thanh niên chịu thương, chịu khó, biết mang kiến thức được học của mình trở về quê hương, tăng gia sản xuất, làm giàu cho quê hương. Đó là điểm tốt mà thanh niên nông thôn nên học tập.

Cũng tại thôn Đào Động, xã An Lễ, đảng viên Đinh Văn Chung, Bí thư Chi đoàn thôn đã mạnh dạn tích tụ hơn 40 mẫu ruộng để sản xuất lúa tập trung. Là người sinh ra từ làng, gắn bó với đồng ruộng từ nhỏ, song để sản xuất tập trung với quy mô lớn với anh Chung là một thử thách. Tuy vậy, với sức trẻ, tinh thần ham học hỏi, quyết tâm cao, mô hình này đã hiện thực hóa giấc mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương của chính bản thân anh Chung, cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm. Cùng với đó, anh đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị đồng bộ từ máy cày, máy cấy, máy gặt, phun thuốc trừ sâu để giảm chi phí nhân công, tăng năng suất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. 

Anh Chung cho biết: Là đảng viên, tôi thấy mình cần phải nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu nên đã mạnh dạn đứng lên thuê, mượn lại đất của người dân để cấy lúa, không để lãng phí những “tấc vàng”.

Gieo mầm hạt giống đỏ

Hiện nay, nhiều đảng viên trẻ đã và đang trở thành các “hạt nhân” trong phát triển kinh tế. Họ có thể là những nông dân, công nhân, những chủ doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể… nhưng đều có điểm chung là sáng tạo và linh hoạt, thích ứng nhanh với mọi hoàn cảnh. 

Theo anh Nguyễn Quang Huy, Bí thư Huyện đoàn Hưng Hà: Các mô hình kinh tế của nhiều đảng viên trẻ phát triển mạnh, tạo việc làm cho thanh niên tại địa phương, qua đó giúp nâng cao chất lượng hoạt động đoàn, tạo nguồn phát triển đảng viên mới. 

Anh Thiệu Minh Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Các đảng viên trẻ làm kinh tế giỏi đều là những cá nhân nổi bật, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp mà các phong trào hành động cách mạng của tổ chức đoàn ở các địa phương. Để phong trào ngày càng lớn mạnh hơn, tỷ lệ đảng viên trong đoàn viên, thanh niên ngày một cao hơn, thời gian tới, các cấp bộ đoàn, hội đặc biệt chú trọng công tác phát triển đảng viên, tạo tiền đề để ngày càng xuất hiện nhiều hơn nữa những tấm gương đảng viên điển hình tiên tiến.

Việc xuất hiện ngày càng nhiều gương đảng viên trẻ vươn lên phát triển kinh tế tại khu vực nông thôn và trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã tạo động lực thi đua phấn đấu trong đoàn viên, thanh niên; từ đó đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới cũng như sự phát triển của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Xuân Phương