Thứ 2, 20/01/2025, 15:19[GMT+7]

Một cuộc biểu tình ngời sáng trang sử Đảng

Thứ 2, 20/01/2025 | 09:54:33
420 lượt xem
Chưa đầy ba tháng sau ngày thành lập Đảng, một cuộc biểu tình “kinh thiên động địa” do Tỉnh ủy Thái Bình chỉ đạo có hàng nghìn người tham gia đã diễn ra vào ngày 1/5/1930, lực lượng chính và mũi nhọn được giao cho Liên chi bộ Thần - Duyên triển khai từng được báo chí trong nước và nước ngoài cùng lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình, lịch sử Đảng bộ các huyện, các xã đề cập theo những góc độ khác nhau.

Diện mạo nông thôn xã Chí Hòa (Hưng Hà) ngày càng khang trang, đổi mới. Ảnh: Quỳnh Lưu

Trước hết, cần phải thấy tên gọi, địa dư, duyên cách của các lộ, phủ, huyện, làng xã của tỉnh Thái Bình nói chung và của hai huyện Thần Khê, Duyên Hà nói riêng đã trải nhiều biến đổi qua các thời kỳ lịch sử. 

Huyện Thần Khê đã được đổi thành phủ Tiên Hưng từ ngày 24/1/1895, theo Quyết định số 07 của Kinh lược sứ Bắc Kỳ. Chi bộ, sau đó là Liên chi bộ mang tên Thần - Duyên là ý tưởng gợi nhớ về truyền thống văn hiến của một dải địa linh (đất thiêng) Thần Khê - Duyên Hà vốn từng thấm đẫm trong câu ca: “Đã là con mẹ con cha/ Thì sinh ở đất Duyên Hà Thần Khê”. 

Thần Khê và Duyên Hà là hai huyện có từ thời Lý - Trần, đều thuộc lộ Long Hưng. Từ thời Lê đến đầu triều Nguyễn, hai huyện này cùng với hai huyện Hưng Nhân và Thanh Quan thuộc phủ Tiên Hưng. Sau khi thành lập tỉnh, huyện Thần Khê được đổi thành phủ Tiên Hưng thì phủ không kiêm nhiếp các huyện nữa. Vào thời điểm nổ ra cuộc biểu tình thì phủ Tiên Hưng có 9 tổng, 63 xã thôn, trong đó 4 tổng Cao Mỗ, Cổ Cốc, Cổ Quán, Phú Khê gồm các làng xã của huyện Tiên Hưng sau này và 3 tổng Hoàng Nông, Y Đún, Đô Kỳ gồm một số làng xã của huyện Hưng Nhân. 

Như vậy, cần phải thấy rằng vùng đất vẫn thường được tôn xưng là Duyên Hà - Thần Khê không chỉ bó hẹp theo địa vực của hai huyện này. Cũng như vậy, chi bộ mang tên Thần - Duyên, sau phát triển thành liên chi bộ vẫn giữ tên gọi đó không chỉ bó hẹp hoạt động trong địa vực của hai huyện Tiên Hưng, Duyên Hà. Nếu hiểu thấu đáo điều này, chúng ta không chỉ hiểu thêm về phạm vi tập hợp lực lượng của cuộc biểu tình mà còn lý giải được một điều là từ nhiều năm qua các thế hệ cán bộ, nhân dân của hai huyện Hưng Hà, Đông Hưng thường rất ít khi gợn lên tư tưởng cục bộ địa phương hoặc bị chi phối bởi những lát cắt về địa giới và địa danh của các huyện Hưng Nhân, Duyên Hà, Tiên Hưng, Đông Quan trước ngày sáp nhập huyện. Bởi vì, tìm về cội nguồn thì cư dân ở các làng quê thuộc miền đất này đều “là con mẹ con cha”, được sinh ra ở một vùng đất thiêng hiển hách những võ công, văn nghiệp từ ngàn xưa. Mặt khác, tên gọi cuộc biểu tình này là cuộc biểu tình Tiên - Duyên - Hưng như sử sách trước đây vẫn ghi sẽ đúng thực tế lịch sử hơn là cuộc biểu tình Tiên Hưng - Duyên Hà hoặc Duyên Hà - Tiên Hưng. 

Từ khi Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam (1858) đến trước khi có Đảng, ở vùng đất Thần Khê - Duyên Hà đã liên tục sục sôi khí thế chống Pháp dưới nhiều hình thức khác nhau. Tiêu biểu là những cuộc vũ trang chống Pháp của các thủ lĩnh: Bang Tốn, Đốc Nhưỡng, Lãnh Hoan, Nguyễn Thành Thà cùng hàng chục thủ lĩnh khác là những văn thân, sĩ phu yêu nước lập ra từ một làng rồi liên làng, liên huyện tổ chức đánh Pháp ròng rã hàng mấy chục năm. Thực dân Pháp đã tập trung lực lượng đàn áp, đánh dẹp, các phong trào vũ trang cần vương lần lượt lắng xuống nhưng trong cảnh nước mất, nhà tan, các hình thức yêu nước vẫn âm ỉ sục sôi không ngừng, không tắt để chờ thời cơ. 

Thế rồi hệ quả mang tính tất yếu là khi ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin vừa dọi tới địa phận tỉnh Thái Bình không lâu thì Chi bộ Thần - Duyên đã được thành lập và nhanh chóng phát triển thành Liên chi bộ. Ý thức giác ngộ cách mạng đã sớm lan truyền đến các tầng lớp nhân dân ở tận những thôn cùng xóm vắng trên khắp vùng đất này. Một điều kỳ diệu là khi Chi bộ Thần - Duyên được thành lập vào tháng 7/1929 thì công tác phát triển đảng đã được triển khai nhanh tới mức khôn lường. Vào thời điểm ấy, toàn tỉnh Thái Bình có 6 chi bộ. Đến ngày 1/4/1930, toàn tỉnh có 33 chi bộ với khoảng 200 đảng viên thì Chi bộ Thần - Duyên đã có tới 54 đảng viên để thành Liên chi bộ với 6 chi bộ trực thuộc Liên chi ủy. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, từ tháng 7/1929 đến tháng 4/1930, Chi bộ Thần - Duyên vừa phải lo phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức vừa chăm lo xây dựng các đoàn thể như nông hội, thanh niên, phụ nữ… vừa phát động các hình thức đấu tranh. Những hoạt động đó đã tạo tiền đề để quần chúng ở nơi đất thiêng này sớm giác ngộ cách mạng, sẵn sàng xả thân theo Đảng đấu tranh. 

Trung tuần tháng 4/1930, khi được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng chính làm mũi nhọn cho cuộc biểu tình, Liên chi ủy Thần - Duyên đã bí mật triển khai công việc chuẩn bị cho các chi bộ. Từ việc may cờ Đảng đến băng khẩu hiệu, băng giấy đeo tay, truyền đơn, việc tập hợp lực lượng tham gia… đã được bí mật triển khai đến khắp mọi làng xã. Bài học kinh nghiệm về vận động quần chúng tham gia cuộc biểu tình này là nghệ thuật triển khai bí mật, bất ngờ, thần tốc với sự thống nhất chỉ đạo tài tình từ Tỉnh ủy đến các cơ sở đảng. 

Đêm ngày 30/4/1930, cờ Đảng được treo, truyền đơn được rải ở nhiều nơi thuộc khắp các phủ huyện trong tỉnh. Bọn mật thám Pháp không biết tình huống nào sẽ xảy ra để triển khai lực lượng đối phó. Ngay trên địa bàn triển khai mũi nhọn của cuộc biểu tình, cờ Đảng cũng được cắm nhiều nơi như ở cổng công đường các huyện Hưng Nhân, Duyên Hà, phủ Tiên Hưng, ở bến đò Thọ Vực, bến đò Giống và ở cây đa Quán Đầu gần chợ Khô, nơi tập trung lực lượng biểu tình. Việc chọn chợ Khô là nơi tập trung lực lượng cũng là một sự lựa chọn sáng suốt vì hôm đó là ngày chợ phiên, các dòng người kéo về tham gia cuộc biểu tình từ sáng sớm đã hòa vào dòng người đến chợ. Từ điểm tập kết này, đoàn biểu tình qua bến đò Thọ Vực để hội quân bên hữu ngạn sông Trà Lý phối hợp với lực lượng theo đường 223, qua bến đò Giống sang là hợp lý. Trong khi đó, lực lượng quần chúng của các làng xã thuộc hai huyện Thư Trì, Vũ Tiên đã trực sẵn tại sân vận động thị xã để chờ phối hợp. Tại Bảo tàng tỉnh Thái Bình hiện đang trưng bày một tài liệu gốc, vẽ sơ đồ các tuyến đường triển khai lực lượng của cuộc biểu tình. Qua sơ đồ này có thể thấy nghệ thuật chỉ đạo, tổ chức vô cùng tài tình của các cán bộ chỉ huy lãnh đạo cuộc biểu tình này. 

Mặc dù đã huy động được hàng nghìn người ở vùng đất Thần - Duyên cùng các địa phương khác trong tỉnh tham gia, các tình huống xảy ra cũng được tính toán khá chu đáo nhưng cuộc biểu tình đã sớm bị đàn áp và bị dìm trong biển máu. Có thể coi đó là sự hy sinh cần thiết và mang tính tất yếu để biểu dương lực lượng cách mạng do Đảng ta lãnh đạo và hơn nữa chính là sự tập dượt cho những hình thức huy động lực lượng đấu tranh ở những giai đoạn cách mạng tiếp theo.

Gần một thế kỷ qua, đã có không ít báo chí trong nước, nước ngoài cùng nhiều trang sử sách đã luận bình, khẳng định ý nghĩa, vị thế và ảnh hưởng của cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 ở Thái Bình với cách mạng Việt Nam. Trong văn kiện Đảng ta đã xác định đó là 1 trong 5 cuộc biểu tình lớn nhất cả nước lúc bấy giờ. Đây là một trong những dấu son chói lọi của Đảng ta trong năm đầu thành lập.

Thiết nghĩ, rất cần có một công trình tưởng niệm xứng tầm với sự kiện chính trị mang ý nghĩa lớn lao này. Trước hết là việc quy hoạch đất tại khu vực chợ Khô đủ để xây dựng một công viên, ở đó có nhà tưởng niệm để khói hương, có tượng đài để chiêm bái cùng một số công trình thiết yếu khác. Công trình tưởng niệm này không chỉ thiết thực phục vụ công tác giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân mà còn góp phần vào sự nghiệp phát triển du lịch của Thái Bình. Nếu ý tưởng này được thực hiện thì dự án cần sớm được triển khai để có thể hoàn thành vào đúng ngày 1/5/2030, nhân đại lễ kỷ niệm 100 năm ngày diễn ra cuộc biểu tình kỳ vĩ có một không hai trong lịch sử Đảng ta.

Nguyễn Thanh

(Xã Vũ Quý, Kiến Xương)