Thứ 5, 01/08/2024, 11:23[GMT+7]

Vai trò của Văn phòng trong tham mưu giúp cấp ủy tổ chức điều hành công việc

Thứ 6, 18/10/2013 | 07:54:03
8,920 lượt xem
Trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, Văn phòng Tỉnh ủy đã có nhiều đổi mới trong hoạt động như: Đổi mới việc theo dõi, nắm bắt tình hình, tiến độ của việc ban hành, triển khai thực hiện các đề án, báo cáo; chương trình của các ngành, các cấp theo chương trình làm việc của cấp ủy để chủ động sắp xếp nội dung, chương trình các hội nghị cấp ủy; tăng tính chủ động trong điều hành, sắp xếp công việc của các hội nghị theo hướng hiệu quả, thiết thực...

Cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy chuẩn bị tài liệu phục vụ hội nghị cấp ủy. Ảnh: Minh Đức

Khi trên cương vị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ) về dự Ngày truyền thống Văn phòng với cán bộ, công chức văn phòng của Thái Bình đã nói: Cán bộ văn phòng đòi hỏi phải là những người trung thực, tận tụy, năng động và sáng tạo. Nhân Ngày truyền thống Văn phòng cấp ủy 18/10, xin được làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và vai trò của văn phòng cấp ủy trong tham mưu, giúp cấp ủy tổ chức, điều hành, là trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ yêu cầu của cấp ủy trong xử lý các công việc.

Chúng ta vẫn hay nghĩ: Văn phòng là bộ phận phụ trách công việc giấy tờ, hành chính trong một cơ quan, đơn vị. Hiểu như vậy không sai, nhưng không đầy đủ. Trên thực tế, để đáp ứng yêu cầu công tác của cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ khác nhau thì tổ chức, bộ máy, chức năng nhiệm vụ của Văn phòng cũng khác nhau. Nhưng, dù hiểu theo nghĩa nào thì Văn phòng luôn được xác định là một tổ chức không thể thay thế, gắn liền với quá trình tồn tại và phát triển của cơ quan, đơn vị. Nếu Văn phòng làm việc có nền nếp, khoa học, cán bộ làm việc có trách nhiệm cao, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi thì công việc của cơ quan, đơn vị sẽ "chạy" đều, lãnh đạo điều hành thông suốt và có hiệu quả. Vì thế, Văn phòng phải được tổ chức một cách khoa học, văn minh, lịch sự để làm tốt vai trò là "bộ mặt" của cơ quan, đơn vị.

Năm 1949, Hội nghị cán bộ văn phòng toàn quốc họp lần đầu tiên tại Việt Bắc, Trung ương Đảng xác định: Văn phòng cấp ủy là cơ quan giúp việc cấp ủy hàng ngày, cũng như các ban chuyên môn khác của Đảng. Tháng 12/1977, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 25-CT/TW xác định: Văn phòng là cơ quan chuyên môn trực tiếp giúp cấp ủy điều hành công việc hàng ngày.

Tiếp đó, ngày 8/4/1993, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 17-CT/TW về Tăng cường sự chỉ đạo công tác văn phòng Tỉnh ủy, Thành ủy, trong đó xác định: Văn phòng Tỉnh ủy, Thành ủy là cơ quan thuộc hệ thống các ban đảng, có chức năng tham mưu giúp cấp ủy, trực tiếp là giúp Ban Thường vụ và Thường trực tổ chức điều hành công việc lãnh đạo của Đảng. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 5 (Khóa X), ngày 5/5/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 222-QĐ/TW về: "Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, Thành ủy". Trong đó xác định: Văn phòng Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu, tổng hợp của Tỉnh ủy.

