Thứ 4, 21/05/2025, 01:05[GMT+7]

ĐCS Việt Nam lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, góp phần bổ sung sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lenin trong thời đại mới

Thứ 6, 29/10/2010 | 08:05:54
2,966 lượt xem
Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, chính là mục tiêu, tầm nhìn và khát vọng của toàn Đảng, toàn dân tộc Việt Nam. Đó là nội dung đích thực chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thế kỷ 21.

Công tác tổ chức và cán bộ hiện nay cần có “liều thuốc mạnh”, một đột phát mang tính quyết định để giải quyết những tồn tại, yếu kém trong công tác tổ chức và cán bộ. Ảnh: Ngọc Trâm

Để mục tiêu, khát vọng sớm trở thành sự thật, cương lĩnh cần khẳng định: xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam phấn đấu xây dựng là xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và lấy phát triển và lợi ích của con người Việt Nam làm trung tâm, lấy lợi ích dân tộc là tối cao, lấy độc lập, toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng.

Mục tiêu, khát vọng đó là bất biến, là kim chỉ nam để xem xét, quy chiếu trong mọi tình huống, bất kể chính sách, chủ trương, biện pháp nào, cá nhân dù ở cương vị nào... làm chậm hoặc cản trở quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội với nội dung nói trên đều phải được điều chỉnh kịp thời, tức là điều chỉnh phương tiện để đạt tầm nhìn, mục đích chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thế kỷ 21 như Bác Hồ hằng mong muốn “Mong muốn cuối cùng của tôi là toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh (Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Trong dự thảo cương lĩnh viết: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng” “Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta”. Chúng ta là người Việt Nam, xây dựng đất nước Việt Nam phải lấy tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng, vì chính tư tưởng Hồ Chí Minh đã góp phần sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại mới.

Vậy, mệnh đề trên cần được đổi lại “Đảng CSVN lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, góp phần bổ sung, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại mới”, Bác Hồ đã dạy: “Chủ nghĩa Mác-Lênin là dựa trên nền tảng công nghiệp hoá đưa vào Châu á, phải dùng xã hội học và văn hoá Châu á để áp dụng cho thích hợp”. (Hồ Chí Minh - toàn tập).

Thế kỷ 21, kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức - xã hội tri thức, là xu thế của thời đại. Trong đó, khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là lực lượng quyết định sự phát triển của xã hội. Từ Đại hội IV, Đảng ta đã xác định: Khoa học công nghệ cùng với giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước, trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt, đóng vai trò quyết định...

Nhưng trong dự thảo 3 văn kiện đều không bắt kịp hơi thở của thời đại, của đời sống nên nêu rất sơ sài về xây dựng nền kinh tế tri thức ở Việt Nam, giải pháp không rõ, thiếu cơ sở khoa học, cơ sở lý luận, căn cứ cụ thể (chúng tôi có cảm giác chỉ nêu cho đủ đề mục)...

Muốn có nền kinh tế tri thức thì trước tiên chúng ta phải hiểu kinh tế tri thức là gì... từ đó mới có chiến lược xây dựng nền kinh tế tri thức cụ thể, chúng ta phải bắt đầu từ nhận thức và tư duy. Một loạt vấn đề đặt ra, là cơ sở vật chất để xây dựng nền kinh tế tri thức, đó là quốc sách về giáo dục quốc gia như thế nào (hiện nay giáo dục Việt Nam đang rối như canh hẹ, chưa có lối thoát, càng cải cách càng rối...)?

Chính sách đào tạo con người, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như thế nào? Chính sách trọng dụng đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực công nghệ cao như thế nào? Tỷ lệ chất xám kết tinh trong mỗi sản phẩm xã hội là bao nhiêu?. Nguồn lực quyết định để xây dựng nền kinh tế - xã hội tri thức thành công là đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực công nghệ cao.

Trong 25 năm đổi mới, chúng ta đã tập trung phát triển kinh tế theo chiều rộng, khai thác tài nguyên, khoáng sản, khai thác sức lao động là chủ yếu. Trong giai đoạn tới chúng ta phải tập trung phát triển theo chiều sâu, khai thác tiềm năng trí tuệ, khai thác chất xám, khai thác năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức, khoa học và công nghệ là chính.

Nhưng trong các văn kiện, vai trò của đội ngũ trí thức đã không được đề cập đúng mức, không có giải pháp để phát triển kinh tế theo chiều sâu và phương hướng xây dựng nền kinh tế tri thức như thế nào, các chính sách đối với đội ngũ trí thức...?

Công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ có vai trò quyết định tới sự vong hưng của đất nước. Con người là yếu tố quyết định, dân chủ là động lực để thúc đẩy xã hội phát triển. Người dân và đảng viên cần sự dân chủ, minh bạch thực sự trong sinh hoạt và đời sống.

Thực tế hiện nay, hiện tượng dân chủ hình thức trong Đảng, bộ máy Nhà nước và toàn xã hội ngày càng có xu hướng phát triển (bệnh dân chủ hình thức ngày càng nặng nề). Nhưng trong dự thảo văn kiện nêu chưa đủ mạnh, chưa thấy hết nguy cơ tiềm ẩn từ các hiện tượng vi phạm dân chủ ở các cấp, các ngành hiện nay, từ đó dẫn tới suy giảm niềm tin của người dân với một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm xói mòn niềm tin của dân với Đảng.

Tham nhũng đang là vấn nạn, là nguy cơ hiện nay nhưng các vụ tham nhũng được phát hiện, chủ yếu là báo chí và người dân, các tổ chức đảng từ cơ sở đến cấp trên không phát hiện được. Vì sao? Đó là do dân chủ trong Đảng đã bị vi phạm, cấp uỷ cơ sở bị vô hiệu hoá, cán bộ đảng viên không dám tố giác cán bộ lãnh đạo cấp trên tham nhũng với các tổ chức đảng các cấp.

Nhưng trong các dự thảo văn kiện chúng tôi thấy chỉ nêu lên và nhìn thấy màu hồng là chủ yếu (dành nhiều cho thành tích), còn hạn chế, yếu kém của nội tại tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước, nội tại nền kinh tế... chưa được thẳng thắn nhìn nhận khách quan và đề cập nghiêm túc.

Công tác tổ chức và cán bộ hiện nay cần có “liều thuốc mạnh”, một đột phát mang tính quyết định để giải quyết những tồn tại, yếu kém trong công tác tổ chức và cán bộ.

Cần nhanh chóng tập trung xây dựng chiến lược phát triển con người, chiến lược cán bộ cụ thể trong giai đoạn mới, đưa nhiệm vụ chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng số 1 hiện nay của toàn Đảng, toàn dân. Nếu không chống được tham nhũng thì các mục tiêu Đại hội XI đề ra rất khó thực hiện thành công.

Bên cạnh đó, để có sức hút và sát với thực tiễn, văn kiện dự thảo cũng cần làm rõ và minh bạch các khái niệm, như: nội hàm của định hướng XHCN, nội hàm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, nội hàm nền tảng của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, nội hàm kinh tế nhà nước là nền tảng, nội hàm kinh tế tư nhân là động lực, nội hàm của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN... là gì?

TS: Trần Duy Khanh

( Chủ tịch liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Thái Bình )

 

  • Từ khóa