Chủ nhật, 02/02/2025, 17:57[GMT+7]

Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của Đảng (Tiếp theo và hết) Kỳ 9: Đẩy mạnh thu hút đầu tư để đưa Thái Bình “cất cánh”

Chủ nhật, 02/02/2025 | 08:55:56
277 lượt xem
Tăng cường cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời chú trọng xây dựng hạ tầng Khu kinh tế (KKT), các khu, cụm công nghiệp là những mục tiêu xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ đến nay Đảng bộ tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện với những giải pháp đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo. Nhờ vậy, Thái Bình đã đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần đưa kinh tế của tỉnh “cất cánh” trong những năm tới.

Khu công nghiệp Hải Long trong Khu kinh tế Thái Bình đang khẩn trương được đầu tư xây dựng.

Triển vọng từ Khu kinh tế

Là một trong những KCN có vị trí trung tâm trong KKT Thái Bình, KCN Hải Long (Tiền Hải) có diện tích hơn 296ha, vốn đầu tư trên 2.200 tỷ đồng đang được khẩn trương đầu tư xây dựng hạ tầng, hứa hẹn sẽ tạo sự bứt phá cho công nghiệp của Thái Bình.

Ông Đỗ Quang Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư hạ tầng KCN Bảo Minh cho biết: Quá trình đầu tư hạ tầng KCN Hải Long, doanh nghiệp luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao, hỗ trợ kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của huyện Tiền Hải; đặc biệt là trong thực hiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thu hút đầu tư. Đến thời điểm này, Công ty đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 130,6ha, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút được 6 dự án vào đầu tư sản xuất kinh doanh trên diện tích 80ha. Trong năm 2025, Công ty tiếp tục phối hợp thu hút các nhà đầu tư thứ cấp trên diện tích từ 50 - 60 ha. Đối với diện tích còn lại chúng tôi đặt mục tiêu đến hết năm 2026 sẽ hoàn thành xây dựng hạ tầng đồng bộ và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để lấp đầy 100% diện tích.

Theo ông Bùi Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải: Trên địa bàn huyện đang triển khai nhiều dự án trọng điểm mang tính phát triển chiến lược của tỉnh như: Tuyến đường bộ ven biển, các tuyến đường giao thông kết nối KKT Thái Bình, mở rộng KCN Tiền Hải, xây dựng KCN Hải Long, KCN Hưng Phú... Vì vậy, thời gian qua huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng. UBND huyện cử cán bộ thường xuyên nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, trực tiếp gặp các hộ dân để đối thoại, giải thích, tuyên truyền, vận động nên nhiều dự án mặt bằng được bàn giao đúng tiến độ cho nhà đầu tư. Cùng với đó, Tiền Hải chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phù hợp với Quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung KKT, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nắm bắt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… Với các dự án lớn trọng điểm về công nghiệp, thương mại dịch vụ, đô thị, du lịch đang khẩn trương được triển khai, cơ hội hợp tác được mở ra, chắc chắn trong tương lai Tiền Hải sẽ là trọng điểm phát triển kinh tế của toàn tỉnh.

Hạ tầng khu công nghiệp Liên Hà Thái được đầu tư đồng bộ đến nay đã thu hút được 30 dự án với tổng vốn đăng ký 1,5 tỷ USD.

Đồng chí Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh cho biết: Với mục tiêu “Xây dựng KKT Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Bình", thời gian qua, tỉnh đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng 13 khu chức năng với tổng diện tích 8.500 ha; đồng thời đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng KKT. Tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong KKT, đặc biệt là các tuyến đường giao thông kết nối. Hệ thống hạ tầng điện, nước, viễn thông được quy hoạch, xây dựng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Một số công trình hạ tầng xã hội đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai xây dựng. Trong năm 2024, tỉnh đã tiếp nhận thêm dự án hạ tầng KCN Hưng Phú, nâng tổng số KCN đã thành lập trong KKT đến nay là 5 KCN gồm: Tiền Hải, Liên Hà Thái, Hải Long, VSIP, Hưng Phú với diện tích 1.893 ha, tổng vốn đầu tư 14.855 tỷ đồng. Công tác thu hút đầu tư vào KKT tiếp tục đạt được những kết quả tích cực: Năm 2024, thu hút 24 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là: 21.500 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2023, chiếm 67% so vốn thu hút đầu tư toàn tỉnh. Lũy kế giai đoạn 2021-2024, đã thu hút 52 dự án vào KKT với tổng vốn đầu tư đăng ký 120.000 tỷ đồng, chiếm 68% so với toàn tỉnh, gấp 11 lần so với giai đoạn 2026 - 2020; trong đó vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 4,1 tỷ USD, chiếm 78% so với toàn tỉnh, gấp 40 lần so với giai đoạn 2016 - 2020.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý (thành phố Thái Bình).

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư vào KKT, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để thu hút đầu tư; chủ động rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, vướng mắc trong thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách; nâng cao trách nhiệm trong việc thẩm định hồ sơ đề nghị quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án; rà soát danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh. UBND tỉnh và các huyện, thành phố tổ chức các hội nghị gặp gỡ, đối thoại lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, Thái Bình quan tâm đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các tuyến giao thông kết nối; chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch bàn giao cho nhà đầu tư. Tỉnh cũng tổ chức thành công các đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư tại Trung Quốc và một số nước châu Âu; đồng thời tổ chức làm việc với nhiều đoàn công tác, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh. Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá cao những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, cùng chung sức thực hiện mục tiêu bứt phá về thu hút đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh Tổng hợp Thương mại Thắng Liên, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Kiến Xương chia sẻ: Thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song cộng đồng doanh nghiệp huyện Kiến Xương luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, nâng tầm uy tín, thương hiệu trên thị trường. Toàn huyện có trên 1.400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của huyện. Chúng tôi mong muốn thời gian tới tỉnh tiếp tục có nhiều giải pháp kích cầu hơn nữa, quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, kết nối các doanh nghiệp trong tỉnh với doanh nghiệp ngoài tỉnh, doanh nghiệp FDI để tạo thành “sức mạnh cộng sinh”, tận dụng mọi lợi thế mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách cho nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sản xuất tại Công ty TNHH OHSUNG VINA (Khu công nghiệp Liên Hà Thái).

Bất kỳ ai đến với Thái Bình chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của các miền quê từ các dự án trong KKT, các khu, cụm công nghiệp đều cảm nhận được khát vọng và mong muốn bứt phá vươn lên của mảnh đất và con người nơi đây. Lớp lớp các thế hệ người Thái Bình đã cùng nhau vượt khó, cùng nhau đoàn kết, Đảng với dân một lòng vì sự phát triển của quê hương. Từ tỉnh mang danh “quê lúa”, thuần nông giờ đây Thái Bình đã vươn lên trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư của khu vực đồng bằng sông Hồng. Năm 2024, tổng vốn thu hút đầu tư của tỉnh đạt trên 43.177,6 tỷ đồng, trong đó có 199 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đăng ký 30.104,6 tỷ đồng. Đặc biệt, 2 năm 2023 – 2024, Thái Bình đón làn sóng mạnh mẽ từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI): Năm 2023, thu hút vốn FDI đạt 3 tỷ USD, đứng trong top 5 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước; năm 2024 thu hút vốn FDI đạt 1,16 tỷ USD, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm 2024 cũng là năm thứ ba liên tiếp Thái Bình có số doanh nghiệp thành lập mới vượt con số 1.000. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tỉnh đã thu hút được một số dự án có vốn đầu tư lớn, thuộc ngành nghề đầu tư mới, lần đầu tiên thực hiện trên địa bàn tỉnh như: Dự án điện khí LNG, dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, dự án bến cảng lòng Ba Lạt... Đây cũng là những dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra sự tăng trưởng bứt phá của tỉnh trong nhiệm kỳ tới. Những kết quả đầy triển vọng trong thu hút đầu tư của tỉnh sẽ là tiền đề quan trọng để Thái Bình sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

Nhóm phóng viên