Thứ 5, 26/12/2024, 18:21[GMT+7]

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Điều lệ Đảng

Thứ 2, 11/11/2024 | 20:39:47
400 lượt xem
Ngày 11/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với các Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Điều lệ Đảng, Đại hội XIV của Đảng, cho ý kiến vào các dự thảo Báo cáo chính trị, dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng để tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Bộ Chính trị xem xét.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).

Tại cuộc họp, Thường trực Tổ Biên tập các Tiểu ban đã trình bày Tờ trình về tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị; báo cáo những nội dung cốt lõi, quan trọng trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng. 

Cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp xây dựng các văn kiện theo hướng khoa học, cụ thể, rõ định hướng, rõ chủ trương chiến lược, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Tổng Bí thư Tô Lâm


Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, biểu dương hai Tiểu ban đã nỗ lực làm việc với tinh thần chủ động, trách nhiệm; đồng thời tích cực phối hợp với các tiểu ban khác để bảo đảm sự thống nhất giữa các báo cáo, trong đó Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm, Báo cáo kinh tế-xã hội, Báo cáo công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng là các báo cáo chuyên đề quan trọng. Tổng Bí thư đề nghị, để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo báo cáo, cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp xây dựng các văn kiện theo hướng khoa học, cụ thể, rõ định hướng, rõ chủ trương chiến lược, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện để triển khai được ngay trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân sau Đại hội XIV của Đảng. 

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).

Đối với dự thảo Báo cáo chính trị, Tổng Bí thư đánh giá, ý kiến của các thành viên Tiểu ban Văn kiện tại cuộc họp hết sức quý báu. Thường trực Tiểu ban, Tổ Biên tập cần nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu, chắt lọc để tiếp tục hoàn thiện dự thảo; trên cơ sở đó xây dựng bản tóm tắt dự thảo Báo cáo chính trị với các nội dung cốt lõi, nội dung mới đã được thống nhất để trình Bộ Chính trị xem xét, trước khi gửi tới đại hội đảng cấp cơ sở thảo luận, góp ý, bước đầu tạo thống nhất về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, phải thống nhất nhận định về tầm vóc, ý nghĩa của Đại hội XIV của Đảng. Đây là Đại hội gắn liền với bối cảnh đất nước sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 50 năm giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 95 năm thành lập Đảng, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, mở ra kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giàu mạnh, thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. 


Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước nhanh và bền vững; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Dựa vào nguồn lực và động lực quan trọng là ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất mới; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng; phát huy sức mạnh văn hóa, con người, mọi người dân Việt Nam chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, vươn mình bứt phá. 

Đại biểu dự cuộc làm việc của Tiểu ban Văn kiện. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).

Về Báo cáo công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng, Tổng Bí thư chỉ đạo tiếp tục nâng cao năng lực hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, đổi mới mạnh mẽ việc ban hành, quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng, làm cho mỗi nghị quyết mới ban hành phải giải quyết được những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống, có tính dẫn dắt, mở đường và được thực hiện hiệu quả trên thực tế, bảo đảm cho các nhân tố mới phát triển. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.

Nhấn mạnh việc phải tập trung hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, Tổng Bí thư yêu cầu khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, thống nhất tư tưởng của cả hệ thống chính trị.

Đây là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, tất cả vì sự phát triển của đất nước. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, chú trọng công tác thẩm định, đánh giá cán bộ; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, cán bộ cấp cơ sở; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Tiểu ban Điều lệ Đảng. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).

Tổng Bí thư chỉ đạo tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Chú trọng và tăng cường đoàn kết trong Đảng, làm nền tảng vững chắc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả; thực hiện kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm và có tính đột phá. Tăng cường công tác dân vận, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với phương châm "không ngừng, không nghỉ", "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ"; trong đó, đẩy mạnh phòng, chống lãng phí như phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành "tự giác", "tự nguyện", như "cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày", phục vụ tốt hơn mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Theo: nhandan.vn