Thứ 7, 20/04/2024, 16:56[GMT+7]

Từ Đại hội đến Đại hội

Thứ 4, 16/09/2015 | 09:00:49
1,678 lượt xem

Đảng bộ tỉnh Thái Bình ra đời và lãnh đạo phong trào cách mạng:
Đầu năm 1927, 2 chi bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên được thành lập tại Trường Tư thục Minh Thành (nay thuộc Thành phố Thái Bình) và làng Trình Phố (nay thuộc huyện Tiền Hải) đã tích cực tuyên truyền lý luận cách mạng, gây dựng cơ sở, phát triển hội viên. Tháng 3 năm 1928, Đại hội đại biểu Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tỉnh Thái Bình bầu ra Ban Tỉnh bộ “Thanh niên”. Sự ra đời, phát triển và hoạt động của tổ chức Thanh niên đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh của quần chúng; là sự chuẩn bị chín muồi về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng bộ Cộng sản Thái Bình.

Tháng 6-1929, trước đòi hỏi cấp bách và xu thế phát triển của phong trào cách mạng, hội nghị gồm đại diện của Đông Dương Cộng sản Đảng và các đồng chí trong Ban Chấp hành Tỉnh bộ Thanh niên đã quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Thái Bình. Hội nghị nhất trí bầu đồng chí Tống Văn Phổ làm Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Thái Bình.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 3-2-1930), phong trào đấu tranh của quần chúng tại Thái Bình nổ ra liên tiếp với quy mô lớn, nhiều hình thức và có sự phối hợp của các địa phương. Điển hình là cuộc đấu tranh của nông dân Tiên - Duyên - Hưng (ngày 1-5-1930) và nông dân Tiền Hải (ngày 14-10-1930). Mặc dù bị địch khủng bố, đàn áp, song phong trào cách mạng của tỉnh vẫn không ngừng được củng cố và phát triển. Cuối năm 1936, ở Thái Bình đã hình thành 3 nhóm lãnh đạo hoạt động ở 3 vùng (Tiền Hải - Kiến Xương; Vũ Tiên - Thư Trì; Quỳnh Côi - Phụ Dực). Dưới sự chỉ đạo của các nhóm, các chi bộ Đảng được thành lập lại ở các huyện. Nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới, các đồng chí đứng đầu 3 nhóm bàn bạc, nhất trí triệu tập Hội nghị liên tịch vào khoảng tháng 6 năm 1937. Hội nghị thảo luận, ra nghị quyết thống nhất lãnh đạo về một mối và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 9 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Văn Vực làm Bí thư; thành lập các đoàn thể quần chúng; xuất bản tờ báo ra hằng tháng, lấy tên là “Tiến lên”; phát động cuộc đấu tranh mạnh mẽ trong phạm vi toàn tỉnh đòi tự do dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân... Nghị quyết Hội nghị đã kịp thời định hướng phong trào cách mạng của tỉnh, mở đầu cho một cao trào cách mạng mới, cao trào Mặt trận dân chủ Đông Dương.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã trải qua 18 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội là một dấu mốc quan trọng ghi lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng bộ tỉnh trong dòng chảy lịch sử vinh quang và đầy tự hào của dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ I:
Được tổ chức bí mật tại làng Kênh Son, tổng Cao Mại, phủ Kiến Xương (nay thuộc huyện Kiến Xương) từ ngày 21 đến ngày 23-12-1940. Tham dự đại hội có trên 30 đại biểu thay mặt cho khoảng 140 đảng viên thuộc 28 chi bộ (kể cả hai chi bộ Trà Lũ, Xuân Trường - Nam Định và chi bộ Thanh Nhang, Hà Cát - Giao Thủy, Nam Định được Xứ ủy giao cho Tỉnh ủy Thái Bình lãnh đạo). Đại hội đã thảo luận các vấn đề: củng cố và phát triển lực lượng chính trị và nửa vũ trang; huấn luyện quân sự, sắm sửa vũ khí; đồng thời ra lời kêu gọi đảng viên và quần chúng chuẩn bị lực lượng, chờ thời cơ nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khoá mới gồm 6 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Đào Năng An được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Để phát huy những thắng lợi, khắc phục khó khăn sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, tháng 10-1945, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ toàn tỉnh thảo luận và quyết định một số nhiệm vụ: đẩy mạnh việc củng cố chính quyền cách mạng các cấp, các đoàn thể quần chúng, các cơ sở đảng; mở rộng Mặt trận Việt Minh; tập trung lực lượng để phát hiện và trừ diệt bọn việt gian phản động, bọn đầu sỏ trong tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng; chống âm mưu khiêu khích của quân đội Tưởng Giới Thạch; củng cố và phát triển các đội tự vệ chiến đấu; tập trung khắc phục hậu quả nạn lụt; tích cực tham gia chiến dịch chống nạn đói và hăng hái tham gia phong trào bình dân học vụ... Các đại biểu dự họp đã nhất trí bầu Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ chính thức gồm 8 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Đức Tâm làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ II:
Diễn ra từ ngày 23 đến 26-7-1947 tại Thần Huống, huyện Thái Ninh (nay thuộc huyện Thái Thụy). Tham dự Đại hội có 102 đại biểu thay mặt cho trên 1.100 đảng viên. Trong 4 ngày làm việc, Đại hội đã dành nhiều thời gian kiểm điểm công tác nhiệm kỳ cũ, đồng thời nhất trí cần đẩy mạnh hơn nữa việc bồi dưỡng lực lượng cách mạng về mọi mặt để đủ sức kháng chiến lâu dài, tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, củng cố chính quyền các cấp, các đoàn thể quần chúng cách mạng làm cho khối đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc, xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang địa phương... Đại hội đã bầu Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ khóa mới gồm 13 đồng chí, do đồng chí Lê Toàn Thư làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ III:
Được tổ chức tại thôn Chiếp Đoài, xã Hồng Lĩnh, huyện Duyên Hà (nay thuộc huyện Hưng Hà) từ ngày 3 đến ngày 6-2-1948 với 115 đại biểu chính thức, đại diện cho trên 2.300 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội đi sâu thảo luận phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 1948 và nhất trí thông qua những nội dung quan trọng: đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển nông nghiệp;  tiếp tục củng cố và xây dựng các làng kháng chiến; xây dựng lực lượng vũ trang địa phương mạnh cả về số lượng và chất lượng; xây dựng các đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Liên Việt và Việt Minh ngày càng vững mạnh, củng cố khối đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục đối với con em nhân dân lao động; phát triển đảng viên mới... Đại hội đã bầu Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ khóa mới gồm 12 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Toàn Thư được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ IV:
Diễn ra trong tháng 7-1949 tại đình làng Tuấn Nghĩa, xã Quang Khải, huyện Thái Ninh (nay là xã Thái Học, huyện Thái Thụy). Về dự đại hội có trên 200 đại biểu đại diện cho trên 24.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Trong 5 ngày làm việc, Đại hội đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng, nhất là về công tác chuẩn bị kháng chiến, chiến đấu trực tiếp với thực dân Pháp và về công tác xây dựng Đảng. Đại hội đã nhất trí bầu Ban Chấp hành khóa mới, gồm 19 ủy viên chính thức, 1 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn Ngọ, Khu ủy viên làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh.

Trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng khốc liệt, quân đội viễn chinh Pháp đã chiếm đóng hầu hết các địa bàn xung yếu ở Thái Bình, mọi liên lạc bị gián đoạn; để triển khai quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, Nghị quyết của Liên khu ủy Khu III và kiện toàn lại Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong tình hình mới, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi, Tỉnh ủy Thái Bình đã quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ toàn tỉnh vào ngày 11-4-1951 tại thôn Đồng Hàn, xã Hồng Lĩnh, huyện Duyên Hà (trong khu căn cứ du kích Tiên - Duyên - Hưng, vùng căn cứ rộng lớn của tỉnh và một số tỉnh lân cận thuộc Liên khu Ba). Gần 200 cán bộ, đảng viên đại diện cho các đảng bộ huyện, đảng bộ cơ sở và đảng bộ lực lượng vũ trang tham dự. Hội nghị diễn ra trong 1 tuần, bắt đầu từ tối ngày 11-4, làm việc cả ngày đêm và phải hai lần di chuyển địa điểm. Hội nghị đã thảo luận những nhiệm vụ cấp bách nhất của Đảng bộ tỉnh, trọng tâm là lãnh đạo phát triển mạnh mẽ cuộc chiến tranh nhân dân; mở thêm và mở rộng những khu du kích trong lòng địch, tiến tới bao vây địch, dồn địch vào thế bị động. Hội nghị bầu ra Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ gồm 23 đồng chí. Đồng chí Trần Bình (tức Lê Tự) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tháng 5-1954), 3 năm (1955-1957) thực hiện khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh và tiến hành giảm tô, cải cách ruộng đất, Thái Bình vẫn cơ bản là tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu; còn tồn tại nhiều thành phần kinh tế khác nhau, trong đó thành phần kinh tế cá thể của nông dân chiếm tuyệt đại bộ phận. Để quán triệt và triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (tháng 11-1958), từ ngày 13 đến ngày 19-2-1959, Hội nghị Đảng bộ toàn tỉnh Thái Bình đã được tổ chức tại Hội trường Nhà máy Xay, Thị xã Thái Bình với 135 đại biểu tham dự. Hội nghị đã kiểm điểm công tác năm 1958, thảo luận và đi đến thống nhất các mục tiêu, nhiệm vụ công tác của tỉnh trong năm 1959, bầu Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ gồm 29 ủy viên chính thức, 7 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Ngô Duy Đông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ V:
Vòng 1 được tổ chức từ ngày 19 đến ngày 26-6-1960; vòng 2 được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 9-2-1961  tại Hội trường Thương nghiệp, Thị xã Thái Bình với 310 đại biểu tham dự. Đại hội đã thảo luận và đề ra phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu: phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, mở rộng việc thống nhất các hợp tác xã; củng cố chính quyền dân chủ nhân dân để làm nhiệm vụ lịch sử của vô sản chuyên chính; củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất, xây dựng vững chắc các đoàn thể quần chúng; tăng cường tính chất giai cấp và tính chất tiên phong của Đảng; nâng cao trình độ văn hoá, chăm lo đời sống và sức khoẻ cho nhân dân; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, hưởng ứng kịp thời các cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 28 ủy viên chính thức, 7 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Ngô Duy Đông được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ VI:
Họp từ ngày 11 đến ngày 18-7-1963 tại Hội trường Thương nghiệp, Thị xã Thái Bình với 277 đại biểu tham dự. Để hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), sau khi kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ V, các đại biểu đã thảo luận và nhất trí đề ra phương hướng chung phát triển kinh tế, văn hóa 3 năm cuối của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất là: “Tiến tới ổn định lương thực vững chắc đủ cung cấp cho người và cho chăn nuôi, vừa phục vụ đời sống nhân dân trong tỉnh, vừa bảo đảm nghĩa vụ cho nhà nước. Nỗ lực phấn đấu tăng thêm hàng hoá nông sản, lương thực, thực phẩm, nguyên liệu để cung cấp cho công nghiệp, thủ công nghiệp phát triển thêm khối lượng hàng hoá nhằm đáp ứng nhu cầu cho nhân dân, cho xuất khẩu, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tận dụng sức lao động, sử dụng tốt sức lao động với số lượng ngày công và giá trị ngày công tăng lên, đồng thời cung cấp thường xuyên sức lao động cho công nghiệp. Nâng cao thêm một bước có trọng điểm đời sống vật chất, văn hoá và phúc lợi cho nhân dân”. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 25 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Ngô Duy Đông tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ VII:
Họp từ ngày 25-3 đến ngày 4-4-1969 tại Hội trường Ủy ban hành chính huyện Đông Quan (nay thuộc huyện Đông Hưng) với 310 đại biểu tham dự. Trong thời gian 9 ngày làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận kiểm điểm đánh giá những kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ VI; đồng thời, đề ra phương hướng nhiệm vụ công tác 3 năm (1969-1971) nhằm làm thay đổi nền kinh tế, văn hóa của tỉnh, tạo nên sức sống mới cho nhân dân, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của cả nước. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới, gồm 27 ủy viên chính thức, 4 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Ngô Duy Đông tiếp tục giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ VIII:
Diễn ra từ ngày 28-5 đến ngày 1-6-1971 tại Hội trường Ủy ban hành chính tỉnh với 250 đại biểu tham dự. Đại hội đã nghe và thảo luận báo cáo kiểm điểm kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội tháng 3-1969; đồng thời xác định trọng tâm phấn đấu của tỉnh trong ba năm tới là: giải quyết tốt vấn đề lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng, đưa nhanh chăn nuôi trở thành một ngành sản xuất chính, trên cơ sở đó đẩy mạnh toàn bộ các hoạt động khác cũng phát triển mạnh mẽ, nhằm đáp ứng một cách tốt nhất yêu cầu chi viện cho tiền tuyến và xây dựng chủ nghĩa xã hội, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho nền kinh tế trong tỉnh, nâng cao một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân. Đại hội bầu Ban Chấp hành mới gồm 25 ủy viên chính thức, 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lương Quang Chất được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ IX:
Diễn ra từ ngày 3 đến ngày 8-7-1975 tại Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh, trong bối cảnh sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam của dân tộc ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn; cách mạng nước ta đã chuyển sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Do đó, đã tạo nên những điều kiện thuận lợi, song cũng đặt ra nhiều vấn đề hết sức khẩn trương và to lớn. Với 250 đại biểu tham dự, Đại hội đã kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII tháng 5-1971 và quyết định phương hướng, nhiệm vụ trong những năm tới. Đại hội vạch ra phương hướng hành động của Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976-1980). Nghị quyết Đại hội phản ánh ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh quyết tâm thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ “xây dựng Thái Bình thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. Đại hội bầu Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ gồm 30 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 9 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ X:
Họp từ ngày 11 đến ngày 20-4-1977 tại Hội trường Uỷ ban nhân dân tỉnh, với 389 đại biểu đại diện cho 55.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ về dự. Quán triệt và chấp hành Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khẳng định nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh giai đoạn mới: phải nắm vững đường lối chung và đường lối kinh tế của Đảng, nắm chắc hai mục tiêu cơ bản và cấp bách của Kế hoạch 5 năm (1976 - 1980) là xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân; tiếp tục quán triệt và thực hiện phương châm hành động "từ đất và sức lao động đi ra, từ lúa và lợn đi lên" và bốn hướng cơ bản mà Đại hội Đảng bộ tỉnh tháng 7-1975 đã đề ra:
1. Tiếp tục đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất cây trồng và gia súc lên một bước mới, trọng tâm là lúa.
2. Ra sức mở rộng diện tích canh tác và diện tích gieo trồng, tăng cường quản lý và bồi dưỡng đất. Tích cực khai thác miền biển.
3. Tích cực thực hiện một bước việc phân công lại lao động xã hội, đẩy mạnh phát triển công nghiệp và thủ công nghiệp, phấn đấu tăng năng suất lao động, đẩy mạnh cuộc vận động chuyển dân đi xây dựng kinh tế mới.
4. Tích cực thực hiện cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, phấn đấu hạ thấp tỷ lệ tăng dân số.

Đại hội bầu Ban Chấp hành mới gồm 35 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết. Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí. Đồng chí Phạm Bái được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XI:
Trong không khí cả nước tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XI được triệu tập từ ngày 26 đến ngày 30-11-1979 tại Hội trường Uỷ ban nhân dân tỉnh, với 319 đại biểu. Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Đại hội nhận định: hơn hai năm (1977-1979) dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng và sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình đã vượt qua nhiều thách thức lớn, tập trung đối phó với cuộc chiến tranh biên giới, khắc phục khó khăn, giữ vững sản xuất, bảo đảm đời sống. Quán triệt tình hình, nhiệm vụ mới của cách mạng nước ta trước những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, Đại hội đã xác định nhiệm vụ chính trị cơ bản của tỉnh: tiếp tục nắm vững phương châm hành động “từ đất và sức lao động đi ra, từ lúa và lợn đi lên”. Đồng thời, chỉ rõ trong 2 năm 1980-1981 phải tập trung sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt 5 nhiệm vụ lớn nhằm tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ về phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống và nguyên liệu cho sản xuất. Phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Gắn chặt phát triển sản xuất với đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất, tổ chức và sử dụng tốt lao động, cải tiến công tác quản lý kinh tế, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Tổ chức tốt đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân; xây dựng nếp sống mới văn minh, lành mạnh. Tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước và sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến khi cần.v.v.. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 38 ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết. Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 ủy viên. Đồng chí Phạm Bái được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XII:
Họp từ ngày 18 đến ngày 22-1-1983 tại Hội trường Uỷ ban nhân dân tỉnh, với 320 đại biểu đại diện cho 622.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội đã tán thành và nhất trí thông qua báo cáo tình hình và nhiệm vụ của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đánh giá những thắng lợi và thành tích mà Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã đạt được trong ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI trên các mặt kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và củng cố các đoàn thể quần chúng; về những khó khăn, khuyết điểm và thiếu sót cần phải khắc phục; về phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu trong 3 năm 1983-1985, cùng những chủ trương, biện pháp nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và mục tiêu đã đề ra. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 38 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 đồng chí. Đồng chí Phạm Bái tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XIII:
Diễn ra từ ngày 21 đến ngày 27-10-1986 tại Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh, với 320 đại biểu của 12 đảng bộ huyện, thị và đảng bộ trực thuộc. Vận dụng những quan điểm, tư tưởng đổi mới của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã xác định 6 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 1990:
1- Tập trung khai thác tốt nhất các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ra sức phát triển nông nghiệp, thực sự coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, kết hợp với mở rộng kinh tế đối ngoại, tăng cường xuất, nhập khẩu;
2- Tổ chức và sắp xếp lại nền kinh tế trong tỉnh phải đi đôi với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; bố trí cơ cấu đầu tư xây dựng cơ bản hợp lý, trước hết ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp là mặt trận hàng đầu; cho sản xuất hàng xuất khẩu và cho các ngành công nghiệp mũi nhọn (chế biến nông sản thực phẩm). Kiên quyết xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu hành chính bao cấp, chuyển hẳn sang cơ chế hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy kế hoạch hoá làm trung tâm.
3- Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của cách mạng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cả công nghiệp và nông nghiệp; trước hết, chú trọng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về sinh học trong nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.
4- Tiếp tục thực hiện cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch; cuộc vận động chuyển dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới, tiến hành phân bố lại lao động và dân cư, giải quyết việc làm cho người lao động.
5- Cải tiến công tác phân phối lưu thông và các hoạt động dịch vụ. Giải quyết đúng đắn các vấn đề về giá, lương, tiền; cải tiến dịch vụ kỹ thuật và dịch vụ sinh hoạt, bảo đảm yêu cầu của sản xuất và đời sống. Thực hiện nghiêm ngặt chế độ tiết kiệm.
6- Nâng cao chất lượng các hoạt động xã hội, nhất là các hoạt động văn hoá, giáo dục và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 41 ủy viên chính thức và 6 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Cao Sĩ Kiêm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XIV:
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (vòng 1) được tổ chức từ ngày 18-4 đến ngày 20-4-1991; (vòng 2) được tổ chức từ ngày 27 đến ngày 31-8-1991 tại Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh, với 305 đại biểu tham dự. Đại hội đã thảo luận và thông qua Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng; đồng thời, chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 1991-1995: phát huy thành tựu đã đạt được, khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót, vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững ổn định chính trị, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung sức phát triển nhanh nền kinh tế hàng hóa, trọng tâm là sản xuất nông nghiệp; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đảm bảo ổn định nhu cầu về lương thực của nhân dân trong tỉnh; tạo thêm việc làm cho người lao động, giảm mạnh nhịp độ tăng dân số; phấn đấu từng bước làm biến đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp trong tổng giá trị sản lượng công - nông nghiệp; tăng mức tích lũy từ nội bộ nền kinh tế để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, chuẩn bị tiền đề cho những năm 1996-2000; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đổi mới phương thức hoạt động của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân, đổi mới tổ chức và cán bộ; tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tiêu cực, củng cố vững chắc an ninh và quốc phòng phù hợp với tình hình mới. Về xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, Nghị quyết Đại hội đã xác định: có kế hoạch cụ thể để thực hiện chương trình “xây dựng đô thị và nông thôn mới”. Ở nông thôn, chủ yếu tập trung thực hiện “4 hóa” theo định hướng chiến lược của tỉnh “điện, đường, trường, trạm”. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 45 đồng chí. Đồng chí Chu Văn Rỵ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XV:
Diễn ra từ ngày 25 đến ngày 29-4-1996 tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, với 338 đại biểu tham dự. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ chung của tỉnh từ năm 1996 đến năm 2000: giữ vững ổn định chính trị. Tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới; tập trung cao độ mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua mọi khó khăn thách thức; khai thác có hiệu quả tiềm năng, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tăng cường nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; nâng cao chất lượng sự nghiệp văn hóa - xã hội; tiếp tục đổi mới và chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền các đoàn thể nhân dân vững mạnh. Phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1996-2000, từng bước nâng cao mức sống của nhân dân, tăng tích lũy từ nội bộ, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”, tạo tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 47 đồng chí. Đồng chí Vũ Mạnh Rinh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XVI:
Được tiến hành từ ngày 3 đến ngày 5-1-2001 tại Nhà văn hóa lao động tỉnh, với 297 đại biểu đại diện cho trên 8 vạn đảng viên của Đảng bộ. Đại hội đã đánh giá khái quát chặng đường 15 năm đổi mới, 10 năm thực hiện “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000” và 10 năm thực hiện “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội” do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đề ra; đồng thời, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, xây dựng phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu, các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001- 2005) và định hướng phát triển cho những năm tiếp theo, tạo ra động lực mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trên cơ sở đường lối, quan điểm, mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và tình hình thực tiễn của tỉnh, phương hướng, mục tiêu tổng quát những năm đầu thế kỷ XXI là: “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác đầu tư, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu tăng trưởng kinh tế với nhịp độ cao và bền vững; phát triển lực lượng sản xuất gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn với thị trường. Phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, coi trọng và phát huy nhân tố con người; chăm lo giải quyết các vấn đề bức xúc về xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Tiếp tục tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị; xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân trong sạch, vững mạnh; thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Đại hội quyết định tập trung thực hiện 5 trọng tâm để tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế (chuyển mạnh sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, phù hợp với nền kinh tế thị trường; ưu tiên phát triển mạnh mẽ và toàn diện kinh tế biển; phát triển mạnh mẽ nghề và làng nghề; triển khai xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung; xây dựng, đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát huy mọi nguồn lực, giải phóng sức sản xuất, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế).

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2001-2005 gồm 47 đồng chí. Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 12 đồng chí. Đồng chí Bùi Sỹ Tiếu được bầu  làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XVII:
Tiến hành từ ngày 5 đến ngày 9-12-2005 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, với 299 đại biểu. Đại hội thông qua phương hướng, mục tiêu tổng quát: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khai thác mọi nguồn lực, đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; tăng cường tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, sớm đưa Thái Bình thoát khỏi tỉnh nghèo và chậm phát triển. Đẩy mạnh phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực văn hoá - xã hội; quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân”. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2005-2010 gồm 49 đồng chí. Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 đồng chí. Đồng chí Bùi Tiến Dũng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XVIII:
Họp từ ngày 18 đến ngày 21-10-2010 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, với 349 đại biểu. Đại hội đã xác định phương hướng của Đảng bộ trong những năm tới là: “Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; khai thác mọi nguồn lực; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tạo nền tảng để đến năm 2020 Thái Bình trở thành tỉnh nông thôn mới, có nền nông nghiệp và công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đại hội đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
1. Phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
2. Đổi mới và phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ.
3. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế.
4. Tăng cường quốc phòng và an ninh, giữ vững ổn định chính trị – xã hội.
5. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
6. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, vai trò tiền phong, gương mẫu của các đảng viên.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII gồm 52 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Tháng 9-2011, Bộ Chính trị quyết định điều động, phân công đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và điều động, phân công đồng chí Trần Cẩm Tú - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban kiểm tra Trung ương - tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình.
Tháng 2-2015, đồng chí Trần Cẩm Tú được điều động chuyển công tác về Ủy Ban Kiểm tra Trung ương, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (khóa XI).
Tháng 3-2015, đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh được Hội đồng nhân dân tỉnh bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Tháng 4-2015, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bầu làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày