Thứ 2, 19/05/2025, 23:36[GMT+7]

Trình Phố Xưa và nay

Thứ 3, 03/02/2015 | 14:57:57
964 lượt xem
Những ngày đầu năm 2015, chúng tôi về xã An Ninh, huyện Tiền Hải (mảnh đất Trình Phố, huyện Kiến Xương trước đây) - nơi thành lập một trong hai Chi bộ Thanh niên đầu tiên ở Thái Bình. Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, những năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân An Ninh luôn đoàn kết một lòng thi đua phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đạt được những thành tựu nổi bật.

Nhà lưu niệm đồng chí Vũ Trọng- người thành lập Chi bộ Thanh niên tại Trình Phố.

 

Ngược dòng lịch sử 88 năm về trước, năm 1927, sau khi hoàn thành khóa huấn luyện chính trị do Tổng bộ Thanh niên tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí Vũ Trọng về nước thành lập Chi bộ Thanh niên tại Trình Phố gồm 7 người. Ngay sau khi thành lập, Chi bộ Trình Phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cách mạng ở 3 thôn Trình Trung, Trình Nhất, Trình Nhì và các làng xã khác trong vùng. Từ 7 hội viên ban đầu, đến năm 1928 có 27 hội viên và tăng lên 84 hội viên năm 1929. Sự phát triển của tổ chức Thanh niên từ trung tâm Trình Phố nhanh chóng lan tỏa đến nhiều làng xã trong huyện và đẩy mạnh tuyên truyền, tập hợp quần chúng nổi dậy đấu tranh đòi xóa bỏ các tục lệ lạc hậu, chống sưu dịch nặng nề, chia lại ruộng đất. Ðặc biệt, tháng 4/1930, tại Trình Phố đã nổ ra cuộc đấu tranh lớn của 500 nông dân 3 làng Trình Nhất, Trình Nhì, Trình Trung kéo dài suốt 24 giờ với chánh Bân đòi vay thóc. Dù bị lính của tỉnh, phủ kéo về đàn áp, nông dân không vay được thóc nhưng cuộc đấu tranh đã thu được thắng lợi về mặt chính trị, giác ngộ tinh thần đoàn kết đấu tranh cách mạng của nhân dân. Từ “hạt giống” cách mạng đầu tiên được gieo mầm trên đất này, những năm sau đó, người dân Trình Phố nguyện một lòng đi theo Ðảng, tích cực đấu tranh cùng với nhân dân cả nước làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, 2.000 người con của quê hương đã lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trong đó 261 người đã hy sinh tại các chiến trường, 64 người là thương binh, bệnh binh. Toàn xã có 34 Bà mẹ Việt Namon> anh hùng, trên 80 lão thành cách mạng. Năm 2000, An Ninh vinh dự được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

 

Ðồng chí Bùi Văn Huệ, Bí thư Ðảng ủy xã cho biết: Luôn tự hào với truyền thống cách mạng vẻ vang của lớp người đi trước, những năm qua, An Ninh đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Ðảng và giữ gìn mối đoàn kết, thống nhất trong Ðảng. Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Ðảng; quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ từ xã đến thôn hợp lý, bảo đảm phát huy năng lực, sở trường của từng người. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, uốn nắn kịp thời những hạn chế, khuyết điểm của cán bộ, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm góp phần xây dựng Ðảng bộ, chính quyền trong sạch vững mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong phát triển kinh tế, Ðảng bộ xã đã lãnh đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề, phát triển thương mại, dịch vụ tạo thế đi lên vững chắc. Ðến nay, 365ha đất nông nghiệp của An Ninh đã được quy hoạch liền vùng, gọn thửa; trong đó 100ha cấy lúa giống, 50% diện tích trồng cây vụ đông cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, 60% lao động trong xã tham gia làm nghề tiểu thủ công nghiệp và sản xuất tại các doanh nghiệp đem lại thu nhập khá.

 

Năm 2009, An Ninh là 1 trong 8 xã được tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Ðảng ủy xã đã chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể, các thôn công khai mọi cơ chế, chính sách, họp bàn dân chủ lấy ý kiến đóng góp của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo khí thế thi đua sôi nổi. Kết quả, hết năm 2013, toàn xã đã làm mới gần 24km đường trục xã, trục thôn, đường nhánh trục thôn; cứng hóa hơn 14,5km đường trục chính nội đồng, 15km kênh mương; đầu tư xây dựng và hoàn thiện 5 nhà văn hóa thôn, một số phòng học, xây lại chợ, hoàn thiện khu xử lý rác thải và nhiều công trình cơ sở hạ tầng theo đúng tiêu chí nông thôn mới. Tổng nguồn vốn An Ninh đã huy động nhân dân đóng góp, con em xa quê ủng hộ, doanh nghiệp tài trợ phục vụ xây dựng nông thôn mới hơn 60 tỷ đồng. Cuối năm 2013, An Ninh đã về đích nông thôn mới đúng lộ trình đặt ra.

 

Không tự mãn với kết quả đã đạt được, thời gian qua, An Ninh tiếp tục củng cố và giữ vững các tiêu chí đã đạt, chỉnh trang khu dân cư theo hướng xanh - sạch - đẹp, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Năm 2014, tổng giá trị sản xuất toàn xã ước đạt 164,4 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 21,6 triệu đồng. Lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; Ðảng bộ, chính quyền xã nhiều năm liền được công nhận trong sạch vững mạnh.              

Phan Lợi 

Ðồng chí Nguyễn Căng (thôn Trình Nhất), 55 năm tuổi Ðảng, nguyên Bí thư Ðảng ủy xã An Ninh

Nhờ ánh sáng soi đường của Ðảng đã giúp cho người dân Việt Namon> từ thân phận nô lệ đứng lên làm chủ cuộc đời mình. Tôi tự hào được sinh ra ở Trình Phố vùng quê cách mạng và càng tự hào hơn khi thấy quê hương đang đổi mới, người dân có cuộc sống ấm no. Tôi mong muốn Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống quê hương anh hùng giữ gìn mối đoàn kết, thống nhất xây dựng An Ninh ngày càng giàu mạnh về mọi mặt.

Ðồng chí Vũ Văn Bách (thôn Trình Nhất Tây), 47 năm tuổi Ðảng, cháu nội đồng chí Vũ Trọng

Phát huy truyền thống quê hương, truyền thống gia đình, bản thân tôi, anh em con cháu trong gia đình những năm qua luôn nỗ lực học tập, lao động, công tác  sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Là một người con của An Ninh, tôi luôn xác định nếu không có Ðảng, không có cách mạng thì không thể có mình. Cả một thời trai trẻ tham gia kháng chiến, giờ mình phải tiếp tục phát triển kinh tế xây dựng đất nước trong thời bình, tiếp thêm lửa cho thế hệ trẻ hiểu về quá khứ hào hùng của cha ông ta  Từ đó, giúp các em, các cháu ra sức phấn đấu xây dựng An Ninh thật sự vững mạnh trong tương lai.

 

  • Từ khóa