Chủ nhật, 28/07/2024, 15:16[GMT+7]

Góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình đại hội XI của Đảng Cân nhắc tính khả thi khi đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể

Thứ 6, 05/11/2010 | 08:02:07
2,336 lượt xem
Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 được đăng trên Báo Nhân dân số 20102 ngày 15/09/2010 để lấy ý kiến góp ý của toàn dân có nhiều sửa đổi, bổ sung so với dự thảo chiến lược đưa ra lấy ý kiến tại đại hội đảng cấp cơ sở. Tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Trong điều kiện trình độ công nghệ, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, bối cảnh quốc tế đang thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường thì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7-8%/năm là cao nhưng cũng cần đặt ra để phấn đấu. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của nhà máy VIGLACERA Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

1. Về mục tiêu chiến lược và khâu đột phá.

 

Mục tiêu “Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7-8%/năm. GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010”. Trong điều kiện trình độ công nghệ, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, bối cảnh quốc tế đang thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường thì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7-8%/năm là cao nhưng cũng cần đặt ra để phấn đấu. Nếu tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm thì GDP 2020 theo giá so sánh bằng 1,97 lần 2010; nếu tăng trưởng bình quân 8%/năm thì GDP 2020 bằng 2,16 lần 2010. Do đó phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7-8%/năm thì GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,0 lần so với năm 2010.

 

Mục tiêu số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50% là quá cao và thiếu cơ sở. Bởi vì, một xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới phải đảm bảo 19 tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn và phải giải quyết trong thời gian khá dài mới thực hiện được. Nhiều tiêu chí hiện nay còn thấp, chẳng hạn đến cuối năm 2008, cả nước chỉ có 15,6% hộ dân nông thôn được dùng nước sạch. Để đạt được tiêu chí 85% hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia thì mỗi xã phải có sự đầu tư lớn. Cả nước hiện nay có gần 10.000 xã. Mục tiêu đến năm 2020, có gần 5.000 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới phải đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng - một khoản tiền không nhỏ.

 

Mục tiêu “Thu nhập thực tế của dân cư gấp khoảng 3,5 lần so với năm 2010” không có cơ sở và thiếu tính thuyết phục. Nếu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7-8%/năm, đến năm 2020 GDP tính theo giá so sánh chỉ bằng khoảng 2,0 lần so với năm 2010, mà thu nhập thực tế của dân cư lại gấp tới 3,5 lần. Đó là điều không thể có. Mặt khác, tính thu nhập thực tế là tính theo thu nhập mà người dân thực sự nhận được dưới dạng giá trị sử dụng, chứ không phải thu nhập bằng tiền của dân cư.

 

2. Về các bước đột phá.

 

Bước đột phá thứ 2, Dự thảo nêu: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân”. Ở đây có 3 vấn đề cần thảo luận: Phát triển nhanh nguồn nhân lực là tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Việc tăng số lượng lao động phụ thuộc vào tốc độ tăng dân số 10-15 năm trước đó. Tốc độ tăng dân số trong 10 năm qua ở nước ta khoảng 1,1%/năm, do đó tốc độ tăng số lượng lao động 10 năm tới vào khoảng 1%/năm. Một trong những điểm nghẽn cản trở sự phát triển là chất lượng nguồn nhân lực thấp, vì vậy phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc chất lượng giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa thể thao... trong đó chất lượng giáo dục và đào tạo giữ vai trò quan trọng nhất.

 

Do đó, chỉ đổi mới toàn diện giáo dục chưa thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phải đi đôi với khai thác, sử dụng, phát huy năng lực của họ. Vì vậy, khâu đột phá thứ 2 nên viết lại như sau: “Phát triển và phát huy nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung vào việc đổi mới công tác tổ chức, cán bộ; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

 

Khâu đột phá thứ 3: Nên bỏ cụm từ “tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn” vì: Hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn không là khâu đột phá cho sự phát triển của cả nước; người dân ở các tỉnh sẽ cho rằng Nhà nước chỉ ưu tiên cho các thành phố lớn và như vậy dòng người di cư đến các thành phố lớn sẽ tăng nhanh.

 

3. Về định hướng phát triển, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.

 

a. Về tạo lập đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thị trường, Dự thảo chưa nêu rõ định hướng phát triển thị trường lao động và thị trường khoa học và công nghệ.

Cần bổ sung thêm “xóa bỏ độc quyền trong sản xuất, phân phối điện năng”.

 

b. Một trong những vấn đề quan trọng của phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững là quy hoạch vùng sản xuất nông sản hàng hóa. Làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất nông sản, hàng hóa, gắn sản xuất nông sản với chế biến và tiêu thụ thì mới nâng cao được hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 không thấy nêu vấn đề này. Đề nghị bổ sung thêm “Làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất nông sản hàng hóa, gắn sản xuất nông sản với chế biến và tiêu thụ”.

 

c. Vừa qua, Đề án đường sắt cao tốc Bắc - Namon> đã có rất nhiều ý kiến của người dân, của các nhà khoa học chưa đồng tình và Quốc hội đã không thông qua. Vì vậy, đưa đường sắt cao tốc Bắc Namon> vào định hướng phát triển kết cấu hạ tầng sẽ không nhận được sự đồng thuận của xã hội.

 

4. Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bảo đảm thực hiện thắng lợi chiến lược.

 

a. Về thực hiện tốt chức năng của Nhà nước:

Để bảo vệ người tiêu dùng không chỉ kiểm soát độc quyền mà còn kiểm soát chất lượng hàng hóa, dịch vụ, xóa bỏ độc quyền trong sản xuất, cung ứng điện năng.

Một trong số các chức năng cơ bản của quản lý nhà nước là điều tiết nền kinh tế. Trong dự thảo chưa thấy nêu các giải pháp thực hiện chức năng này.

 

b. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là vấn đề sống còn của chế độ, thể hiện năng lực và uy tín của Đảng trong cuộc chiến này. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí tạo cơ chế giám sát của nhân dân; quy trách nhiệm cụ thể rõ ràng của cán bộ chủ chốt ở địa phương, đơn vị để xảy ra tham nhũng, lãng phí nơi mình phụ trách, quản lý; bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

 

c. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước là cần thiết. Trong Dự thảo cần nêu rõ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước đảm bảo bộ máy Nhà nước đủ năng lực để thực hiện chức năng và nhiệm vụ do pháp luật quy định.

TS. Nhâm Gia Quân

Phó GĐ trường Chính trị Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày