Thứ 2, 19/05/2025, 02:19[GMT+7]

Phần xây dựng Đảng cần bổ sung để chặt chẽ và lôgic hơn

Thứ 2, 15/11/2010 | 07:37:03
1,909 lượt xem
Là một trưởng khoa, giảng dạy môn xây dựng Đảng tại Trường Chính trị Thái Bình, tôi xin tham gia ý kiến vào các văn kiện về phần xây dựng Đảng như sau:

Thảo luận đóng góp ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng . Ảnh: Ngọc Linh

Về công tác xây dựng Đảng trong cương lĩnh xây dựng đất nước:

Ở phần IV – Hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng: điểm 12 nói về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

+ Sau khổ đầu: “Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời..., lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”. Cần thêm: “Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản”.

Thêm như vậy sẽ hoàn toàn phù hợp với nội dung của cương lĩnh xây dựng đất nước là chỉ rõ về xác định mục tiêu, nhiệm vụ, lực lượng và phương pháp xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Ở khổ 5 – Sau cụm từ: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cần thêm: “Đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật”; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo. Giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng...

Thêm như vậy để thấy rõ nguyên tắc hoạt động của Đảng và để thấy rõ vị trí vai trò cầm quyền của Đảng là: Đảng là lãnh đạo chính quyền nhà nước xây dựng hiến pháp, pháp luật; nhưng với tư cách là một bộ phận của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, Đảng cũng phải hoạt động theo đúng hiến pháp và pháp luật, Đảng không đứng trên, nằm ngoài hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa.

Phần nói về công tác xây dựng Đảng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020:

- Về cơ bản hoàn toàn nhất trí với các nội dung đã nêu trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020; nếu có thể tôi xin tham gia thêm một số ý sau để làm cho nội dung của chiến lược chặt chẽ và cụ thể hơn.

ý kiến 1: Trong 4 bài học rút ra qua thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm qua (2001-2010) ở bài học thứ 4 cần thêm:

“Đảm bảo gắn bó chặt chẽ hiệu quả giữa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của nhà nước nhằm phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân”; thêm như vậy mới thấy rõ cơ chế vận hành trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta 10 năm qua và là một trong nội dung quan trọng nhất của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nước ta 10 năm tới 2011-2020.

ý kiến 2: Trong phần 4 “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước” của phần V: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đảm bảo thực hiện thắng lợi chiến lược”, xin bổ sung một số ý kiến như sau:

1. Trong điều kiện Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền và có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, phương thức lãnh đạo của Đảng phải chủ yếu bằng nhà nước và thông qua nhà nước” nên thay như sau:...chủ yếu thông qua nhà nước và bằng nhà nước”, thay như vậy sẽ khẳng định:

+ Chính quyền nhà nước là lực lượng duy nhất quyết định đến việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.

+ Chính quyền nhà nước, trước hết là Quốc hội phải căn cứ vào cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chính sách lớn của Đảng; nắm chắc tình hình đất nước, tình hình thế giới; tôn trọng các quy luật khách quan của tự nhiên và xã hội; tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của đại cử tri trong cả nước để xây dựng, hoàn chỉnh, bổ sung, sửa đổi ban hành đồng bộ các bộ luật, luật một cách đứng đắn, chặt chẽ để Chính phủ, các thành viên Chính phủ cụ thể hóa thành các văn bản hướng dẫn và tổ chức, chỉ đạo cho các địa phương và nhân dân thực hiện đúng theo cương lĩnh, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội mà Đại hội Đảng toàn quốc đã thông qua.

2. Ở khổ 3 phần 4 nhỏ này trước đoạn: “Tổng kết việc thực hiện thí điểm Đại hội Đảng các cấp bầu bí thư cấp ủy...”

Cần thêm như sau: Để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội năm 2011-2020 phải đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng một nền hành chính xã hội chủ nghĩa ở nước ta ổn định từng bước theo hướng hiện đại, phải tổng kết việc thực hiện thí điểm đại hội Đảng các cấp bầu bí thư cấp ủy, nhân dân trực tiếp bầu người đứng đầu chính quyền cấp xã...

+ Thêm như vậy để khẳng định chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 ở nước ta muốn thực hiện được đòi hỏi phải có một nền hành chính ổn định, tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, đủ sức điều hành, quản lý kinh tế – xã hội mà chiến lược đã đề ra, để đạt được điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào vai trò lãnh đạo của một đảng duy nhất cầm quyền.

+ Thêm như vậy mới có đủ sức để khắc phục được hai khuynh hướng hiện nay và cả những năm sau này của chính quyền nhà nước ta đó là: Tất cả ỷ lại, trông chờ vào sự lãnh đạo của Đảng hay thoát ly, coi thường vai trò lãnh đạo của Đảng: bộ máy hành chính (lực lượng gián tiếp) cồng kềnh, đồ sộ; chức năng, quyền hạn thì chồng chéo, quy trình, cách thức làm việc quản lý thì nhiêu khê, nhiều cấp làm kìm hãm sự phát triển của các nguồn lực kinh tế – xã hội.

Thạc sĩ: Nguyễn Văn Tý

(Trưởng khoa Xây dựng Đảng – Lịch sử Đảng- Trường Chính trị tỉnh Thái Bình)

 

  • Từ khóa