Thứ 7, 23/11/2024, 10:29[GMT+7]

Tiền Hải: Nhân lên các điển hình dân vận khéo

Thứ 2, 22/07/2024 | 08:38:53
3,697 lượt xem
Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện đã triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo” với nhiều cách làm sáng tạo, sát thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực.

Người dân tới giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thị trấn Tiền Hải.

Tích đất làm giàu

Tất bật chuyển mạ lên máy cấy, lau vội những giọt mồ hôi trên trán, bà Phạm Thị Sen, thôn Phương Trạch Tây, xã Phương Công hồ hởi khoe: Chỉ hết chỗ mạ kia là vụ này nhà tôi cấy xong gần 32,5 mẫu. Trước đây khu này rất trũng, cấy lúa kém hiệu quả nên nhiều gia đình bỏ hoang, gây lãng phí. Là người gắn bó với đồng ruộng từ nhỏ nên tôi thấy rất xót xa, vì vậy gia đình tôi đã thuê mượn lại toàn bộ diện tích ruộng ở khu này để cấy lúa.

Để cải tạo khu đồng trũng, vợ chồng bà Sen đã phải bỏ ra rất nhiều công sức để đắp lại hệ thống bờ vùng, bờ thửa nhằm chủ động điều tiết nguồn nước. Khi bắt tay vào sản xuất những vụ đầu, bà Sen tập trung cải tạo đất, yêu cầu quan trọng nhất là phải nắm chắc chất đất từng khu vực, từ đó xác định lượng phân bón cho phù hợp. Với diện tích lớn, để giảm chi phí thuê nhân công, tăng hiệu quả sản xuất, bà Sen đầu tư nhiều loại máy móc gồm 2 máy cày cỡ lớn, 1 máy cấy, 1 máy phun thuốc trừ sâu với tổng chi phí đầu tư ban đầu hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, bà Sen ký hợp đồng với công ty thu mua lúa tươi nên giảm được khâu phơi thóc sau thu hoạch. Ngoài cấy lúa, mỗi năm bà Sen còn nuôi và xuất bán hàng nghìn con vịt và có 1 mẫu ao nuôi cá. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình bà thu về gần 700 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm cho hàng chục lao động thời vụ.

Ông Bùi An Phương, Bí thư Đảng ủy xã Phương Công cho biết: Bà Phạm Thị Sen là hội viên cựu chiến binh tiêu biểu, đi đầu trong tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung cho hiệu quả kinh tế cao của địa phương. Từ hiệu quả mô hình của bà Sen, địa phương đã tích cực tuyên truyền, nhân rộng; xây dựng và ban hành đề án về tích tụ, tập trung ruộng đất, đồng thời có nhiều chỉ đạo cụ thể. Ngoài bà Sen, trên địa bàn xã còn có 6 mô hình tích tụ ruộng đất lớn với tổng diện tích tích tụ 77,89ha. Các mô hình này đã và đang tạo sức lan tỏa lớn, góp phần khắc phục tình trạng ruộng bỏ hoang ở địa phương.

Chính quyền thân thiện, vì dân

Thường xuyên tiếp nhiều công dân tới giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại Bộ phận tiếp nhận và và trả kết quả thị trấn Tiền Hải, anh Tô Văn Suy, công chức địa chính phụ trách lĩnh vực đất đai đã sắp xếp công việc hợp lý để giải quyết kịp thời các yêu cầu của người dân. Anh chia sẻ: Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính năm 2020, quy mô dân số của thị trấn tăng lên gấp đôi còn địa giới hành chính cũng rộng hơn trước gần 6 lần. Theo đó, các yêu cầu giải quyết TTHC nói chung và của lĩnh vực đất đai nói riêng cũng tăng lên rất nhiều, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay đã tiếp nhận trên 200 hồ sơ thuộc lĩnh vực đất đai. Để giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân, không để hồ sơ tồn đọng, ngoài thời gian làm việc trong giờ hành chính tôi còn tranh thủ làm ngoài giờ và ngày cuối tuần.

Cũng theo chia sẻ của anh Suy, phần lớn thời gian cuối tuần anh tranh thủ về cơ sở nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện các vấn đề phát sinh liên quan đến đất đai. Địa bàn rộng, công việc nhiều song với tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, các yêu cầu liên quan đến TTHC của người dân do anh Suy đảm nhiệm giải quyết đều bảo đảm đúng quy định, không để xảy ra tồn đọng.

Anh Tô Thành Sênh, tổ dân phố Tiền Phong, thị trấn Tiền Hải cho biết: Tôi thường xuyên tới Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thị trấn để giải quyết các TTHC liên quan đến đất đai và tư pháp. Tôi thấy tinh thần, thái độ, trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao, người dân rất hài lòng.

Ông Trần Trung Trực, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Tiền Hải cho biết: Phong cách làm việc thân thiện, trọng dân, vì dân được đội ngũ cán bộ, công chức thị trấn duy trì thực hiện từ nhiều năm nay, tuy nhiên khi được lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” tất cả cán bộ, công chức của thị trấn đều xác định đây là niềm vinh dự đồng thời cũng là dịp để chúng tôi hoàn thiện, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Qua giám sát, nhìn chung tinh thần, thái độ, trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao, người dân rất hài lòng. Đặc biệt, người dân đánh giá rất cao việc thị trấn bố trí riêng phòng trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cũng như có thư chia buồn tới gia đình khi có người thân qua đời, đồng thời cử cán bộ đại diện tới thăm viếng. Từ khi thực hiện thí điểm mô hình đến nay, 100% TTHC của người dân đều được giải quyết trước và trong hạn, trong đó tỷ lệ giải quyết trước hạn đạt trên 98%; UBND thị trấn đã gửi hơn 300 thư chúc mừng và thư chia buồn, qua đó góp phần tạo sự gắn kết, gần gũi với người dân, rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với người dân.

Vụ mùa năm nay, bà Phạm Thị Sen, thôn Phương Trạch Tây, xã Phương Công (Tiền Hải) cấy gần 32,5 mẫu ruộng.

Nhân lên các điển hình

Theo ông Phạm Trường Sơn, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Tiền Hải: Năm 2024, toàn huyện đăng ký thực hiện 139 mô hình dân vận khéo trên tất cả các lĩnh vực. Trên cơ sở các mô hình mà các địa phương, đơn vị đăng ký, chúng tôi tiến hành khảo sát, đánh giá; đối với các mô hình hiệu quả, chúng tôi phối hợp với Đài TTTH huyện và các cơ quan báo chí của tỉnh tích cực tuyên truyền để nhân rộng. Qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã phát hiện và nhân rộng nhiều mô hình, điển hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả của các tập thể, cá nhân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, nổi bật là các mô hình về tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung; vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, liên kết, trao đổi, hỗ trợ, dạy nghề, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, giống, kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; vận động nhân dân hiến đất xây dựng hạ tầng nông thôn; xây dựng chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ; giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện đã chọn một số mô hình để nhân rộng trong toàn huyện như mô hình camera an ninh, mô hình thắp sáng đường quê, mô hình tự quản về an ninh trật tự.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giúp các địa phương, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế của huyện tăng trưởng 5,45% so với cùng kỳ. Trong sản xuất nông nghiệp, cùng với tập trung phát triển trồng trọt, các địa phương đã chú trọng đầu tư lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Toàn huyện có 6 xã đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao, 3 xã đăng ký về đích nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ. Đặc biệt, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền ngày càng được củng cố.


Đào Quyên

Tác phẩm tham dự giải Búa liềm
vàng lần thứ IX - năm 2024.