Thứ 4, 16/07/2025, 15:15[GMT+7]

Kỷ niệm 144 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2014) Thấm nhuần tư tưởng V.I.Lênin về xây dựng Đảng

Thứ 2, 21/04/2014 | 19:14:06
1,884 lượt xem
Chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên trong xây dựng Đảng, đặc biệt trước những yêu cầu mới, nhiệm vụ mới của đất nước. Tiếp tục củng cố xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần tích cực, kiên quyết, mạnh mẽ hơn, làm cho Đảng ta ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, thật sự trong sạch, vững mạnh nhằm tạo ra một bước chuyển biến mới trên các mặt là vấn đề hệ trọng sống còn của Đảng, của chế độ, chính là cách làm thiết thực, sáng tạo và trung thành với học thuyết Mác-Lênin và tư tưởn

Ảnh tư liệu

Sinh thời, Bác Hồ đánh giá rất cao vai trò vĩ đại của Vla-đi-mia I-lích Lênin (V.I.Lênin): “Lênin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác-Ăngghen. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”(1).

Trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận thấy con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam khi đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin trên báo L’Hunmanité (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp), trong hai số liên tiếp ngày 16 và 17/6/1920. Người nói: Luận cương của Lênin đã làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Người khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(2).

Ngay từ giữa thập kỷ hai mươi của thế kỷ trước, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã viết: Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm nòng cốt… Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin.

Với thực tiễn cách mạng Việt Nam, tư tưởng Lênin đã mở ra những chân trời mới, soi đường, chỉ lối cho nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Vận dụng đúng đắn và sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và những bài học quý báu của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc và xây dựng một chính Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động để lãnh đạo toàn dân tộc Việt Nam đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp như hiện nay, việc quan tâm nghiên cứu, vận dụng lý luận về xây dựng đảng mácxít kiểu mới của V.I.Lênin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, một trong những cống hiến xuất sắc nhất của V.I.Lênin trong bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác là lý luận về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. V.I.Lênin  vạch ra những quan điểm cơ bản về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính đảng cách mạng, đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn và mang tính thời sự cấp bách trong công tác xây dựng Đảng của các đảng cộng sản cầm quyền, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong công tác xây dựng Đảng, V.I.Lênin yêu cầu làm tốt việc rèn luyện tư cách, đạo đức cách mạng của người đảng viên, nhất là những đảng viên đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý; mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên quyết đấu tranh với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chống thói vô trách nhiệm, thiếu minh bạch... trong công việc, trong cuộc sống, dứt khoát với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội. Song, phải luân chuyển cán bộ, nhất là vị trí lãnh đạo, phải thường xuyên kiểm tra, lựa chọn đúng cán bộ, không tùy tiện đưa người vào bộ máy của Đảng và Nhà nước…

Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, V.I.Lênin yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc, thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình một cách trung thực, thẳng thắn và mang tính xây dựng. V.I.Lênin khẳng định: Chính cuộc đấu tranh cách mạng đã tôi luyện nên những người cộng sản kiên cường. Chỉ có qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng giao phó, chỉ có hoạt động trong tổ chức của Đảng, chỉ có “Tắm mình trong phong trào quần chúng và sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình người cán bộ, đảng viên mới trưởng thành, được tôi luyện và có phẩm chất cao quý, tốt đẹp”.

Sau cuộc cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, V.I.Lênin đặc biệt quan tâm đến vấn đề củng cố chính quyền Xô Viết, xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, thực hiện chức năng quản lý và tổ chức xã hội mới. Theo V.I.Lênin, cán bộ thực sự “sống trong lòng quần chúng”, phải là những cán bộ của quần chúng, do quần chúng và phục vụ lợi ích, hạnh phúc của quần chúng nhân dân. Điều đó có nghĩa là, cán bộ phải là người có đầy đủ phẩm chất, năng lực, có đầy đủ đức và tài, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, có năng lực phục vụ nhân dân, có trình độ đem lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân.

Chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên trong xây dựng Đảng, đặc biệt trước những yêu cầu mới, nhiệm vụ mới của đất nước. Tiếp tục củng cố xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần tích cực, kiên quyết, mạnh mẽ hơn, làm cho Đảng ta ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, thật sự trong sạch, vững mạnh nhằm tạo ra một bước chuyển biến mới trên các mặt là vấn đề hệ trọng sống còn của Đảng, của chế độ, chính là cách làm thiết thực, sáng tạo và trung thành với học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thanh Hoàng
(Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ)


(1): Trích bài của Bác Hồ đăng trên báo Nhân Dân số 42, ra ngày 24/01/1952.
(2): Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2000.

 

  • Từ khóa