Chủ nhật, 24/11/2024, 22:03[GMT+7]

Nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp Xây dựng Khu kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh

Thứ 6, 17/11/2023 | 08:30:45
6,657 lượt xem
Khu kinh tế Thái Bình là khát vọng phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược để tăng trưởng kinh tế. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã xác định: Tập trung xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái Bình toàn diện về công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và kinh tế biển, trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh, vừa là đột phá phát triển, vừa là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu trong cả nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Hệ thống giao thông kết nối Khu kinh tế và các khu công nghiệp được đầu tư đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu giao thông vận tải cho các nhà đầu tư.

Định hình khu kinh tế

Nói đến xây dựng khu kinh tế, các chuyên gia cho rằng cái khó nhất chính là công tác quy hoạch; nó được ví như xây dựng một bức tranh hoàn chỉnh, trong đó các phần tử khác nhau được sắp xếp một cách hợp lý và hài hòa để tạo nên một tầm nhìn tổng thể. 

Ông Phạm Tùng Lâm, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy (nguyên Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh) cho biết: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Khu kinh tế Thái Bình, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương cùng các chuyên gia tập trung bắt tay nghiên cứu lập quy hoạch. Đến ngày 28/10/2019, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó, tỉnh hoàn thành phê duyệt quy hoạch phân khu đối với 11 khu chức năng làm cơ sở thu hút đầu tư, gồm 7 khu công nghiệp (KCN), 2 cảng biển, 1 khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf cồn Vành - cồn Thủ, 1 khu nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao.

Tạo sức hút đầu tư

Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển song để các nhà đầu tư trong và ngoài nước biết tới Thái Bình, nhất là thu hút được những nhà đầu tư lớn, UBND tỉnh đã sớm xây dựng kế hoạch phát triển Khu kinh tế và cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình, giai đoạn từ năm 2020 - 2030 được HĐND tỉnh thống nhất ban hành nghị quyết. Theo đó, các doanh nghiệp có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng trong Khu kinh tế thuộc các nhóm ngành, nghề khuyến khích đầu tư của tỉnh sẽ được hưởng 6 chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư: ưu đãi về đất đai, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào, hỗ trợ san lấp mặt bằng, hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN, cụm công nghiệp, hỗ trợ đào tạo lao động và hỗ trợ thủ tục hành chính.

Không dừng lại ở đó, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng khu kinh tế. Với phương châm huy động mọi nguồn lực xây dựng các huyết mạch giao thông để kết nối Thái Bình nói chung, Khu kinh tế nói riêng với các địa phương trong vùng tam giác kinh tế: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hàng loạt tuyến đường mới được đầu tư như tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường kết nối KCN Liên Hà Thái đi cầu sông Hóa, tuyến đường cao tốc CT.08 đoạn qua Thái Bình, Nam Định, tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cồn Vành và các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế. Ngoài ra, nhiều tuyến đường trên địa bàn Khu kinh tế cũng được đầu tư nâng cấp đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chủ động mời gọi hợp tác

Đây được xem là sự thay đổi đột phá về tư duy trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 của cấp ủy, chính quyền và các sở, ban, ngành của tỉnh trong thu hút đầu tư. Thay vì chờ đợi các nhà đầu tư tìm đến hoặc để nhà đầu tư hạ tầng tự mời gọi đầu tư, tỉnh đã thành lập nhiều đoàn công tác chủ động tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước và trực tiếp xúc tiến đầu tư nước ngoài từ châu Á đến châu Âu. Các nhà đầu tư đến Thái Bình nghiên cứu đầu tư đều được tiếp đón trọng thị, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ tối đa. Chính sự nhiệt tình, quyết tâm, mong muốn hợp tác đầu tư của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh đã tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư và thấy rõ cơ hội đầu tư, phát triển tại Thái Bình.

Có thể nói, Khu kinh tế Thái Bình đang là địa bàn đầu tư hấp dẫn đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở trong và ngoài nước. Chỉ trong gần 3 năm qua, tổng vốn đầu tư thu hút vào Khu kinh tế, KCN đạt 50.746 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư FDI đạt 1,52 tỷ USD, cao gấp 1,8 lần tổng vốn đầu tư FDI của tỉnh giai đoạn 2020 trở về trước. Nếu xét riêng về thu hút FDI cấp mới, năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 Thái Bình nằm trong tốp 10 cả nước. Trong đó, Khu kinh tế đã thu hút được 3 dự án hạ tầng KCN gồm KCN Liên Hà Thái, KCN Hải Long, KCN VSIP Thái Bình. Một số dự án thứ cấp có quy mô khá lớn thuộc lĩnh vực điện tử, trang thiết bị y tế có công nghệ tiên tiến như dự án sản xuất kính áp tròng của Công ty Pegavision Corporation, dự án sản xuất chân cắm ram máy tính của Lotes, dự án sản xuất điện thoại, máy tính bảng, thiết bị thông minh của Compal, dự án sản xuất thiết bị làm vườn của Greenworks... Hiện tại, còn nhiều nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất dự án trong Khu kinh tế như khu đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf, dự án điện khí LNG, điện gió, khu cảng biển, cảng cạn ICD, cảng thủy nội địa.

Sản xuất sứ trên dây chuyền tự động của Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu (khu công nghiệp Tiền Hải).

Thúc đẩy phát triển toàn diện Khu kinh tế

Mới đây, tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, các đại biểu thống nhất cho rằng, kết quả thu hút đầu tư vào Khu kinh tế bước đầu đạt kết quả tích cực, tuy nhiên chưa đáp ứng kỳ vọng, tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Để thúc đẩy phát triển toàn diện Khu kinh tế, thu hút được những dự án lớn mang đặc trưng riêng của Thái Bình, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh đề xuất thực hiện 6 nhóm giải pháp về tuyên truyền, quy hoạch, cơ chế chính sách, đầu tư hạ tầng, xúc tiến đầu tư và nguồn nhân lực. Trong đó, tỉnh sẽ nghiên cứu ban hành thêm cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực quản trị, công nhân kỹ thuật có trình độ và tay nghề cao; cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư các công trình hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa phục vụ đời sống của người lao động trong Khu kinh tế. Về hạ tầng, tiếp tục tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường giao thông kết nối Khu kinh tế với thành phố Hải Phòng và khu vực lân cận. Quan tâm quy hoạch và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội phục vụ đời sống người lao động và các chuyên gia trong Khu kinh tế.

Tỉnh cũng quyết liệt xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Từng bước quy hoạch và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội nhằm tạo ra môi trường sống tốt nhất để thu hút người lao động, chuyên gia đến làm việc và sinh sống lâu dài trong Khu kinh tế Thái Bình hướng tới mục tiêu là nơi đáng sống và đáng để đầu tư.


Khắc Duẩn