Thứ 3, 23/07/2024, 00:25[GMT+7]

Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thái Thụy lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 Khai thác lợi thế tiềm năng từ biển để phát triển kinh tế nhanh và bền vững

Thứ 5, 30/07/2015 | 09:21:16
1,294 lượt xem
Thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV, 5 năm qua, Thái Thụy đã tập trung khai thác tiềm năng từ đất đai để phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp, mở mang nghề và làng nghề, đưa kinh tế của huyện phát triển nhanh và bền vững.

Nhà máy sản xuất Amon Nitrat (Thái Thọ). Ảnh: Minh Đức.

 

Nhìn lại chặng đường 5 năm (2010 - 2015), huyện đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi, động viên cán bộ và nhân dân đoàn kết, chủ động và sáng tạo vượt qua khó khăn thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế và đạt được kết quả quan trọng. Tổng giá trị sản xuất bình quân 5 năm ước tăng 9,16%/năm. Tỷ trọng nông, lâm, thủy sản ước giảm từ 44% năm 2010 xuống còn 37,3% năm 2015; công nghiệp, xây dựng tăng từ 26,2% lên 35,5%; thương mại, dịch vụ giảm từ 29,8% xuống còn 27,2%. Nông nghiệp của Thái Thụy phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 5 năm tăng 4,74%; trong đó, trồng trọt tăng 3,07%/năm; chăn nuôi tăng 4,34%/năm; thủy sản tăng 7,36%/năm. Đến nay, các xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, bình quân số thửa giảm từ 5,7 thửa/hộ xuống còn 1,75 thửa/hộ, tạo điều kiện thuận lợi để tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn. Các vùng sản xuất hàng hóa, vùng chuyển đổi được đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo thuận lợi để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Huyện đã thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa, mùa vụ, cơ cấu cây trồng, từng bước hình thành các vùng  sản xuất hàng hóa tập trung gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Toàn huyện có 28 cánh đồng lớn, diện tích 3.670ha; 95% diện tích đất nông nghiệp được làm đất và thu hoạch bằng máy. Năm 2015, 99,3% diện tích được cấy bằng các giống lúa ngắn ngày, lúa chất lượng cao chiếm 28%. Cùng với duy trì hiệu quả diện tích trồng cây vụ đông truyền thống có giá trị kinh tế cao như: thuốc lào, hành tỏi, dưa bí các loại, các địa phương trong huyện còn chú trọng mở rộng diện tích cây trồng mới như: dưa chuột bò, khoai tây Atlantic, khoai tây ruột vàng, cải bắp, súp lơ, ớt... cho năng suất cao, chất lượng và hiệu quả tăng rõ rệt, góp phần đưa giá trị sản xuất bình quân từ 85 triệu đồng năm 2010 lên 120 triệu đồng/ha năm 2015; năng suất lao động nông nghiệp tăng bình quân 11,4 % /năm.

 

Chăn nuôi của Thái Thụy phát triển theo hướng trang trại quy mô lớn, sản xuất hàng hóa. Toàn huyện có 6 khu chăn nuôi tập trung diện tích 157,79ha và 6 trang trại quy mô lớn từ 1.500 nái và 4.000 lợn thịt/trang trại, góp phần đưa tỷ trọng chăn nuôi chiếm 39,9% giá trị sản xuất nông nghiệp. Để phát huy tiềm năng lớn từ biển, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về chiến lược biển; UBND huyện xây dựng và triển khai Đề án về phát triển kinh tế biển và khu vực ven biển huyện Thái Thụy giai đoạn đến năm 2020. Trên địa bàn huyện đã hình thành 3 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó riêng vùng nuôi ngao diện tích nuôi thả 665,5ha, sản lượng ước đạt 9.000 tấn tập trung ở các xã Thụy Trường, Thái Đô. Thái Thụy đã quy hoạch vùng bãi triều đầu tư nuôi ngao nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 4.085ha, tốc độ tăng bình quân 6,2%/năm. Khai thác thủy sản tăng cả về số lượng phương tiện, công suất và năng lực; giá trị sản xuất bình quân tăng 5,36%. Toàn huyện có 460 phương tiện khai thác xa bờ, tầm trung và gần bờ (tăng 46 phương tiện so với năm 2010), từng bước thay thế tàu công suất nhỏ bằng tàu có công suất 300CV trở lên để khai thác xa bờ, tạo việc làm cho gần 1.600 lao động. Huyện đang tập trung hướng dẫn, tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển thủy sản và đang triển khai thực hiện đóng mới từ 3 - 5 tàu để làm điểm nhân ra diện rộng, giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác, yên tâm bám biển sản xuất. Là huyện có thế mạnh về vận tải biển, Thái Thụy hiện có 150 doanh nghiệp vận tải biển với 300 phương tiện hoạt động các tuyến trong nước và ngoài nước, có 30 tàu vận tải quốc tế, giải quyết việc làm và thu nhập cao cho nhiều lao động.

 

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp và xây dựng của Thái Thụy mặc dù có khó khăn nhưng vẫn duy trì và có bước phát triển. Giá trị sản xuất bình quân 5 năm ước tăng 16,49%/năm. Toàn huyện có 63 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2010. Huyện đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, quy hoạch các cụm công nghiệp: Thái Thọ, Thụy Tân, Mỹ Xuyên. 5 năm qua đã có 49 dự án được tỉnh, huyện cho phép đầu tư, đến nay 23 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, trong đó có các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển công nghiệp của huyện những năm tiếp theo như: Trung tâm điện lực Thái Bình (Mỹ Lộc), Nhà máy sản xuất Amon Nitrat (Thái Thọ), Nhà máy chế biến bột cá (Thụy Tân), Nhà máy sản xuất da giày tại Cụm công nghiệp Mỹ Xuyên, Kho xăng dầu của Công ty Vận tải thủy bộ Hải Hà... Tiểu thủ công nghiệp được duy trì và phát triển, đến nay đã có 5.200 cơ sở, tổ sản xuất, 28 làng nghề, 3 xã nghề thu hút 18.500 lao động có việc làm thường xuyên. Trong làng nghề phát triển nhiều doanh nghiệp như: chế biến hải sản, mây tre đan, móc sợi, cơ khí, làm hương xuất khẩu... Lĩnh vực thương mại, dịch vụ tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì ổn định và từng bước phát triển. Giá trị sản xuất bình quân 5 năm ước tăng 7,41%/năm. Toàn huyện có 300 doanh nghiệp, trên 3.500 hộ kinh doanh cá thể, 42 chợ nông thôn.

 

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2014, Thái Thụy có 16 xã đã về đích; 3 xã Thụy Phúc, Thụy Văn, Thụy An trở thành điểm sáng của tỉnh và là cơ sở để tỉnh điều chỉnh cơ chế, chính sách về xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh. Trong 5 năm, tổng nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới toàn huyện là 1.026.704 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 301.413 triệu đồng. Công tác quản lý tài chính ngân sách, quản lý đất đai, phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai, hoạt động khoa học công nghệ, ngân hàng, khuyến nông, khuyến công, công nghệ thông tin, giáo dục và đào tạo, y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, phát thanh truyền thanh... đạt nhiều kết quả tốt, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

 

5 năm (2015 - 2020), Thái Thụy phấn đấu tổng giá trị sản xuất bình quân tăng 19,45%/năm; trong đó, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,7%/năm; công nghiệp, xây dựng cơ bản tăng 34%/năm; thương mại, dịch vụ tăng 8,53%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2020: nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 17,8%; công nghiệp, xây dựng 65,2%, thương mại, dịch vụ 17%. Cơ cấu lao động tương ứng là: 48% - 29% - 23%. Thu nhập bình quân đến năm 2020 là 49,9 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm 0,5%.

 

Để thực hiện mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thái Thụy sẽ tập trung tái cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh; tạo đột phá trong phát triển kinh tế biển. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp sẽ tổ chức sản xuất theo quy hoạch; khuyến khích tích tụ ruộng đất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tập trung đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo động lực để triển khai có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện biển. Khai thác và huy động tốt các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phấn đấu đưa thị trấn Diêm Điền trở thành đô thị loại IV, đô thị vùng kinh tế động lực phía Đông Bắc tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, phấn đấu đạt huyện nông thôn mới trước năm 2020. Phát triển mạnh công nghiệp ra phía biển theo hướng hiện đại, phấn đấu trở thành vùng trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của sản phẩm, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, sớm hình thành khu kinh tế ven biển. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai và tài nguyên môi trường. Phát triển đa dạng các thành phần kinh tế và thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản và minh bạch cơ chế đầu tư, tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất. Chăm lo đời sống của nhân dân, bảo đảm tốt an sinh xã hội, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

 

Với những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ qua cùng những bài học kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý kinh tế - xã hội và với truyền thống của một vùng quê cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Thái Thụy đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng nền kinh tế của huyện phát triển toàn diện và bền vững, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.

 

Nguyễn Quang Hưng

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện

 

NHỮNG Ý KIẾN TÂM HUYẾT GỬI TỚI ĐẠI HỘI

 

Chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo đột phá cho phát triển kinh tế

 

Đồng chí Lê Sỹ Thiệp, Trưởng phòng Công Thương

 

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thái Thụy phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 37,9%. Đây là chỉ tiêu cao nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được và xây dựng căn cứ vào các điều kiện thực tiễn, đó là 2 dự án trọng điểm: Trung tâm điện lực Thái Bình (Mỹ Lộc) và Nhà máy sản xuất Amon Nitrat (Thái Thọ) hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động sẽ mang lại giá trị sản xuất lớn, tạo đà tăng trưởng kinh tế. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt và triển khai thực hiện các đề án: tái cơ cấu ngành Công Thương; phát triển kinh tế biển, khu vực ven biển đến năm 2020; xây dựng các khu, cụm công nghiệp hướng ra biển, xây dựng hạ tầng vùng ven biển. Cùng với những điều kiện thuận lợi trên, Phòng sẽ tham mưu cho huyện thực hiện quy hoạch chi tiết một số cụm công nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết kịp thời các thủ tục đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp đã quy hoạch. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường kiểm tra, đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất phát triển.

 

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp

 

Đồng chí Phạm Hữu Mừng, Trưởng phòng Nội vụ

 

Thời gian qua, công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện được triển khai thực hiện đồng bộ với 6 lĩnh vực theo chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ, góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế hành chính nhà nước; đơn giản hóa một bước thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần đáng kể phòng, chống tham nhũng, giữ vững ổn định an ninh chính trị của huyện. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với công tác cải cách hành chính, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở xã, thị trấn gắn với công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến cải cách hành chính..., tạo  sự thông thoáng về môi trường đầu tư, tăng cường sự gắn bó giữa cơ quan nhà nước với nhân dân, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

 

Tiếp tục giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn

 

Thượng tá Nguyễn Xuân Chiến, Phó Trưởng Công an huyện

 

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020 thì sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vai trò rất quan trọng. Thời gian tới, Công an huyện sẽ tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong toàn Đảng bộ nắm vững quan điểm: Giữ vững an ninh quốc gia, ổn định về chính trị và trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh trật tự, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ mới. Cùng với đó, Công an huyện tiếp tục chăm lo xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để lực lượng công an xã, bảo vệ dân phố phát huy vai trò nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.

 

Mạnh Cường

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày