Thứ 6, 27/12/2024, 17:46[GMT+7]

Tập trung giải pháp để đấu tranh hiệu quả hơn

Thứ 7, 30/09/2023 | 07:42:53
1,345 lượt xem
Cuốn sách “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam”, là các bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (năm 2013) đến nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 16/8, tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN).

Nghiên cứu các bài viết cho thấy tầm nhìn, sự quan tâm đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước, củng cố lòng tin của nhân dân với vai trò lãnh đạo của Đảng, với công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Cuốn sách cũng góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị nước ta ngày càng phát triển.

Trên mặt trận này Trung ương đã khẳng định quyết tâm mạnh mẽ khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương, với chức năng là chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Có thể thấy, hơn một năm qua, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đã có sự chuyển biến rõ nét; số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, khởi tố mới tăng cao. Số vụ, việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý cũng nhiều hơn, góp phần quan trọng từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”...

Tuy nhiên, cũng chính từ đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cho thấy, tình hình tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn biến phức tạp. Một số nhiệm vụ, mục tiêu của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nhiều tỉnh, thành phố thực hiện thiếu quyết liệt, hiệu quả chưa cao...

Từ đó, thiết nghĩ trên mặt trận này cần quán triệt quan điểm của Tổng Bí thư là: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

Thực tế và lý luận trên lĩnh vực công tác này đang đặt ra yêu cầu Ban Chỉ đạo, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần xác định rõ lĩnh vực, địa bàn trọng tâm, trọng điểm, những nơi có nhiều dư luận, phản ánh, đơn, thư về tham nhũng, tiêu cực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân né tránh, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời các cấp ủy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.

Trước hết, phải xây dựng ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; trọng liêm sỉ, danh dự.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm; cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiền phong, gương mẫu.

TS Nguyễn Tiến Thanh (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Theo: nhandan.vn