Thứ 2, 01/07/2024, 15:23[GMT+7]

Góp ý kiến vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng Về nội dung phát triển văn hóa, xây dựng con người

Thứ 2, 05/10/2015 | 09:01:58
768 lượt xem

Đọc dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, trước hết, tôi nhận thức được trong số các văn kiện sẽ trình tại Đại hội XII của Đảng có hai văn kiện quan trọng. Một là Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; hai là Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Hai văn kiện này được trình bày theo bố cục khác nhau nhưng đều bao trùm toàn diện và thấu đáo các quan điểm của Đảng trong cách nhìn nhận, đánh giá cũng như mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển đối với từng lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Trong Báo cáo chính trị có phần đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng (2011 - 2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986 - 2016), đồng thời vừa có phần mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016 - 2020 vừa có phần đánh giá tình hình phát triển và phương hướng, nhiệm vụ của từng lĩnh vực cụ thể. Theo tôi, đây là văn kiện được chuẩn bị hết sức công phu, mang tính khái quát cao, tính khách quan, khoa học, người tiếp thu có thể dễ tiếp cận với từng nội dung cụ thể.

Là người từng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, tôi xin góp ý vào phần văn hóa trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.

Về dự thảo Báo cáo chính trị, có lẽ đây là một trong những văn kiện đầu tiên trong một Đại hội Đảng toàn quốc đã trình bày một phần riêng mang tiêu đề: Phát triển văn hóa, xây dựng con người với một dung lượng dày dặn, khá tương xứng với các lĩnh vực khác. Điều này đã phản ánh đúng và khẳng định lại quan điểm của Đảng ta đã được xác định trong Nghị quyết số 33 (Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI): "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội…". Tôi đặc biệt chú tâm với mục phát triển văn hóa, xây dựng con người vì việc trình bày thành tựu có số lượng câu, chữ ít hơn phần hạn chế, yếu kém, thể hiện phương châm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, thể hiện rõ quan điểm của Đảng về những hạn chế, yếu kém mang tính bức xúc đã và đang diễn ra trong lĩnh vực phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Nhất quán với quan điểm đã được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị, trong dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã chỉ rõ: "Các lĩnh vực văn hóa, xã hội còn nhiều mặt yếu kém, khắc phục còn chậm", trong đó đã nhận định: "Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chưa đạt yêu cầu" (Mục 5, Phần II. Các hạn chế, yếu kém).

Xin được góp mấy ý kiến cụ thể vào các văn kiện:

Một là, phần phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người đã được trình bày khá toàn diện nhưng có thể cần đặt ra một số nhiệm vụ mang tính đột phá để khắc phục những hạn chế, yếu kém. Ví dụ, muốn làm cho văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội thì vấn đề phân công cán bộ cấp ủy, chính quyền phụ trách lĩnh vực văn hóa, xã hội và cán bộ quản lý văn hóa các cấp phải mang tính đột phá. Bởi vì dự thảo Báo cáo chính trị đã xác định: "Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên đây chủ yếu là do nhiều cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ đến lĩnh vực này; lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật quyết liệt. Việc cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết của Đảng còn chậm, thiếu đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm được đổi mới, có lúc, có nơi bị xem nhẹ, thậm chí buông lỏng. Đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng và còn dàn trải".

Hai là, về từ ngữ trong văn kiện đôi khi chưa mang tính phổ cập, phổ biến. Ví dụ: "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức thượng tôn pháp luật". Chữ "thượng tôn" vốn chưa được phổ cập trong đa số cán bộ, nhân dân. Mặt khác, nếu văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân cần xây dựng "ý thức thượng tôn pháp luật" thì xây dựng văn hóa ở các lĩnh vực khác như trong hệ thống chính trị, trong trường học, bệnh viện, đường phố… có cần "ý thức thượng tôn pháp luật" không?

Ba là, trong dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 có nhận định: "Các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thể dục, thể thao được đẩy mạnh". Theo tôi, không nên đánh đồng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với phong trào thể dục, thể thao thành "các phong trào" bởi vì "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" là một phong trào lớn do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Nhà nước quản lý còn các hoạt động của lĩnh vực thể dục, thể thao chỉ là một bộ phận của phong trào này.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày