Thứ 2, 06/01/2025, 14:01[GMT+7]

5 năm thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư về công tác lịch sử Đảng

Thứ 6, 15/09/2023 | 10:12:47
1,827 lượt xem
Tính đến tháng 8/2023, Thái Bình đã hoàn thành việc biên soạn, xuất bản sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2000 - 2020”, 8/8 huyện, thành phố đều đã biên soạn, xuất bản sách lịch sử đảng bộ, 257/260 xã, phường, thị trấn đã xuất bản sách lịch sử đảng bộ. Đây là những kết quả đáng ghi nhận sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Nam Cường, huyện Tiền Hải. Ảnh: Mạnh Thắng

Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt

Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống, sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW, cấp ủy đảng các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa thành các nghị quyết, kế hoạch thực hiện. Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 30/1/2019 về tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đây được coi là chủ trương quan trọng nhằm khơi dậy và phát huy niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa quê hương Thái Bình, tạo động lực, sức mạnh mềm cho sự phát triển của tỉnh.

Các địa phương, đơn vị đã chỉ đạo đưa việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử vào nghị quyết của cấp ủy, lấy kết quả nghiên cứu, biên soạn và giáo dục lịch sử truyền thống, lịch sử đảng bộ thành một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm; từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất và bố trí nguồn kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử. 8/8 huyện, thành phố đều đã ban hành cơ chế hỗ trợ từ 10 - 50 triệu đồng/sách tùy theo giai đoạn, tính chất, tiến độ xuất bản. Ban tuyên giáo các cấp đã tích cực tham mưu với cấp ủy ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác lịch sử Đảng; tổ chức tập huấn, thẩm định bản thảo lịch sử, hỗ trợ các đơn vị tháo gỡ khó khăn trong quá trình biên soạn, xuất bản; phối hợp xác minh các sự kiện, nhân vật, di tích lịch sử...

Bộ sách Lịch sử Đảng bộ Thái Bình.

Đến những kết quả đáng ghi nhận

Tính đến tháng 8/2023, ở cấp tỉnh: đã hoàn thành việc biên soạn, xuất bản sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2000 - 2020”; có 19 đơn vị đã in và phát hành sách lịch sử đảng bộ, biên niên sự kiện, lịch sử truyền thống ngành, đơn vị với tổng số 53 sách, ấn phẩm. Ở cấp huyện: đã xuất bản 60 sách, ấn phẩm lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống; 8/8 huyện, thành phố đều ban hành cơ chế hỗ trợ và triển khai biên soạn, xuất bản sách lịch sử đảng bộ đến giai đoạn hiện nay (tính từ năm 2015 trở lại đây), trong đó một số đơn vị đang tiến hành quy trình biên soạn, xuất bản sách lịch sử đảng bộ đến năm 2020: thành phố Thái Bình, Thái Thụy, Quỳnh Phụ. Cấp xã có 257/260 xã, phường, thị trấn đã xuất bản sách lịch sử đảng bộ, trong đó 129 đơn vị đã xuất bản đến giai đoạn hiện nay (tính từ năm 2015 trở lại đây). Nhìn chung, các công trình lịch sử được biên soạn, xuất bản nội dung bảo đảm tính đảng, tính khoa học, tính thống nhất chung với lịch sử toàn Đảng, đồng thời thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo riêng của từng địa phương, đơn vị, góp phần làm rõ thêm lịch sử của Đảng bộ tỉnh. Các công trình chú ý đến tổng kết thực tiễn lịch sử và kinh nghiệm địa phương, ngành, do vậy góp phần quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh trong sự nghiệp đổi mới. Quy trình xuất bản bảo đảm theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Lịch sử Đảng.

Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước, cách mạng, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được chú trọng. Nhiều công trình tiêu biểu của tỉnh: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình gồm 4 tập giai đoạn từ 1927 đến năm 2020, Thái Bình 125 năm hình thành và phát triển, Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình làm theo lời Bác (tập 1, 2), Kỷ yếu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình, Từ điển Thái Bình, Địa chí Thái Bình, Đất và người Thái Bình, Thái Bình - những tập thể, cá nhân anh hùng; lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các địa phương, đơn vị tiếp tục được triển khai cấp phát rộng rãi, nhất là đến các nhà trường, thư viện làm tài liệu tuyên truyền, nghiên cứu, giảng dạy và tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đoàn thanh niên các cấp đã phối hợp với hội cựu chiến binh, các đơn vị lực lượng vũ trang tổ chức nhiều chương trình nói chuyện truyền thống cho học sinh, sinh viên; tổ chức các hoạt động tình nguyện, các hoạt động văn hóa văn nghệ, kết nạp đội viên đoàn viên, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, thắp nến tri ân để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ. Năm 2022, Tỉnh đoàn đã tổ chức hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” lần thứ IV thu hút hàng nghìn lượt thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia; phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng cho cán bộ, đoàn viên thanh niên thông qua hoạt động sinh hoạt chi đoàn trong giai đoạn hiện nay”.

Công tác giáo dục lịch sử trong các nhà trường được quan tâm. Ngành giáo dục chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học môn lịch sử; đa dạng hóa phương pháp giảng dạy lịch sử và nội dung giáo dục địa phương: dạy tích hợp, liên môn, lồng ghép nội dung chương trình với các hoạt động ngoại khóa... giúp học sinh chủ động tìm hiểu, khám phá và nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương. Trường Chính trị tỉnh, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, hệ thống trung tâm chính trị các huyện ủy, thành ủy thường xuyên tổ chức cho học viên tham quan và tìm hiểu các di tích lịch sử, di tích cách mạng, nhà truyền thống...

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW trên địa bàn tỉnh cũng còn tồn tại một số khó khăn: công tác lưu trữ tư liệu lịch sử, nhất là những tài liệu thời kỳ trước cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp còn hạn chế, đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác lịch sử còn thiếu; việc phát huy giá trị các cuốn lịch sử đã xuất bản chưa được chú trọng đúng mức...

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác lịch sử Đảng của tỉnh, thiết nghĩ cần quán triệt sâu sắc hơn tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư đến các cấp, các ngành; đồng thời tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm các điều kiện đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ cấp xã, lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử các ngành, tổ chức chính trị - xã hội đến giai đoạn hiện nay. Cùng với quan tâm bố trí, đào tạo, bồi dưỡng và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử theo hướng có chuyên môn, tâm huyết với nghề nghiệp; cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống với những cách làm hiệu quả, sinh động hơn. Đặc biệt, chú trọng phát huy giá trị của các cuốn sách lịch sử, văn hóa đã xuất bản; tận dụng lợi thế của internet và các nền tảng mạng xã hội để nâng cao hiệu quả tuyên truyền giáo dục lịch sử, nhân lên niềm tự hào trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về Đảng, về quê hương, đất nước, từ đó giáo dục ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển Thái Bình phồn vinh, hạnh phúc.

Trần Thị Loan
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)