Vì vậy, Văn phòng thực hiện tham mưu giúp Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy trong tất cả các lĩnh vực: Tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hành động của các cơ quan tham mưu; Đề xuất các chủ trương, chính sách thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, nội chính, đối ngoại của cấp ủy, nguyên tắc, chế độ quản lý tài chính, tài sản của Đảng bộ; Trực tiếp quản lý tài sản, tài chính của Tỉnh ủy và các cơ quan, tổ chức Đảng thuộc Tỉnh ủy, bảo đảm hậu cần cho hoạt động của cấp ủy, là trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ lãnh đạo của cấp ủy.

Chức năng là rất lớn và nhiệm vụ của văn phòng cấp ủy cũng rất nặng nề như: Nghiên cứu, đề xuất chương trình công tác của Thường trực Tỉnh ủy; giúp xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy; sơ kết, tổng kết thực tiễn về công tác văn phòng cấp ủy. Nhiệm vụ không kém phần quan trọng nữa của văn phòng cấp ủy là hướng dẫn thực hiện kiểm tra, giám sát; thẩm định, thẩm tra… Ngoài ra, còn thực hiện một số nhiệm vụ do Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy giao như: Tiếp nhận và xử lý đơn, thư gửi đến Tỉnh ủy; kiến nghị với Thường trực Tỉnh ủy xử lý những đơn, thư có nội dung quan trọng; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết một số đơn, thư được Thường trực Tỉnh ủy giao; tổng hợp tình hình tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế của Trung ương và của Tỉnh ủy, hoạt động của các cấp ủy, đảng, đoàn, ban sự đảng, các cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy; giúp Tỉnh ủy thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất. Quản lý, tổ chức lưu trữ, khai thác tài liệu Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội theo quy định.

Giúp Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo và trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ công tác văn thư, lưu trữ - bảo đảm điều kiện vật chất và các trang thiết bị phục vụ hoạt động của cấp ủy và các cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy theo phân công, phân cấp. Là đầu mối giúp Thường trực Tỉnh ủy xử lý công việc hàng ngày; phối hợp điều hòa chương trình công tác của Bí thư, các Phó Bí thư Tỉnh ủy; một số hoạt động của các ủy viên Ban Thường vụ để thực hiện quy chế làm việc, chương trình công tác. Tham gia tổ chức phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh, hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các hội nghị do Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy triệu tập; các cuộc làm việc của Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy...

Trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, Văn phòng Tỉnh ủy đã có nhiều đổi mới trong hoạt động như: Đổi mới việc theo dõi, nắm bắt tình hình, tiến độ của việc ban hành, triển khai thực hiện các đề án, báo cáo; chương trình của các ngành, các cấp theo chương trình làm việc của cấp ủy để chủ động sắp xếp nội dung, chương trình các hội nghị cấp ủy; tăng tính chủ động trong điều hành, sắp xếp công việc của các hội nghị theo hướng hiệu quả, thiết thực. Tăng tính chủ động của các chuyên viên theo dõi từng lĩnh vực, bảo đảm chuyên sâu và hiệu quả. Tăng cường đôn đốc, thông báo đến các ngành, các cấp trong việc thực hiện nội dung chương trình làm việc của cấp ủy; đưa nghị quyết, sự chỉ đạo của cấp ủy nhanh chóng đi vào cuộc sống. Bảo đảm tính kỷ cương, kỷ luật trong tổ chức, triển khai thực hiện các chủ trương của cấp ủy.

Đội ngũ cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy hiện tại đều rất trẻ, năng động, nhiệt huyết và trách nhiệm cao trước công việc được giao. Một số cán bộ vừa được tuyển dụng, được đào tạo cơ bản nhưng kinh nghiệm công việc văn phòng chưa có nhiều, cần có thời gian để tiếp cận và thích nghi. Với tính chất, cường độ và áp lực công việc của công tác văn phòng, cần tăng cường một số cán bộ có khả năng tổng hợp rộng, khái quát cao và thật sự chuyên sâu mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ tham mưu giúp cấp ủy điều hành công việc.

Việt Hải

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày