Thứ 2, 19/05/2025, 16:50[GMT+7]

Quan điểm của Ðảng về phát triển văn hóa - hướng đi ở Thái Bình

Thứ 2, 11/07/2016 | 14:17:07
818 lượt xem
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Văn hóa được hiểu là toàn bộ những giá trị vật chất và giá trị tinh thần mà loài người đã sáng tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu sinh tồn, đồng thời cũng là mục đích cuộc sống của con người. Muốn xây dựng nền văn hóa của dân tộc thì phải xây dựng trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, đạo đức, tâm lý của con người.

Lễ hội đền Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) năm 2016. Ảnh: Minh Đức

 

Ngày nay, mục tiêu phấn đấu của Ðảng và nhân dân ta về lĩnh vực văn hóa  là xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Ðể văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phát triển văn hóa chính là giải quyết các mối quan hệ cơ bản trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

 

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) nêu: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc có ý nghĩa chiến lược, chỉ đạo quá trình xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa ở nước ta, cần được kế thừa, bổ sung và phát huy trong thời kỳ mới. Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ X nhấn mạnh: Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

Ðến Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI), Ðảng ta khẳng định: Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với lĩnh vực văn hóa. Nghị quyết đánh giá: Ðời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng. Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại... Bởi vậy, việc tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với lĩnh vực văn hóa lại càng cấp bách hơn bao giờ hết.

 

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ðảng nhiệm kỳ 2015 - 2020 nêu trong Ðại hội toàn quốc lần thứ XII là: Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Văn kiện Ðại hội XII của Ðảng đặt lên hàng đầu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong đó chú trọng xây dựng môi trường, văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, trong từng cộng đồng; phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Ðề cao nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế: chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Ðảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ văn hóa…

 

Ở Thái Bình: Trong nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về phát triển văn hóa, xã hội nêu trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX là: Nhận thức đầy đủ và thực hiện có hiệu quả chủ trương của Ðảng về xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Xây dựng môi trường văn hóa, đời sống lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, trong từng thôn, làng, khu phố, cơ quan đơn vị, trường học, doanh nghiệp và mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống. Xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó tạo sự chuyển biến tích cực và sâu rộng trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Chú trọng xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ðẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn học, nghệ thuật; chú trọng nâng cao tính tư tưởng nhân văn, khoa học và đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân trong hoạt động báo chí và văn học nghệ thuật… Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật. Ðấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người, ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội.

 

Chủ trương của Ðảng đã đánh giá thành tựu, khuyết điểm, nguyên nhân, trên cơ sở đó đưa ra mục tiêu, hướng đi phù hợp về phát triển văn hóa, xã hội và con người trong giai đoạn mới. Ðể thực hiện tốt chủ trương đó, giải pháp quan trọng hàng đầu là nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng và cấp ủy các cấp đối với lĩnh vực xây dựng con người và phát triển văn hóa, xã hội trên cơ sở phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc thể chế hóa đường lối, quan điểm của Ðảng; đội ngũ trí thức (văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo, đội ngũ y bác sĩ…) là trụ cột trong chiến lược xây dựng con người và phát triển văn hóa của đất nước. Ðội ngũ này cần được chăm lo xây dựng, quy hoạch và đề cao ý thức trách nhiệm của họ trước nhân dân, trước dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

 

Phát huy tính năng động, sáng tạo của mỗi cá nhân, mỗi cơ quan, đơn vị… tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng con người và phát triển văn hóa. Chú trọng các công trình văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao mang tầm vóc quốc gia cập nhật với trình độ của khu vực và thế giới.

 

Kiên quyết đấu tranh loại trừ tiêu cực và các tệ nạn xã hội trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao. Bài trừ tệ nạn mê tín, dị đoan, ma túy, mại dâm và các loại tội phạm khác. Giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, đập tan âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

 

Hiện nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đang xây dựng báo cáo thực trạng giáo dục truyền thống, văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng ở các ngành, các địa phương, đơn vị của tỉnh giai đoạn 2005 - 2015, nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 2015 - 2020. Trên cơ sở đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ tham mưu với Tỉnh ủy ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn tới. Công tác giáo dục truyền thống với những nét đẹp vốn có của mảnh đất và con người Thái Bình gắn với giáo dục lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Ðảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; bồi dưỡng quyết tâm chính trị, xây dựng ý chí và bản lĩnh của cả dân tộc trong giai đoạn mới là nhiệm vụ chung của toàn Ðảng, toàn dân ta. Ðây là một trong những hoạt động góp phần đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp vào cuộc sống,  tạo nền tảng xây dựng Thái Bình sớm có nền nông nghiệp, công nghiệp theo hướng hiện đại.

 

Dương Văn lễ

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

  • Từ khóa