Thứ 4, 09/10/2024, 15:14[GMT+7]

Kỷ niệm 146 năm ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2016) Tư tưởng của V.I.Lênin về xây dựng Ðảng trong tình hình mới

Thứ 6, 22/04/2016 | 08:43:25
2,871 lượt xem
Sinh thời, Bác Hồ đánh giá rất cao vai trò vĩ đại của V.I.Lênin: “Lênin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác - Ăngghen. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”. Cuộc đời hoạt động và đạo đức cách mạng của Lênin là tấm gương sáng ngời và là niềm tự hào của đất nước chúng ta. Tên tuổi của Lênin đã trở

Lênin nói chuyện với Hồng quân và nhân dân. Ảnh tư liệu.

 

Một trong những cống hiến xuất sắc nhất của V.I.Lênin trong bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác là lý luận về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. V.I.Lênin vạch ra những quan điểm cơ bản về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính đảng cách mạng, đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn và mang tính thời sự cấp bách trong công tác xây dựng đảng của các đảng cộng sản cầm quyền, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Ngay từ những ngày đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cách mạng cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam từ những lời dạy của Lênin. Đó là trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận thấy ở chủ nghĩa Lênin con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam khi đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin trên báo L’Humanité (Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp) trong hai số liên tiếp ngày 16 và 17/6/1920. Người đã tìm thấy lời giải cho câu hỏi: Đâu là con đường giải phóng đồng bào khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân?

 

Do vậy, hơn 90 năm trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam đã sung sướng, cảm động biết bao khi nhận ra sức mạnh kỳ diệu của chủ nghĩa Lênin. Bác Hồ là người Việt Nam đầu tiên tiếp thu chủ nghĩa Lênin và truyền bá vào nước ta. Người nói: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái cẩm nang thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Là học trò xuất sắc của Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện nước ta, đặc biệt là lý luận cách mạng dân tộc và thuộc địa.

 

Ngay từ giữa thập kỷ hai mươi của thế kỷ trước, trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm nòng cốt… Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.

 

Lênin rất coi trọng vai trò của các dân tộc phương Đông, có cả Việt Nam trong việc tham gia quyết định số phận chủ nghĩa đế quốc thế giới. Lênin chỉ rõ, chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, là đêm trước của cách mạng vô sản. Sự phát triển của các mâu thuẫn này tất yếu sẽ đẩy xã hội tư bản chủ nghĩa đi đến cuộc khủng hoảng trầm trọng. Người cho rằng, giai cấp vô sản cần lợi dụng triệt để các mâu thuẫn trong lòng chủ nghĩa đế quốc để chiến thắng nó ở nơi tập trung những mâu thuẫn gay gắt nhất, ở những khâu xung yếu nhất. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam... đã chứng minh tính đúng đắn của học thuyết V.I.Lênin.

 

Sau Cách mạng Tháng Mười, Đảng và Nhà nước Xô viết lại đứng trước những thách thức mới, đó là: xuất hiện các phần tử cơ hội, những kẻ chống đối tìm mọi cách chui vào Đảng để trục lợi; một bộ phận cán bộ, đảng viên quan liêu, biến chất, thoái hóa, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân… Trước tình trạng trên, V.I.Lênin khởi xướng thanh Đảng, thực chất là cuộc sàng lọc đội ngũ đảng viên với mục tiêu nhằm khôi phục kỷ luật, tăng cường sức chiến đấu của Đảng và đập tan chủ nghĩa bè phái, cơ hội trong Đảng, đồng thời tăng cường giáo dục lý tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng thường xuyên cho đội ngũ đảng viên. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với một đảng cộng sản.

 

Trong công tác xây dựng Đảng, V.I.Lênin cho rằng, điều đặc biệt quan trọng để xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ thực sự gương mẫu, “sống trong lòng quần chúng”, phải là những cán bộ của quần chúng, do quần chúng và phục vụ lợi ích, hạnh phúc của quần chúng. Điều đó có nghĩa, cán bộ phải là người có đầy đủ phẩm chất, năng lực, có đầy đủ đức và tài, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, có năng lực phục vụ nhân dân, có trình độ đem lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân. Người cho rằng, trong xây dựng đội ngũ cán bộ cần phải kiên quyết đấu tranh “không khoan nhượng” với tệ quan liêu, tham nhũng; kiên quyết “chống hiện tượng không dứt khoát, không rành mạch về nhiệm vụ được giao cho mỗi người và chống tình trạng hoàn toàn vô trách nhiệm do hiện tượng đó gây ra”.

 

Lênin đòi hỏi Đảng và mọi đảng viên phải dám nhìn nhận những sai lầm và kiên quyết sửa chữa những sai lầm đã phạm phải. Cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc, thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình một cách trung thực, thẳng thắn và mang tính xây dựng.

 

Với thực tiễn cách mạng Việt Nam, tư tưởng V.I.Lênin đã mở ra những chân trời mới, soi đường, chỉ lối cho nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vận dụng đúng đắn và sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và những bài học quý báu của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc và xây dựng một chính đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động để lãnh đạo toàn dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đồng thời, trong 30 năm đổi mới đất nước, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đảng ta khẳng định: “Trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

 

Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, trước thực trạng một số yếu kém, khuyết điểm, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết về công tác xây dựng Đảng; phát động các cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm của tập thể và từng cá nhân, nhất là cán bộ, đảng viên giữ chức vụ để giúp nhau cùng tiến bộ; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật để giáo dục, góp phần bảo vệ uy tín của Đảng.

 

Tiếp tục củng cố, xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần kiên quyết và tích cực; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái với kỳ vọng tạo bước chuyển biến rõ rệt về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Đây chính là cách làm thiết thực, sáng tạo và trung thành với học thuyết     Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Nguyễn Thanh Hoàng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày