Chủ nhật, 24/11/2024, 02:51[GMT+7]

Nâng cao chất lượng cán bộ tăng cường cho cơ sở

Thứ 2, 29/04/2024 | 16:17:07
1,492 lượt xem
Thời gian qua, nhiều địa phương thực hiện tăng cường cán bộ cho cơ sở như là một biện pháp giúp các tổ chức đảng nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển phong trào, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Chi hội phụ nữ xã Song Tử Tây luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng huyện đảo Trường Sa.

Quá trình này đã và đang góp phần sàng lọc cán bộ có trình độ, năng lực và kinh nghiệm trong các mặt công tác, nhất là trong chỉ đạo phát triển kinh tế, công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng.

Tăng cường cán bộ theo nhu cầu cơ sở

Quán triệt Quy định số 98-QĐ/TW và các quy định của Trung ương về công tác luân chuyển cán bộ, thời gian qua, ở nhiều địa phương đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt, nghiêm túc. Quá trình này giúp cơ sở giải quyết nhiều điểm nghẽn, tạo ra đội ngũ cán bộ bản lĩnh, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Một trong những cách làm đúng với tinh thần “hướng về cơ sở” là tăng cường cán bộ theo nhu cầu của cơ sở đã được nhiều địa phương thực hiện một cách hiệu quả và sáng tạo.

Huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương được quy hoạch trở thành “đô thị” vệ tinh của thành phố Thanh Hóa. Quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh với nhiều hệ thống đường giao thông, cơ sở logistics, trung tâm thương mại và đô thị mới đòi hỏi cán bộ tại cơ sở có kiến thức về pháp luật, địa chính và kinh tế, kỹ thuật. Từ nhiều năm qua Huyện ủy Triệu Sơn đã thực hiện mô hình luân chuyển cán bộ theo yêu cầu của địa phương, nghĩa là địa phương cần cán bộ có kiến thức chuyên sâu về ngành nào thì sẽ được đáp ứng. Song từ đây đã nảy sinh một vấn đề, đó là nguồn cán bộ có kiến thức chuyên ngành hẹp sẽ không có đủ để đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Xuất phát từ thực tế đó, huyện ủy ban hành nhiều văn bản hỗ trợ địa phương về cơ chế, chính sách tạo nguồn cán bộ tại chỗ. Chủ trương này ngay từ đầu đã tạo không khí thi đua sôi nổi trong đội ngũ cán bộ. Từ yêu cầu trước mắt của cơ sở, huyện ủy đã thực hiện tăng cường hỗ trợ cán bộ từ huyện theo hình thức phụ trách, kiêm nhiệm và đồng hành cùng cơ sở. Song song với đó là cơ chế thu hút “hiền tài”, mà cụ thể là mới đây huyện ủy đã thông qua Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử.

Ở một địa phương khác đó là tỉnh miền núi Yên Bái, từ nhiều năm qua, tỉnh ủy đã thực hiện Đề án 11 đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Đề án 11 được thực hiện từ năm 2018, qua nhiều vòng thi và xét tuyển tỉnh đã lựa chọn được 131 cán bộ từ hơn 400 thí sinh ứng tuyển. Mục tiêu của đề án là tạo nguồn cán bộ trẻ có trình độ lý luận, chuyên môn, quản lý có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Quá trình thực hiện đề án cũng tiếp tục bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh sách những người không đủ phẩm chất, năng lực.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 sẽ bố trí, sử dụng hiệu quả 100% số cán bộ thuộc Đề án 11. Tỉnh ban hành Kế hoạch 181 về luân chuyển, tăng cường và điều động cán bộ, trong đó lực lượng nòng cốt là cán bộ của Đề án 11, qua đó bố trí được nhiều cán bộ thuộc Đề án 11 vào đúng vị trí cơ sở đang cần người có chuyên môn sâu. Kết quả, ngay nhiệm kỳ 2020-2025 các địa phương đã phản ánh tín hiệu tích cực.

Nhiều địa phương đã khơi thông điểm nghẽn đột phá trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Thị xã Nghĩa Lộ có 9 cán bộ, công chức tham gia Đề án 11; trong đó, có 2 cán bộ trẻ, 1 cán bộ nữ, 6 cán bộ người dân tộc thiểu số. Bí thư Thị ủy Nghĩa Lộ Lê Trí Hà cho biết, thị xã đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ tham gia Đề án 11 phát huy sở trường, năng lực trong công việc được giao. Đồng thời, tạo ra những môi trường mang tính thử thách, phân công các đồng chí tham gia nhiều công việc khó hơn, áp lực hơn để vừa đào tạo vừa rèn luyện cán bộ.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái Nguyễn Minh Tuấn đánh giá: Đề án 11 đã đáp ứng yêu cầu tạo nguồn cán bộ cho cơ sở. Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ Đề án 11 trên cơ sở bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương để thực hiện đồng bộ, liên thông với các khâu trong công tác quản lý cán bộ, bảo đảm quy trình theo quy định.

Hiện nay cán bộ trong Đề án 11 có 81 đồng chí quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, 7 đồng chí quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 và 2025-2030. Bên cạnh đó, Kế hoạch số 181 về luân chuyển, điều động, tăng cường đối với cán bộ tham gia Đề án 11 theo hướng đưa cán bộ từ các cơ quan, đơn vị khối tỉnh về cấp huyện, cấp xã và từ cấp huyện về cấp xã giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý để tạo môi trường rèn luyện, thử thách cán bộ qua thực tiễn công tác.

Và ngược lại, đưa cán bộ cơ sở lên công tác ở huyện để mở rộng tư duy, tầm nhìn, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương đã bám sát kế hoạch, chủ động xây dựng phương án thực hiện việc luân chuyển, điều động, biệt phái, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, bảo đảm cân đối, hài hòa giữa luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ với phát triển nguồn cán bộ tại chỗ.

Khai thác tiềm năng tuổi trẻ, khơi dậy khát vọng cống hiến

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nhiều lần chia sẻ về thời thanh niên sôi nổi của mình và bạn bè đồng trang lứa rất hăng hái, say mê, nhiệt tình công tác. Đối mặt với khó khăn, thách thức và thậm chí từng mắc sai lầm nhưng thanh niên thường không chịu lùi bước, mà ngược lại họ coi đó là “điều kiện cần và đủ” để chiến thắng, thành công thêm trọn vẹn.

Mới đây, trong chuyến công tác tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi được đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Tồn Vũ Nguyễn Quốc Minh cho biết: 100% công chức xã viết đơn tình nguyện công tác ngoài đảo xa, dù biết rằng nơi đây có nhiều khó khăn, gian khổ, thậm chí cả hy sinh. Trên cương vị Phó Chủ tịch UBND xã, đồng chí Vũ Nguyễn Quốc Minh cùng đồng nghiệp ngoài những nhiệm vụ chuyên môn còn tham gia các hoạt động khác như những chiến sĩ quân đội thực thụ.

Họ chấp hành điều lệnh, kỷ luật quân đội, vận động tuyên truyền để người dân noi theo. Trần Thu Huyền, một người dân trên đảo Sinh Tồn kể những câu chuyện trong cuộc sống hằng ngày các công chức xã luôn tận tình, chu đáo, giúp đỡ nhân dân. Có những anh như y sĩ Bo Bo Ngọc Tùng, ở trạm y tế xã, có nhiều sáng kiến chăm sóc sản phụ và trẻ em. Đồng chí Đỗ Huy Minh, cán bộ văn hóa xã xung phong ra các điểm đảo để dạy học cho trẻ em... Nhiều tấm gương đáng trân trọng và điều đáng quý ở họ chính là tinh thần tự giác, dấn thân. Thượng tá Trần Văn Tình, Bí thư Đảng ủy xã Sinh Tồn xúc động nói: Các cán bộ trẻ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ và dám hy sinh, chịu đựng. Họ có tinh thần của người chiến sĩ.

Lại nhớ về những chiến sĩ quân hàm xanh đang xây dựng thế trận lòng dân nơi biên giới. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã cử hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tăng cường cấp ủy ở nhiều huyện, xã, thôn nơi biên giới, trong đó có nhiều đồng chí giữ chức danh trong Ban Chấp hành Đảng bộ xã, xây dựng được 1.190 tổ chức đảng trong 25 năm qua.

Các xã biên giới, vùng sâu vùng xa thường là những nơi thiếu cán bộ giỏi. Những địa phương được đánh giá là khó khăn, gian khổ này chính là nơi cần được tăng cường cán bộ nhất. Quá trình tăng cường tại những nơi gian khó cũng góp phần bồi dưỡng nhiều cán bộ có bản lĩnh, là nền tảng kinh nghiệm quý báu cho sự phát triển sau này. Trưởng thành từ phong trào của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bí thư Huyện đoàn Tương Dương (Nghệ An) Lê Hồng Thái được điều động vào làm Bí thư Đảng ủy xã biên giới Tam Hợp từ năm 2019.

Sau hơn 4 năm, đồng chí đã được điều về làm Chánh văn phòng UBND huyện Tương Dương, rồi mới đây về công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An. Đồng chí Lê Hồng Thái, sinh năm 1983, quê ở huyện Nam Đàn, nhận công tác tại huyện Tương Dương từ năm 2006, đã có những bước phát triển, trưởng thành sau thời gian tăng cường cơ sở.

Đồng chí tâm sự: Bài học kinh nghiệm quý từ thực tiễn là nền tảng cần thiết cho những phát triển sau này. Thời gian 4 năm tăng cường cho cơ sở tuy không dài so với sự nghiệp cán bộ, nhưng đồng chí Lê Hồng Thái đã để lại xã Tam Thái nhiều điều đáng tự hào. Đó là tinh thần làm việc năng nổ của thanh niên, dám đương đầu nhận việc khó.

Lựa chọn những cán bộ đủ đức, đủ tài có khát vọng cống hiến là yêu cầu của nhân dân và cũng là nhiệm vụ trọng yếu của các cấp ủy đảng trong việc hỗ trợ các địa phương xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị cơ sở xứng tầm nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng cán bộ tăng cường cho cơ sở nên ưu tiên tuổi trẻ, những người có trình độ chuyên môn mà địa phương đang cần. Những hạt giống tốt đặt ở đâu cũng sẽ trưởng thành, đơm hoa, kết trái.

Theo: nhandan.vn