Chủ nhật, 24/11/2024, 18:02[GMT+7]

Nhiều vấn đề cử tri bức xúc, kiến nghị được làm rõ Bài 2: Cần giải pháp hữu hiệu xử lý triệt để rác thải sinh hoạt

Thứ 2, 25/12/2023 | 21:01:10
1,394 lượt xem

Hướng dẫn phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ quy mô hộ gia đình tại xã Vũ Hòa (Kiến Xương).

Tại kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XVII, đại biểu Phạm Văn Soi (tổ Hưng Hà) chất vấn đồng chí Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nội dung: Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường nói chung có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng bế tắc trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương trên quy mô toàn tỉnh đang là vấn đề bức xúc và cấp bách. Các lò đốt rác đã xuống cấp, không được sửa chữa, nhiều lò đã ngừng hoạt động và thực tế nếu lò đốt rác còn hoạt động thì cũng không phù hợp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; nhiều địa phương đã chuyển sang hình thức chôn lấp rác, từ đó sinh ra ùn tắc, quá tải, không có đất để tiếp tục mở rộng bãi rác. Đây là nội dung bức xúc được cử tri và nhân dân quan tâm, kiến nghị nhiều lần tại các buổi tiếp xúc cử tri. Để khắc phục tình trạng trên, với chức trách nhiệm vụ được giao, đồng chí có giải pháp gì trong công tác quản lý nhà nước về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.000 tấn/ngày. Việc phân loại, thu gom, xử lý chưa triệt để, vẫn còn xảy ra tình trạng tập kết chất thải rắn sinh hoạt nơi công cộng, không đúng quy định; chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh môi trường; đốt chất thải rắn ngoài lò đốt gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, nông thôn và đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Tỉnh Thái Bình hiện có 2 nhà máy xử lý rác gồm nhà máy xử lý rác thành phố với 2 lò đốt, tổng công suất 8 tấn/giờ nhưng hiện đã dừng hoạt động, UBND thành phố hợp đồng với đơn vị chức năng để xử lý rác; nhà máy xử lý rác của Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt công suất 50 tấn/ngày. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh có trên 100 khu xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt rác kết hợp chôn lấp. Tuy nhiên, tuổi thọ lò thấp, nhanh xuống cấp, địa phương không bố trí được kinh phí sửa chữa, thay thế. Hiện tại đã có 13 lò đốt dừng hoạt động, các lò đốt còn lại hầu hết đều đã xuống cấp nhưng vẫn duy trì hoạt động; cùng với đó có trên 120 bãi chôn lấp rác tập trung cấp xã. Đa số các bãi chôn lấp rác dạng hở, rác lộ thiên, rác thải tự phân hủy, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Trước áp lực lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương quy hoạch mỗi huyện 1 điểm xử lý rác tập trung diện tích từ 7 - 10ha để thu hút đầu tư xã hội hóa dự án xử lý rác thải với quy mô toàn huyện, khuyến khích xử lý rác thải tập trung quy mô liên huyện. Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; cân đối, phân bổ ngân sách sự nghiệp môi trường cho các cấp để thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường (hỗ trợ 10.000 đồng/người trong thu gom, hỗ trợ 15.000 đồng/người trong xử lý công nghệ theo lò đốt); tham mưu UBND tỉnh ban hành yêu cầu về công nghệ bảo đảm môi trường trong đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đã trình UBND tỉnh ban hành quyết định quy định bảo vệ môi trường đối với nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt công nghệ cao (đốt rác phát điện) trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Khu xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt rác kết hợp chôn lấp tại xã Đông Xuân (Đông Hưng).

Mặc dù khó khăn, bất cập như vậy song theo đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện tại công tác xã hội hóa đầu tư cho xử lý rác thải sinh hoạt còn hạn chế, thiếu nguồn vốn đầu tư cho công trình xử lý rác thải, mức thu phí vệ sinh môi trường còn thấp nên chưa khuyến khích được doanh nghiệp tham gia đầu tư... Việc đầu tư trong quản lý chất thải nói chung, trong đó có việc đầu tư cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt ở nông thôn chưa được cơ sở quan tâm đúng mức. Thêm vào đó, việc giải phóng mặt bằng, bảo đảm có mặt bằng sạch sẵn sàng bàn giao khi có nhà đầu tư dự án khu xử lý chất thải rắn tập trung chưa nhận được sự đồng thuận của nhân dân...

Đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm: Giải pháp để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường trong thời gian tới là phải quy hoạch và đầu tư khu liên hợp xử lý chất thải của huyện, liên huyện, từng bước đóng cửa bãi chôn lấp rác các xã, vận chuyển rác về khu liên hợp xử lý chất thải của huyện, liên huyện để xử lý, giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải ở các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn. Khu liên hợp xử lý chất thải tập trung với quy mô, công suất và công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp, bảo đảm nhu cầu xử lý hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực thành thị và nông thôn. Có kế hoạch và từng bước triển khai hiệu quả chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Trong tình trạng khó khăn hiện nay, đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất, trước mắt duy tu, bảo dưỡng, cải tạo các lò đốt đã xuống cấp nhưng còn khả năng phục hồi, cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm; tăng cường khả năng phân loại, tái chế, tái sử dụng. Xử lý triệt để, ngăn chặn kịp thời các bãi chôn lấp rác tự phát. Từng bước xóa bỏ các bãi rác cấp xã, bãi rác tạm, thay vào đó đầu tư xây dựng trạm trung chuyển rác bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Tỉnh đã thống nhất đưa 8 khu liên hợp xử lý rác cấp huyện, liên huyện vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, 1 khu có diện tích khoảng 42ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1486, 7 khu còn lại có diện tích 5 - 12ha, công suất từ 300 tấn/ngày trở lên, công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, phạm vi xử lý liên huyện.

 
Mạnh Cường - Thu Thủy

(còn nữa)