Thứ 4, 15/01/2025, 11:36[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thị xã (30/6/1954 - 30/6/2024), 20 năm xây dựng và phát triển thành phố Thái Bình (2004 - 2024) Thị xã - một thời để nhớ

Thứ 2, 06/05/2024 | 10:24:07
16,575 lượt xem
Cái tên thành phố Thái Bình ra đời cách đây tròn hai thập kỷ (2004 - 2024), thế nhưng đến hôm nay, nhiều người dân thành phố vẫn còn vẹn nguyên ký ức về một thị xã xưa. Ký ức ấy, thói quen ấy cũng là những kỷ niệm về một thời khốn khó, để chứng kiến một thành phố trẻ hôm nay đang mạnh mẽ vươn mình.

Thị xã Thái Bình xưa... Ảnh tư liệu

Ngược thời gian về trước, nhiều điểm của thành phố Thái Bình chỉ còn trong sách vở, tư liệu nhưng trong dọc dài hành trình phát triển, có nhiều người không quên một thị xã nhỏ hẹp, êm đềm, trải rộng hai bờ sông Trà Lý. Những con người trung kiên bám trụ trong những năm kháng chiến để có một thành phố trẻ hội tụ nhiều tiềm năng và hy vọng... Ngày 21/3/1890, thị xã Thái Bình mới chính thức được hình thành cùng với việc tiến hành thành lập tỉnh Thái Bình theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương. Đây là kết quả trực tiếp của âm mưu thực hiện chính sách “chia để trị” nhằm nhanh chóng kết thúc công cuộc bình định ở Bắc Kỳ của thực dân Pháp. Tuy nhiên, do còn phải lo chống đỡ các cuộc nổi dậy đấu tranh vũ trang của nhân dân ta, đến 5 năm sau, ngày 4/2/1895 kế hoạch thành lập thị xã Thái Bình mới được hoạch định ranh giới bằng một quyết định nữa của viên Kinh lược Bắc Kỳ (Hoàng Cao Khải), quyết định ghi: “Những làng Bồ Xuyên và Kỳ Bố, tổng Lạc Đạo, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình sáp nhập vào thành phố Kiến Xương (tức phủ lỵ Kiến Xương đang đóng ở Kỳ Bá). Ngoài 2 làng trên, tất cả các khu phố ở xung quanh thành sẽ cùng được nhập lại để gọi là thành phố Thái Bình. Dân các làng Kỳ Bá và Bồ Xuyên do đó sẽ phải gánh vác tất cả các tạp dịch như dân cư thành thị như làm đường trong thành phố mới, xây cống rãnh, ánh sáng, xây dựng đồn cảnh sát và tất cả các công việc khác”. Như vậy, những năm đầu mới ra đời, thị xã Thái Bình được quyết định mới chỉ vẻn vẹn bao gồm đất đai, cư dân 2 làng nông nghiệp Bồ Xuyên và Kỳ Bá với 2 con đường làng ngoằn ngoèo dài chừng 1km. Thêm vào đó là khu vực của phủ thành Kiến Xương gồm “... một thành xây hình 4 góc, có hào phòng thủ bao quanh. Dọc theo các hào chỉ có một con đường phố, hai bên có nhà lụp sụp bằng đất hoặc phên trát vôi, lợp tranh với khoảng chừng 300 dân. Để phục vụ cho bộ máy cai trị, các công sở được xây dựng ngay sau đó bên bờ sông Trà Lý”. 

...thành phố Thái Bình nay.

So với khi mới thành lập cho đến trước năm 1945, quy mô thị xã có được mở rộng, phát triển nhưng không thật lớn. Từ những dãy phố đầu tiên hình thành dọc theo hữu ngạn sông Trà Lý nằm về phía Đông Bắc gần phủ thành cũ của phủ lỵ Kiến Xương, thị xã đã được mở rộng dần về phía Tây Nam (cách phố An Tập nơi có lỵ sở huyện Vũ Tiên chừng 500m), với chiều rộng trên 500m, chiều dài 1km. Thị xã cơ bản vẫn gồm 3 khu phố chính: phố Đệ Nhất, phố Đệ Nhị và phố Đệ Tam. Nhằm ghi dấu công lao của một số viên quan thực dân từng trị nhậm ở Thái Bình, mỗi đường phố lại được đặt kèm theo một cái tên tây như phố Đuynpíckê, phố Đờ Miriben và phố Hácmăngrútxô. Song, theo ông Bùi Quang Năm, 91 tuổi, tổ 5, phường Bồ Xuyên, nguyên cán bộ Ban Thi đua UBND tỉnh thì người dân lại chỉ quen gọi tên các phố xá này một cách giản dị: Phố Đền Mẫu vì đường phố chạy qua cửa một ngôi đền thờ Mẫu nằm trên đường Lê Lợi; phố Vọng Cung vì có nhà Vọng Cung nằm trên đường Lê Lợi đối diện với đường Nguyễn Thái Học, nơi tổ chức tế lễ nhân các kỳ sóc vọng hàng năm của quan lại Nam triều; phố Giá Nứa vì tiếp giáp bến sông Trà Lý, nơi có buôn bán nhiều gỗ và tre nứa, nay là đoạn đường Lý Thường Kiệt đầu sông Bồ Xuyên... 

Hình thành trong một hoàn cảnh đặc biệt, diện mạo của thị xã từng bước có những thay đổi nhất định gắn liền với yêu cầu củng cố bộ máy cai trị và đẩy mạnh chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Từ sau năm 1945, thị xã lại có nhiều lần thay đổi, khi tách khi nhập với một số làng ven thị. Năm 1951, để tăng cường cho lực lượng kháng chiến ở khu trung tâm đầu não tỉnh, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh đã quyết định sáp nhập vào thị xã 3 xã: Tiền Phong, huyện Thư Trì; Trần Lãm, huyện Vũ Tiên; Hoàng Diệu, huyện Đông Quan. Tháng 5/1952, khi thị xã trở thành vùng tạm chiếm của địch, thực dân Pháp lại có quyết định “Cải biến thị trấn Thái Bình gồm có 3 khu thành thị xã Thái Bình” với ranh giới: “Bắc giáp sông Đoan Túc, Nam giáp sông Lạc Đạo và Kỳ Bá, Đông giáp sông Trà Lý, Tây giáp xã Kỳ Bá”.

Sau hòa bình lập lại, thị xã tập trung khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng. Mảnh đất tự hào là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn và tiếp sức chiến trường, với tinh thần tất cả hướng về miền Nam ruột thịt. Gần 50 năm giải phóng thị xã, nỗ lực phấn đấu từng tiêu chí, năm 2003 thị xã Thái Bình được công nhận là đô thị loại III. Một năm sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2004/NĐ-CP thành lập thành phố Thái Bình. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận thành phố Thái Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Thái Bình. Qua bao giai đoạn phát triển, thành phố Thái Bình hiện có 19 phường, xã.


Bà Lê Thị Loan, tổ 11, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình
Tôi sinh ra, lớn lên ở thành phố này khi còn là một thị xã tiêu điều với một vài dãy phố, những con đường heo hút, những công trình lịch sử để lại bị chiến tranh tàn phá, không còn nguyên vẹn. Thời kỳ tem phiếu thiếu thốn đủ thứ. Rồi cả khi nghe tiếng máy bay địch lại vội vã xuống hầm trú ẩn. Bây giờ nhớ lại về thị xã xưa mà ngỡ như vừa mới đó. Chứng kiến những đổi thay của thành phố Thái Bình hôm nay thấy thật tự hào. Đời sống của người dân chúng tôi được cải thiện rõ rệt, con cháu có một môi trường giáo dục tốt nhất. Đường sá đi lại thuận lợi, nhiều khu vui chơi, giải trí cho các tầng lớp nhân dân.

Ông Phạm Đức Thái, tổ 9, phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình
Tôi thấy diện mạo, cảnh quan đô thị đang thay đổi từng ngày. Các tuyến đường phố được quy hoạch đồng bộ, khang trang, sạch đẹp. Các công trình phúc lợi, các công trình công cộng được quan tâm đầu tư giải quyết. Nhiều công trình điểm nhấn như Đền thờ Bác Hồ, Quảng trường Thái Bình, công viên Kỳ Bá, hồ Ty Rượu và rất nhiều những công trình công cộng, khu đô thị, khu chung cư, các trường học và trụ sở làm việc của một số xã, phường. Tôi đánh giá rất cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền thành phố đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đạt được nhiều thành tựu trong những năm qua.



Minh Nguyệt