Thứ 5, 01/08/2024, 03:27[GMT+7]

45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh Khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong công tác cán bộ

Chủ nhật, 07/09/2014 | 14:51:39
3,497 lượt xem
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là văn kiện của một nhà chính trị kiệt xuất, lãnh tụ vĩ đại - người đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào thời đại của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; vừa là tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ của một nhà văn hóa lớn. Ðây là sự phản ánh thống nhất, cô đọng nhất về toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện phẩm chất đạo đức sáng ngời suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân của người chiến sĩ cộng sản; thể hiện m

Ứng cử viên dự tuyển chức danh Phó Bí thư Tỉnh đoàn trình bày chương trình hành động trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Thành Tâm

 

Trong Di chúc, Người viết: “Trước hết nói về Ðảng”, đồng thời nhấn mạnh: “Ðảng ta là một Ðảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Với tầm nhìn chiến lược, Bác đã lường trước nguy cơ suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay” sau này đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Vì vậy, Người căn dặn, khi đã là một đảng cầm quyền, cán bộ vừa là lãnh đạo nhưng đồng thời cũng là đầy tớ của nhân dân; mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân. Công tác chỉnh đốn Ðảng do vậy cần chỉnh đốn trước hết và ngay trong công tác cán bộ. Nói cho cùng, mọi vấn đề đều quy về cán bộ, bởi “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém, cán bộ chính là tiền vốn của Ðảng, có vốn mới làm ra lãi, bất cứ chính sách công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công tức có lãi, không có cán bộ tốt thì hỏng việc tức lỗ vốn”.

 

Thực hiện lời căn dặn của Bác, trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo sâu sát, toàn diện công tác cán bộ, trong đó đặc biệt coi trọng công tác đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, công tác đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, quy trình bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp có lúc, có nơi chưa thực sự công khai, dân chủ, còn mang tính chủ quan, cục bộ, khép kín, nể nang dẫn đến chất lượng một số cán bộ được lựa chọn bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chưa cao. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định quyết tâm, kiên trì khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trong công tác cán bộ; quá trình thực hiện luôn bảo đảm nguyên tắc của Ðảng, sự thống nhất lãnh đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, vừa làm vừa rút kinh nghiệm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Ngay sau khi kiểm điểm, ngày 22/11/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành, triển khai thực hiện Quyết định số 1145-QÐ/TU về quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (sửa đổi, bổ sung) theo hướng công khai, dân chủ, cạnh tranh. Theo đó, nhân sự đề nghị bổ nhiệm vào 1 vị trí phải có 2 người trở lên; quy trình thực hiện qua 4 bước (bước 1: xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; bước 2: tổ chức lấy ý kiến giới thiệu; bước 3: báo cáo kết quả giới thiệu nhân sự để xin ý kiến giới thiệu của các cơ quan; bước 4: báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định).

 

Sau gần 1 năm thực hiện, ngày 14/8/2013, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã ban hành Ðề án số 06-ÐA/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế tuyển chọn cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, mở rộng đối tượng dự tuyển (đối với các chức danh bổ nhiệm là cán bộ, công chức, viên chức trong nguồn quy hoạch chức danh cần bổ nhiệm và cán bộ, công chức, viên chức được quy hoạch chức danh tương đương trở lên). Quy trình tuyển chọn gồm 3 nội dung (người dự tuyển phải tham gia 3 nội dung tuyển chọn: Lấy phiếu tín nhiệm; Thi viết; Bảo vệ chương trình hành động trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy). Mỗi năm tổ chức 2 kỳ thi viết; nội dung thi về kiến thức xây dựng Ðảng và quản lý nhà nước. Kết quả ở mỗi quy trình đều được tính ra điểm theo thang điểm 100, trong đó điểm do Ban Thường vụ Tỉnh ủy được nhân hệ số 1,2; cán bộ có tổng số điểm của cả 3 bước cao hơn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, biểu quyết bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử. Việc tuyển chọn cán bộ theo Ðề án số 06-ÐA/TU đã đổi mới cơ bản quy trình bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử, khắc phục được nhiều hạn chế, tồn tại trong quy trình bổ nhiệm cán bộ trước đây; các nội dung tuyển chọn đều được lượng hóa bằng điểm nên quy trình tuyển chọn cán bộ đã bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Ðề án số 06-ÐA/TU và Quy chế tuyển chọn cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đã bộc lộ một số hạn chế: việc tổ chức 2 kỳ thi viết mỗi năm sẽ mất nhiều thời gian và tốn kém; cơ cấu điểm trong lấy phiếu tín nhiệm chưa phù hợp.

 

Ðể khắc phục hạn chế, cuối năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện quy trình tuyển chọn cán bộ, báo cáo Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh ban hành Ðề án số 08-ÐA/TU, ngày 27/12/2013 “Ðề án tuyển chọn cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Quyết định số 1599-QÐ/TU ban hành Quy chế tuyển chọn cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, trong đó đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Ðề án và Quy chế tuyển chọn đầu năm 2013. Quy trình tuyển chọn cán bộ theo Ðề án số 08-ÐA/TU và Quy chế tuyển chọn cũng gồm 3 bước như trước nhưng được sắp xếp theo thứ tự: Bước 1: Thi về kiến thức xây dựng Ðảng và quản lý nhà nước; Bước 2: Trình bày chương trình hành động và lấy phiếu tín nhiệm ở nơi công tác và giới thiệu của người đứng đầu cơ quan cần kiện toàn cán bộ; Bước 3: Bảo vệ chương trình hành động tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Kỳ thi viết được tổ chức mỗi năm 1 lần vào đầu năm cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong nguồn quy hoạch các chức danh cán bộ từ cấp trưởng phòng và tương đương trở lên. Kỳ thi viết về kiến thức xây dựng Ðảng và quản lý nhà nước nhằm kiểm tra kiến thức của cán bộ; rèn luyện ý thức học tập cho cán bộ; kết quả thi viết được bảo lưu trong năm và là điều kiện để được tham gia quy trình lấy phiếu tín nhiệm và bảo vệ chương trình hành động để bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vào các vị trí cán bộ khuyết thiếu trong năm. Việc bảo vệ chương trình hành động trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy có đổi mới: Chương trình đầy đủ không quá 6 trang, tóm tắt không quá 2 trang, trình bày không quá 10 phút; trả lời câu hỏi của Ủy viên Ban Thường vụ do người dự tuyển bốc thăm (bốc thăm người hỏi; đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ được bốc thăm đặt câu hỏi; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ khác có quyền hỏi bổ sung). Cơ cấu tính điểm của bước lấy phiếu tín nhiệm và giới thiệu của người đứng đầu cơ quan cần kiện toàn cán bộ cũng được điều chỉnh. Hội nghị cán bộ 50 điểm – tương đương 50%; hội nghị cấp ủy và tập thể lãnh đạo 35 điểm – tương đương 35%; giới thiệu của người đứng đầu 15 điểm – tương đương 15%. Kết quả thi viết kiến thức xây dựng Ðảng và quản lý nhà nước của tất cả cán bộ dự thi đều được công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình và thông báo đến cơ quan, đơn vị công tác, mọi cán bộ và nhân dân đều biết. Những trường hợp kết quả điểm thi dưới trung bình, yêu cầu cấp ủy, cơ quan có biện pháp kiểm điểm, phê bình. Kết quả bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyển chọn cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo ban hành Ðề án thi tuyển lãnh đạo, quản lý các trường học năm 2013; thực hiện thí điểm thi tuyển ở một số huyện, thành phố; năm 2014 chỉ đạo thực hiện ở tất cả các trường học trong tỉnh. Cũng trong năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh ban hành quy chế tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trưởng phòng, do vậy kỳ thi viết đầu năm 2014 có cả các cán bộ trong nguồn quy hoạch trưởng phòng dự thi.

 

Việc tuyển chọn cán bộ theo Ðề án số 08-ÐA/TU và Quy chế tuyển chọn cán bộ hiện nay của tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ, được dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, quy trình tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay có thể vẫn còn những điểm phát sinh, bất cập, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh. Song có thể khẳng định, việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh đã khắc phục cơ bản những khuyết điểm, hạn chế trong công tác cán bộ và đang đi đúng theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, cạnh tranh bình đẳng nhằm lựa chọn những cán bộ có đủ “tài” và “đức” để phục vụ nhân dân.

Đào Quyên

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày