Thứ 3, 06/08/2024, 01:15[GMT+7]

Ông Đảng trọn đời theo Đảng

Thứ 3, 01/12/2015 | 09:53:16
1,090 lượt xem
Trong khi không ít bạn trẻ hiện nay không mặn mà tham gia công tác Đảng thì với đảng viên Phạm Mạnh Đảng (thôn Thanh Trai, xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư), dẫu đã cống hiến trọn cuộc đời cho Đảng nhưng với ông như thế là chưa đủ. Ngót 100 tuổi đời, 70 năm tuổi đảng, ông là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ về tinh thần cống hiến cho cách mạng, cho quê hương.

Ở tuổi ngót 100, ông Phạm Mạnh Đảng vẫn giữ thói quen đọc báo Đảng hàng ngày.

Ông Đảng sinh năm 1917. Như bao bạn bè cùng trang lứa ngày ấy, tuổi thơ của ông là những ngày dài chống chọi với cái đói, cái rét, chịu cảnh đàn áp tàn bạo của phong kiến, tay sai, thực dân đô hộ. Ngày ngày ông quần quật cấy thuê, làm rẽ cho địa chủ mà vẫn đói, vẫn khổ, bị chúng khinh miệt, đánh đập dã man. Năm 1943, được hai người bạn là Nguyễn Văn Lại, Nguyễn Đình Văn đồng thời cũng là hai đảng viên đầu tiên của Chi bộ thôn Nội Lãng (Đảng bộ xã Minh Lãng hiện nay) tuyên truyền, giác ngộ về tư tưởng, đường lối của Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Đảng khao khát được trở thành đảng viên. Thế nhưng, lý lịch của ông lại ghi có chị gái làm vợ lẽ lý trưởng nên dù rất hăng hái tham gia các phong trào, hoạt động nhưng ông vẫn chưa được kết nạp Đảng. Đợi ba năm sau, tổ chức điều tra, chứng minh được chị gái ông không làm gì tổn hại cho bà con, làng nước, ông mới được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cái ngày trọng đại, thay đổi cả cuộc đời ông, 69 năm đã trôi qua nhưng ông vẫn nhớ như in từng chi tiết. Ông kể lại: Hôm ấy là ngày 14/6/1946. Tôi được kết nạp Đảng tại nhà ông Nguyễn Đình Văn. Nhà ông Văn ở sâu trong ngõ, luôn yên tĩnh, vắng vẻ nên bảo đảm cho buổi kết nạp được bí mật tuyệt đối. Khi đó chỉ có ba người là ông Văn, ông Lại và tôi. Tôi là quần chúng ưu tú được kết nạp Đảng nhưng cũng đồng thời là thư ký buổi lễ. Lễ kết nạp Đảng diễn ra dưới gốc nhãn cạnh cái ao nhỏ, được ngụy trang như là một cuộc tán gẫu thường ngày, các thủ tục cũng không đầy đủ như bây giờ mà rất đơn giản, thậm chí chưa có cờ Đảng, chủ yếu là đọc tuyên bố kết nạp Đảng và tuyên thệ của đảng viên mới. Vậy nhưng không khí lúc đó rất thiêng liêng còn tôi thì vô cùng xúc động, tự hào. Mất mấy ngày tôi không ăn, không ngủ được vì sung sướng.

Trở thành đảng viên, ông Đảng càng say sưa hơn với hoạt động cách mạng. Khi đó, Chi bộ thôn Nội Lãng chỉ có 9 đảng viên, trong đó có 3 đảng viên địa phương, còn lại là đảng viên ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng về hoạt động cách mạng tại địa phương. Năm 1947, ông Đảng được tín nhiệm bầu làm chủ tịch liên xã. Sau đó, ông trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau ở xã, huyện rồi tỉnh. Giai đoạn ấy, ông đã lập gia đình, có 4 người con nhưng giặc Pháp lùng sục tìm đến và đốt nhà ông, vì vậy ông phải gửi vợ con nhờ bố mẹ vợ trông nom, chăm sóc. Nhiều lần đi qua nhà, nhớ vợ, nhớ con nhưng ông không dám ghé thăm vì sợ giặc Pháp phát hiện, gây nguy hiểm cho người thân trong gia đình. Vì nhiệm vụ, ông đi quanh năm suốt tháng, có khi cả năm không về nên vợ con cũng không biết ông còn sống hay đã chết.

Năm 1952, vợ ông ở nhà nuôi 4 con nhỏ, không đủ sức làm phải thuê mướn thêm vài người cày cấy. Một số người khi đó cho rằng gia đình ông bóc lột nhân công, nghi ngờ ông là thành phần "Quốc dân đảng". Vì vậy, năm 1953, ông "được" điều chuyển lên khu Tả Ngạn (Việt Bắc) làm công tác chỉnh huấn chính sách giảm tô, rất gian khổ. Nhớ lại những tháng năm ấy, ông Đảng chia sẻ: Tôi chỉ thương bố mẹ, vợ con ở nhà mang tiếng oan chứ bản thân tôi trong sạch, không tham ô, tham nhũng, một lòng một dạ theo Đảng, tôi rất thanh thản. Thậm chí, dù bị coi là "Quốc dân đảng", tôi vẫn tuyệt đối tin tưởng Đảng ta và phục tùng mệnh lệnh của cấp trên. Nhiều người cùng đi chỉnh huấn, vào bản "3 cùng": cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con dân tộc, đói rét, gian khổ quá nên bỏ về. Riêng tôi quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Mấy năm sau, ông Đảng được minh oan và trở về, lần lượt được phân công giữ các cương vị chủ chốt tại các huyện Hưng Nhân, Thư Trì rồi Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Ở cương vị nào ông cũng hết lòng cống hiến cho dân, cho nước, chẳng quản ngại khó khăn, gian khổ. Năm 1980, ông về nghỉ hưu nhưng nhiều năm sau đó ông vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương và Hội Người cao tuổi xã. Đến nay, ở tuổi ngót 100, dù được miễn hoãn sinh hoạt đảng nhưng ông vẫn là trụ cột, điểm tựa cho cán bộ, đảng viên trong triển khai, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng chí Trần Thanh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Minh Lãng cho biết: Khi triển khai các nhiệm vụ khó, nhất là trong công tác đảng hoặc vận động quần chúng, cán bộ địa phương thường tìm đến xin ý kiến và sự tư vấn của các thế hệ cán bộ, đảng viên đi trước, đặc biệt là ông Phạm Mạnh Đảng. Ông rất có kinh nghiệm, tâm huyết và chân tình chỉ bảo cái đúng, cái sai, giúp chúng tôi có nhiều bài học quý trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Điều đặc biệt, ông Đảng chính là "người dẫn đường", là nguồn cảm hứng truyền ngọn lửa cách mạng cho con cháu, người thân trong gia đình. Đến nay, hơn 20 người con trai, con gái, dâu rể và các cháu, chắt nội, ngoại của ông đã rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên. Ông tâm sự: Cả đời tôi ơn Đảng chưa hết, dẫu đã cống hiến trọn cuộc đời cho cách mạng, tôi vẫn cho là chưa đủ. Vì vậy, mong mỏi của tôi là các con các cháu, thế hệ trẻ sẽ thay tôi và bao lớp đảng viên đi trước cống hiến nhiều hơn nữa để xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày