Thứ 5, 08/08/2024, 00:20[GMT+7]

Hướng tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX Về miền quê cách mạng Vũ Thắng

Thứ 5, 27/08/2015 | 08:39:11
4,862 lượt xem
Nằm cách trung tâm huyện Kiến Xương 13km, tuy là một xã nhỏ, canh tác thuần nông song ở mỗi giai đoạn lịch sử, mảnh đất và con người Vũ Thắng luôn để lại những dấu ấn đậm nét, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp cách mạng của địa phương và dân tộc. Tiếp nối truyền thống vẻ vang, Vũ Thắng hôm nay đang “thay da đổi thịt” từng ngày.

Một góc khu trung tâm xã Vũ Thắng. Ảnh: Thành Tâm.

 

Miền quê cách mạng ngày ấy

 

Về Vũ Thắng vào những ngày tháng 8 lịch sử, chúng tôi may mắn được gặp gỡ và trò chuyện với cụ Vũ Đình Đích, 88 tuổi, là một trong những chiến sĩ du kích của địa phương thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Qua những câu chuyện cụ kể, hình ảnh miền quê cách mạng ngày ấy được tái hiện lại một cách sinh động: Trước Cách mạng Tháng Tám, giống như các địa phương khác trên cả nước, nhân dân Vũ Thắng phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”, sưu cao thuế nặng, đời sống nhân dân vô cùng cơ cực. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân Vũ Thắng phấn khởi tập trung xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng. Tháng 3/1947, Vũ Thắng có tổ đảng đầu tiên; đến tháng 3/1949, Chi bộ Đảng Vũ Thắng được thành lập đã trực tiếp lãnh đạo địa phương xây dựng lực lượng dân quân du kích, rào làng, đào giao thông hào, hầm bí mật, hầm hố công sự và chuẩn bị cơ sở vật chất để chiến đấu với quân địch bảo vệ quê hương. Trong trí nhớ của cụ Đích, Đội du kích của xã ngày ấy có khoảng 30 người với trang bị rất thô sơ gồm mã tấu, vài cuộn dây và mìn, song mỗi khi giặc đến càn quét, đánh chiếm làng, các thành viên đều phối hợp tích cực với lực lượng bộ đội chủ lực đánh trả quyết liệt, quyết tâm giữ đất, giữ làng. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Vũ Thắng đã phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương đập tan kế hoạch lập tề của địch ở Vũ Thắng, chiến đấu hàng trăm trận, tiêu diệt hàng trăm tên địch, giữ vững khu căn cứ du kích, bảo vệ an toàn cơ quan lãnh đạo của huyện Vũ Tiên và cán bộ địa phương lân cận tham gia kháng chiến. Vừa chiến đấu, Vũ Thắng vừa sản xuất, tiết kiệm, huy động sức người, sức của chi viện cho các chiến trường với 189 thanh niên lên đường nhập ngũ, 235 thanh niên xung phong, 145 tấn lương thực, 105 tấn thực phẩm. Ghi nhận những đóng góp của Đảng bộ và nhân dân Vũ Thắng, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”.

 

Không chỉ anh hùng trong kháng chiến, Vũ Thắng còn anh hùng trên mặt trận sản xuất nông nghiệp. Từ năm 1959 đến năm 1965, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Hợp tác xã Vũ Thắng không ngừng trưởng thành từ bậc thấp lên bậc cao. Những cánh đồng được cải tạo, khoa học kỹ thuật mới được đưa vào áp dụng tạo tiền đề cho việc thâm canh tăng năng suất lúa, đạt 5 tấn/ha năm 1965. Trong chăn nuôi, Vũ Thắng luôn giữ vững và phát triển đàn lợn từ 5.000 - 6.000 con, đàn gia cầm có từ 50.000 - 60.000 con. Trong suốt 10 năm từ 1975 - 1985, Vũ Thắng luôn giữ vững lá cờ đầu về sản xuất nông nghiệp toàn quốc, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” năm 1985.

 

Vũ Thắng hôm nay

 

Tiếp nối truyền thống cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Vũ Thắng hôm nay đang chuyển mình từ một vùng quê nghèo trở thành vùng quê đổi mới với cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường học, trạm y tế, nước sạch, nơi làm việc của chính quyền địa phương được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, khang trang, xóa được đói nghèo; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rất nhiều. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân Vũ Thắng đạt 28,5 triệu đồng/năm, tăng gần gấp 2 lần so với 5 năm trước và cao hơn so với bình quân chung của huyện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng giá trị từ công nghiệp, dịch vụ. Kết cấu hạ tầng nông thôn đang được đầu tư đồng bộ. Toàn bộ hệ thống giao thông nội đồng của xã gồm 13 trục đường vùng rộng 4,5m, 28 trục bờ thửa được đào đắp hoàn chỉnh; 17km kênh mương được nâng cấp đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, xã đã tiếp nhận 2.783 tấn xi măng hỗ trợ của tỉnh để cứng hóa 17km đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng đem lại diện mạo mới cho quê hương. Đồng chí Đinh Ngọc Tuyên, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đạt được kết quả trên là do sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ. Chỉ tính trong làm đường giao thông, cùng với việc hiến hàng nghìn mét vuông đất, tham gia hàng nghìn ngày công lao động, người dân đã đóng góp trên 13 tỷ đồng. Mặc dù đến nay Vũ Thắng mới hoàn thành được 14/19 tiêu chí nông thôn mới song với truyền thống cách mạng vẻ vang cùng sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong xã, sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của địa phương nhất định sẽ sớm thành công.

 

Đào Quyên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày