Thứ 4, 07/08/2024, 22:18[GMT+7]

Đảng bộ Thăng Long - Đông Hưng Những chặng đường lịch sử vẻ vang

Thứ 4, 08/12/2010 | 13:52:55
2,356 lượt xem
Với bao đời làm nghề trồng lúa nước, người dân nơi đây cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm đã bồi đắp nên những bờ xôi ruộng mật, làm nên những cánh đồng 5 tấn 10 tấn, tạo nên sự trù phú của một vùng quê.

Hội CCB gặp mặt hội viên tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh

Đại hội Đảng các cấp đã thành công rực rỡ. Cả nước hân hoan tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Hòa trong niềm vui chung đó, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Thăng Long (Đông Hưng) vui mừng đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” do Đảng – Nhà nước phong tặng. Đây là niềm vui, niềm tự hào, là nguồn cổ vũ động viên to lớn để cán bộ và nhân dân xã Thăng Long vững bước đi lên trên con đường đổi mới, xây dựng quê hương giàu đẹp.

 

Với bao đời làm nghề trồng lúa nước, người dân nơi đây cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm đã bồi đắp nên những bờ xôi ruộng mật, làm nên những cánh đồng 5 tấn 10 tấn, tạo nên sự trù phú của một vùng quê. Trước Cách mạng Tháng tám năm 1945, Thăng Long gồm: xã Lộ Xá, một phần xã Cổ quán và phố Thần Khê (thuộc Tổng Cổ Quán – Phủ Tiên Hưng).

 

Dưới chế độ thực dân phong kiến, bọn địa chủ, kỳ hào dựa vào thế lực quan trên đã ra sức vơ vét của cải, hà hiếp dân lành. Khi ánh sáng của Đảng và chủ nghĩa Mác – Lênin được truyền bá đến thì phong trào cách mạng của nhân dân xã Thăng Long đã phát triển nhanh chóng; cuối năm 1927 cơ sở Cách mạng bắt đầu được xây dựng, đến tháng 6 năm 1929 chi bộ Cộng sản Thần – Duyên được thành lập; đầu năm 1930 chi bộ Thần – Duyên đã phát triển thành Liên chi bộ Thần – Duyên với 6 chi hội trực thuộc.

 

Ngay sau khi thành lập dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và Tỉnh ủy Thái Bình, liên chi bộ Thần – Duyên đã lãnh đạo, tổ chức cắm cờ đỏ búa liềm ở các phủ: Hưng Nhân, Duyên Hà, Tiên Hưng vào đêm 30/4/1930. Tiếp đó, ngày 1/5/1930 tổ chức cuộc biểu tình của nông dân hai huyện Tiên Hưng và Duyên Hà tập kết tại chợ Khô xã Hoa Lư rồi kéo về thị xã Thái Bình đấu tranh đòi giảm sưu, giảm thuế, đòi dân chủ, dân sinh.

 

Thăng Long là nơi sớm có tổ chức mặt trận Việt Minh; ngay từ tháng 7/1945 mặt trận Việt Minh đã tổ chức mít tinh ở chợ Phủ, chợ Giắng để tuyên truyền chủ trương của mặt trận; vận động lính khố xanh giao nộp vũ khí; huy động nhân dân địa phương phối hợp với lực lượng vũ trang từ Quỳnh Côi và Chí Hòa sang chiếm phủ đường, cướp chính quyền ở phủ Tiên Hưng tối ngày 19/8/1945.

 

Ngay sau khi khởi nghĩa giành chính quyền, chi bộ Đảng đã nhanh chóng lãnh đạo nhân dân thành lập đội tự vệ, lập đội thanh niên tuyên truyền xung phong; lãnh đạo nhân dân tích cực tham gia phong trào “diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nhường cơm xẻ áo, thực hiện “tuần lễ vàng”, “hũ gạo tiết kiệm”... tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng.

 

Nhân dân trong xã đã ủng hộ hàng chục bông tai, nhẫn vàng các loại. Thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, chi bộ Đảng đã lãnh đạo nhân dân dỡ bỏ phố phủ, trường học, phá đường 39A, đào đắp các ụ đất cản đường xe pháo của địch. Để chuẩn bị kháng chiến, nhân dân Thăng Long đã sử dụng gần 3 vạn cây tre rào làng ở thôn An Liêm, Lộ Vị, Thần Khê; đào đắp 10.000m tường, hào và hàng trăm hầm hố cá nhân, ụ tác chiến các loại.

 

Xã đã xây dựng được hai trung đội du kích tập trung gồm 60 người, trang bị 15 súng trường, 1 tiểu liên, 60 quả mình, 150 lựu đạn và nhiều giáo mác các loại. Ngoài ra mỗi thôn còn có lực lượng dân quân tại chỗ từ 20 đến 30 người. Lực lượng vũ trang xã Thăng Long được huyện đội Tiên Hưng giúp đỡ, huấn luyện diễn tập tác chiến. Họ cử người sang học tập du kích Mỹ Lộc (Namon> Định), du kích An Lão (Kiến An), du kích Tiên Lữ (Hưng Yên) cách bao vây đồn bốt, đánh phục kích, độn thổ, gỡ mìn, đặt chông, gọi loa địch vận... Nhân dân Thăng Long đã chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng chiến đấu khi giặc Pháp đổ bộ tái chiếm đóng Thái Bình.

 

Ngày 08/2/1950, giặc Pháp đánh Thái Bình, địch đóng bốt Đình Thượng lần thứ nhất. Lực lượng du kích Thăng Long phối hợp với bộ đội huyện Tiên Hưng liên tục bao vây, bắn tỉa. Vừa thiếu lương thực, thực phẩm lại vừa thương vong nhiều nên chúng phải rút bỏ không chiếm đóng nữa. Sau trận càn “Trái quýt” tháng 10/1951, địch đã đóng một loạt đồn bốt dọc tuyến đường 39A.

 

 Xã Thăng Long có 2 bốt ở hai đầu là Bốt Đình Thượng và Kim Bôi. Bốt Đình Thượng với vai trò là Phân khu chỉ huy, nên chúng trang bị rất hiện đại: gồm một Tiểu đoàn lính Âu Phi, 4 khẩu pháo 105 li, hàng chục súng cối và các loại vũ khí, phương tiện quân sự khác.

 

Do vậy, trên địa bàn Thăng Long thường diễn ra những cuộc chuyển quân, tuần tra, lùng sục, càn quét, bắt phu, bắt lính. Địch thường xuyên bắn pháo, phát quang cây cối, đốt phá nhà cửa, đình chùa. Đặc biệt, ngày 18/9/1953 chúng dùng máy bay ném bom, giết hại 149 người ở 2 thôn An Liêm và Cộng Hòa. Trước tình hình cuộc chiến diễn ra ác liệt, chi bộ Đảng, Ủy ban kháng chiến hành chính xã đã bám trụ lãnh đạo nhân dân: kiên quyết không lập tề, nhanh chóng sơ tán các xóm gần bốt địch, động viên nhân dân khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất và sẵn sàng chiến đấu.

 

Giữ vững đường dây giao liên, vận chuyển công văn, đưa đón cán bộ qua đường 39A và sông Tiên Hưng an toàn. Trong hơn 4 năm giặc Pháp chiếm đóng Thái Bình từ 1950 – 1954, nhân dân và du kích xã Thăng Long đã: độc lập tác chiến 30 trận, phối hợp với bộ đội đánh 25 trận, đánh mìn địa lôi 56 trận, phá hủy 14 xe cơ giới, quấy rối đồn bốt 37 lần, tiêu diệt 236 tên địch và làm bị thương nhiều tên khác, thu 80 súng các loại, 204 quả mìn.

 

 Xã có 180 người tình nguyện vào bộ đội, 350 người tham gia du kích và hàng trăm người đi dân công hỏa tuyến, có 28 liệt sỹ, 38 thương bệnh binh và hơn 200 người bị địch ném bom, càn quét giết hại. Tiêu biểu là trận đánh ngày 17/2/1950 tại làng An Liêm. Phương án chống càn được chuẩn bị và tập dượt kỹ. Ngay từ sáng sớm các cổng làng đã được đóng chặt, gài mìn, lựu đạn, các tổ chiến đấu đã phục kích chờ địch.

 

Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, suốt từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Địch tổ chức 3 lần tấn công với nhiều mũi, trước mỗi lần tấn công chúng đều có pháo và súng cối từ bốt Đình Thượng và Kim Bôi bắn yểm trợ, dọn đường. Với tinh thần chiến đấu kiên cường, lực lượng du kích đã đánh bại các đợt tấn công của địch, chúng buộc phải rút bỏ cuộc càn.

 

Trong trận chiến đấu, du kích xã Thăng Long đã giết và làm bị thương 8 tên địch, thu 1 súng trường, 8 lựu đạn mỏ vịt. Là trận độc lập tác chiến đầu tiên với quy mô lớn, lựåc lượng du kích đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí, linh hoạt giành thắng lợi, làm thất bại ý đồ càn quét, cướp bóc của địch, tạo được niềm tin cho nhân dân yên tâm, vừa sản xuất vừa chiến đấu giữ làng. Trận ngày 12/8/1952, lực lượng du kích xã phối hợp với bộ đội chủ lựu Tiểu đoàn Giang Tây đánh bại cuộc càn quét của địch trên địa bàn xã.

 

Ta gài mình phục kích địch ở đường 39, khi chúng càn xuống làng An Liêm, Lộ Vị, Thần Khê, cả 3 làng đều đồng loạt nổ súng tác chiến. Do bị phục kích bất ngờ lại vấp phải sự đánh trả quyết liệt, dữ dội, địch bị thất bại nặng nề; 2 trung đội địch bị tiêu diệt, 24 súng ống các loại bị thu hồi.

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến”, nhân dân Thăng Long luôn “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, đã động viên 650 người lên đường đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu; huy động trên 5000 tấn thóc, 450 tấn lợn hơi cho chiến trường miền Nam; có 89 liệt sĩ (trong đó có 1 gia đình 4 con, 2 gia đình có 2 con và 7 gia đình có con độc nhất là liệt sĩ). Ở hậu phương, đẩy mạnh các phong trào thi đua “Thanh niên 3 sẵn sàng”, “Phụ nữ 3 đảm đang”, “Chắc tay súng, vững tay cày”.

 

Thực hiện cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất, đến năm 1965 đã xây dựng HTX quy mô toàn xã, có 99% số hộ vào làm tập thể; các phong trào “làm bèo hoa dâu, làm phân xanh” được đẩy mạnh; các biện pháp kỹ thuật được ứng dụng, các giống lúa mới được đưa vào gieo cấy đã đưa năng suất lúa của xã đạt 5 tấn/ha ngay từ năm 1965.

 

Khi đế quốc Mỹ leo thang ném bom, bắn phá miền Bắc, Thăng Long đã đón nhận các cơ quan của tỉnh, của huyện sơ tán về làm việc bảo đảm an toàn như: Ty Điện lực, Ty Thương nghiệp, xưởng in Thái Bình, Đài truyền thanh, phòng Tài chính và Tòa án huyện. Tiếp nhận 34 em học sinh K8 về nuôi, giúp đỡ trại thương binh chăm sóc cho trên 400 thương binh miền Nam ra điều dưỡng. Tổ chức Đại hội dân quân, trực gác phòng không bảo vệ các mục tiêu quan trọng trên địa bàn và cứu chữa kho xăng dầu bị địch ném bom phá hoại.

 

Trong thời kỳ đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ Thăng Long luôn coi nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, từng bước chuyển sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh thâm canh đưa năng suất lúa lên 126 tạ/ha/năm, vụ đông chiếm 40-45% diện tích đất canh tác.

 

Ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp – thương mại dịch vụ phát triển mạnh, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 950 lao động; xã không còn hộ đói, hộ nghèo giảm còn 6,7%. Các công trình phúc lợi công cộng được tăng cường, 100% số hộ có nhà xây lợp ngói, nhà mái bằng, nhà cao tầng; các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền được mua sắm; đời sống về vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.

 

Phong trào giáo dục đào tạo phát triển mạnh, xã đạt phổ cập Tiểu học chất lượng cao, phổ cập Trung học cơ sở cho thanh niên, các trường học liên tục đạt trường tiên tiến xuất sắc, trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể được coi trọng. Đảng bộ nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đạt loại tốt (trong đó Hội CCB, Hội Phụ nữ nhiều năm liên tục đạt xuất sắc).

 

Công tác quân sự – quốc phòng địa phương luôn được chú trọng; đăng ký tuổi 17, gọi khám tuyển và giao quân hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên luôn vững vàng về chính trị, tư tưởng sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; các tầng lớp nhân dân trong xã tin tưởng phấn khởi với thành quả của công cuộc đổi mới, đang nỗ lực phấn đấu để đạt được kết quả cao nhất trên các lĩnh vực.

 

Phát huy thành tích và truyền thống vẻ vang của mình, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Thăng Long nguyện đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn quyết tâm xây dựng quê hương thành thị trấn giàu đẹp – văn minh.

Đỗ Xuân Thủy

Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch HĐND xã Thăng Long

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày