Thứ 4, 24/04/2024, 14:46[GMT+7]

Người cộng sản được suy tôn là Thành hoàng làng

Thứ 2, 02/02/2015 | 09:33:59
3,855 lượt xem
Những ngày tháng Chạp năm Giáp Ngọ, chúng tôi có dịp về thôn Thúy Lạc, xã Nam Phú (Tiền Hải) nghe câu chuyện các vị “tiên công” của làng đi mở đất. Câu chuyện được truyền đến 3 đời nhưng vẫn được người dân nơi đây nhớ rành mạch, rõ ràng.

Đình làng Thúy Lạc - nơi thờ phụng Thành hoàng làng Nguyễn Tạo.

 

Ông Nguyễn Văn Kỉnh, Trưởng Ban khánh tiết đình làng Thúy Lạc kể lại: Khoảng đầu năm 1933, dân hai làng Thúy Bông và An Lạc (xã Tân Mỹ, huyện Hưng Nhân) gặp bão lớn gây lũ lụt, nhiều nhà cửa bị cuốn trôi, dân làng đối mặt với nguy cơ chết đói. Có một người tên Nguyễn Tạo, nói giọng miền Trung đã vận động bà con đến vùng đất bãi ven cửa sông Ba Lạt, huyện Tiền Hải để lập làng mới. Dân làng đã cử 5 lão nông khỏe mạnh có uy tín cùng Nguyễn Tạo đi tiên phong xuống Tiền Hải xem xét việc khai hoang. Năm vị “tiên công” là Trần Tiến Địch, Trần Xuân Sinh, Trần Nguyên Tín, Trần Bá Thọ, Phạm Thế Ri phát hiện đây là vùng đất màu mỡ, có bãi triều nhiều tôm, cá, có rừng ngập mặn lắm chim trời nên quyết định ở lại. Nguyễn Tạo đã xin chính quyền cấp 6 tháng lương thực và dụng cụ cho người dân di cư lập ấp mới và cả tiền bạc xây dựng đình làng. Ông chọn gò đất cao làm đình và đặt tên làng là Thúy Lạc (tên ghép hai làng Thúy Bông và An Lạc). Ông còn hướng dẫn cho dân làng thiết kế đường đi lại ngang dọc theo ô bàn cờ. Sau đó ông từ biệt dân làng ra đi với lời dặn “tìm người yêu nước thương dân rước vào đình để thờ”. Năm 1939, đình làng Thúy Lạc rước thờ thân vương họ Trần có công đánh giặc là Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Năm 2009, dân làng đóng góp 370 triệu đồng và 1.200 ngày công xây dựng lại đình làng Thúy Lạc khang trang, đồng thời họp bàn và quyết tâm đi tìm tung tích ân nhân. Đầu năm 2010, Ban khánh tiết của đình làng lên Hà Nội tìm kiếm thông tin. Cơ duyên đến với dân làng, tiến sĩ Cao Vinh Hải, cố vấn môi trường và tài nguyên, trong chuyến đi khảo sát vùng Thúy Lạc ở trọ nhà ông Kỉnh nên nghe được chuyện dân làng đang đi tìm vị ân nhân Nguyễn Tạo. Ông Hải cho dân làng biết ông Nguyễn Tạo là vị lão thành cách mạng đã mất năm 1994, hiện mai táng tại nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội). Từ ngôi mộ tại nghĩa trang Mai Dịch, dân làng lần tìm được gia đình ông Nguyễn Tạo tại số 125, phố Lò Đúc (Hà Nội). Sau nhiều lần đi lại, được sự đồng ý của gia đình và chính quyền xã Nam Phú, ngày 12/7/2011 (âm lịch) dân làng đã long trọng tổ chức lễ đón rước chân linh cụ Nguyễn Tạo về thờ tại đình làng thôn Thúy Lạc, tôn vinh là Đức bản cảnh thành hoàng làng. Hôm ấy, cả làng Thúy Lạc mở hội, vui như tết và chẳng ai quên được bài kèn hòa tấu “Vì nhân dân quên mình”.

 

Theo các tư liệu hiện còn lưu giữ, sống trong một gia đình có truyền thống nho học và giàu lòng yêu nước thương dân, năm 1923, khi vừa tròn 18 tuổi, ông đã thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng. Buổi đầu, Nguyễn Tạo tham gia vào tổ chức Phục Việt (năm 1925 - 1926, chuyển hóa thành Tân Việt cách mạng Đảng) cùng các thanh niên trí thức yêu nước như Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai... Đến năm 1929, những đảng viên Tân Việt cách mạng Đảng đã thống nhất thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Năm 1930, khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên trẻ Nguyễn Tạo đã đem hết sức mình phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, Nguyễn Tạo đã xây dựng, củng cố các tổ chức cơ sở của Đảng ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa... Sau Cách mạng tháng Tám, ông từng được giao rất nhiều trọng trách: Phó Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ (1946 - 1947), Trưởng ty Điệp báo thuộc Nha Công an Trung ương (1947 - 1950), Trưởng ty Công an Hà Nội (1950 - 1951), Cục trưởng Cục Chấp pháp đầu tiên của Bộ Công an (1953 - 1957), Thứ trưởng Bộ Nông Lâm (1958 - 1961), Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (1961 - 1971), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp Trung ương (1971 - 1975). Năm 1975, ông nghỉ hưu và đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất.

 

“Đất lành chim đậu”, từ 40 hộ dân ban đầu, ngày nay, thôn Thúy Lạc có tới 365 hộ từ “hạt giống đỏ” đầu tiên và duy nhất Nguyễn Tạo, nay Thúy Lạc đã có một chi bộ nhiều năm trong sạch vững mạnh với 32 đảng viên. Trong xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã đóng góp 2.400 ngày công, gần 194 triệu đồng và hiến 1.035m2 đất. Trên mảnh đất năm xưa người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Tạo từng góp công gây dựng đang dần hiện hữu dáng vóc nông thôn mới: 85% số ngôi nhà trong làng là nhà mái bằng; các công trình điện, đường, trường, trạm đủ tiêu chuẩn... Ông Nguyễn Văn Kỉnh tâm sự, dân làng rất mong các ngành chức năng xem xét, sớm công nhận đình làng Thúy Lạc là di tích lịch sử văn hóa để mỗi người dân khi qua đây tự nhắc nhủ bản thân tiếp tục góp công, góp của xây dựng quê hương, xứng đáng với ước nguyện của Thành hoàng làng Nguyễn Tạo - người cộng sản hộ quốc, an dân.

 

Phan Lợi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày