Thứ 5, 08/08/2024, 06:20[GMT+7]

Phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước: Dễ hay khó?

Thứ 2, 03/10/2016 | 09:07:23
747 lượt xem

May hàng xuất khẩu tại Xí nghiệp May Thái Hà, Tổng công ty May 10.

 

(Tiếp theo và hết)  

 

BÀI 4: VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP

 

Ðể củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, cần có giải pháp đồng bộ và vấn đề mấu chốt là sự đồng thuận của chủ các doanh nghiệp.

 

Sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp là vấn đề mấu chốt

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nghị quyết và đề án, kịp thời sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 chỉ số PCI của tỉnh nằm trong top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, top 3 tỉnh, thành phố dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Hồng chắc chắn sẽ khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đồng chí Trần Thế Nghiêm, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: Xây dựng và phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là chủ trương đúng đắn của Đảng, bảo đảm cho sự phát triển của doanh nghiệp, phù hợp với xu thế tất yếu trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, thời gian qua, việc phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước gặp khó khăn là do nhiều chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa tiếp cận và hiểu hết chủ trương, quy định của Đảng về việc thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Chính vì thế, các cấp ủy, tổ chức đảng, các đoàn thể trong tỉnh cần chủ động làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để chủ doanh nghiệp nâng cao nhận thức, hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp là nhằm đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động chứ không phải là rào cản đối với doanh nghiệp. Hàng năm, ngành chuyên môn tham mưu với tỉnh tổ chức hội nghị gặp mặt các chủ doanh nghiệp để trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển tổ chức đảng; biểu dương, khen thưởng những doanh nghiệp làm tốt công tác xây dựng Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ đó các chủ doanh nghiệp thấy rõ sự khác biệt giữa doanh nghiệp có tổ chức đảng và doanh nghiệp không có tổ chức đảng, lợi ích của việc thành lập tổ chức đảng. Kịp thời hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh kết hợp kiên trì vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nếu chủ doanh nghiệp đồng thuận, coi như mọi việc đã thành công. Ông Đỗ Văn Vẻ, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh khẳng định: Tổ chức đảng là chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp hoạt động, giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mối quan hệ giữa tổ chức đảng với ban giám đốc, hội đồng quản trị và chủ doanh nghiệp phải gắn bó mật thiết, hỗ trợ cho nhau vì sự phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, để tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, đồng chí bí thư và cấp ủy phải gương mẫu, có tâm và có tầm, có bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo đưa ra những sáng kiến, ý tưởng kinh doanh làm lợi cho doanh nghiệp, cho người lao động. Chủ doanh nghiệp cũng cần tạo mọi điều kiện cho tổ chức đảng hoạt động, tạo môi trường thuận lợi cho đảng viên làm việc, quan tâm bố trí những đảng viên gương mẫu, tích cực, có trí tuệ vào những vị trí chủ chốt thì tổ chức đảng và những đảng viên đó cũng sẽ phấn đấu hết mình cho doanh nghiệp. Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng cần thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, tạo nhiều cơ hội cho chủ doanh nghiệp tham gia hoạt động trong các tổ chức chính trị - xã hội, từ đó nhận thức rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, mong muốn được thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp và có nguyện vọng tha thiết được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

 

Các cấp, các ngành cùng vào cuộc

 

 

Làm khuôn mặt hàng sứ gia dụng tại Công ty Sứ Hảo Cảnh (Khu công nghiệp Tiền Hải).

 

Đề án số 10-ĐA/TU ngày 15/5/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước giai đoạn 2014 - 2020 đã đề ra mục tiêu: Mỗi năm tỉnh ta thành lập mới từ 10 tổ chức đảng và kết nạp 200 đảng viên trở lên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, ít nhất kết nạp được 2 đảng viên là chủ doanh nghiệp; 80% tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước hoàn thành nhiệm vụ, trong đó 50% đạt trong sạch, vững mạnh. Theo đồng chí Trần Lê Huy, Phó Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh: Công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trước hết là các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh. Vì vậy, cấp ủy các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động trong doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp về sự cần thiết phải củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Ban Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các huyện ủy, thành ủy, các ngành liên quan thường xuyên rà soát, quản lý cán bộ, đảng viên tại các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kết hợp với vận động thành lập tổ chức đảng, đoàn thể. Đối với các doanh nghiệp có tổ chức đảng cần thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức đảng cho phù hợp, thực hiện mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh để chủ doanh nghiệp thấy được lợi ích thiết thực của việc thành lập tổ chức đảng, tạo thuận lợi cho tổ chức đảng hoạt động, tạo sự lan tỏa tới những doanh nghiệp khác. Cấp ủy các cấp thường xuyên chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác phù hợp cho đội ngũ bí thư, cấp ủy viên, lãnh đạo các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước để họ có đủ năng lực, trình độ đóng góp trí tuệ, công sức nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn các tổ chức đảng trong doanh nghiệp các nội dung, phương pháp hoạt động phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh; tham mưu với tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước hoạt động có hiệu quả hơn. Tiếp tục thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân có đủ tiêu chuẩn vào Đảng, trước mắt tập trung vào những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. Các cấp, các ngành, tổ chức đảng, đoàn thể trong  doanh nghiệp chủ động tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật và những vấn đề thiết thân đối với công nhân như: việc làm, thu nhập, các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động... Ông Trần Trọng Kim, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Xí nghiệp May Thái Hà chia sẻ kinh nghiệm: Ở Tổng công ty May 10, người lao động là tài sản quý của doanh nghiệp, khi họ cùng mục tiêu, chí hướng với tổ chức đảng, ban giám đốc thì mọi việc đều thành công. Do vậy, bên cạnh việc nâng cao vai trò, tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cấp ủy, đảng viên, chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến đời sống của người lao động, tổ chức và tạo điều kiện công nhân tham gia các hoạt động xã hội, tiếp cận thông tin thời sự, nắm bắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội, từ đó họ thấy rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, có động lực, mục tiêu rèn luyện, phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

 

Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày