Thứ 4, 31/07/2024, 13:24[GMT+7]

Đưa Đảng về với dân (Kỳ 1)

Thứ 2, 31/10/2016 | 14:13:15
668 lượt xem
Ngày 20/2/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Thông báo số 222-TB/TU về thống nhất thời gian sinh hoạt chi bộ và phân công cán bộ về dự sinh hoạt với các chi bộ, đảng bộ các xã trong tỉnh. Cán bộ về dự sinh hoạt với đảng viên, cùng nhân dân xây dựng nông thôn mới đã trở thành “cầu nối” ý Đảng với lòng dân, việc “Đưa Đảng về với dân” đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Sản xuất cây màu cho thu nhập cao ở xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ).

KỲ 1: “CẦU NỐI” Ý ĐẢNG VỚI LÒNG DÂN

“Ngày của Ðảng”

Từ khi thực hiện Thông báo số 222, thời gian sinh hoạt chi bộ trong Ðảng bộ tỉnh duy trì nề nếp từ ngày 3 đến ngày 5 hàng tháng, đa số sinh hoạt vào ngày 3 và được cán bộ, đảng viên gọi là “ngày của Ðảng”. Các bước tiến hành sinh hoạt của hầu hết các chi bộ thực hiện đúng theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên. Ban chi ủy, đồng chí bí thư chi bộ chuẩn bị nội dung sinh hoạt chu đáo hơn. Trong sinh hoạt, các chi bộ đã thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Ý thức tổ chức kỷ luật, tính dân chủ, tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên được nâng lên. Các nội dung đưa ra bàn, lấy ý kiến và quyết định trong các buổi sinh hoạt có trọng tâm, trọng điểm, liên quan trực tiếp đến hoạt động của chi bộ và đời sống của nhân dân như lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh trật tự, bàn biện pháp giải quyết những vấn đề bức xúc, công tác xây dựng Ðảng và phát triển đảng viên… Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể, một số đơn vị của tỉnh và các huyện, thành phố đã chủ động sắp xếp thời gian dự sinh hoạt với các chi bộ ở các xã trong tỉnh. Ông Ðỗ Văn Ðình, Bí thư Chi bộ thôn An Chỉ, xã Bình Nguyên (Kiến Xương) chia sẻ: Từ khi thực hiện Thông báo số 222, cứ đến chiều ngày 3 hàng tháng, đảng viên Chi bộ thôn An Chỉ không ai bảo ai đều tự giác đến nhà văn hóa thôn sinh hoạt. Có cán bộ tỉnh, huyện dự sinh hoạt cùng ai cũng phấn khởi, luôn có ý thức trách nhiệm tham gia đóng góp ý kiến để cán bộ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân. Ngoài ra, những chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước được chuyển tải đến đảng viên đầy đủ, kịp thời hơn. Mặt khác, cán bộ có điều kiện tiếp xúc với đảng viên và nhân dân, góp phần nâng cao trình độ, có thêm kinh nghiệm thực tiễn.

Tại Thái Thụy, cùng với thực hiện nghiêm túc Thông báo số 222, Ban Thường vụ Huyện ủy đã triển khai thực hiện đề án “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và chất lượng sinh hoạt chi bộ nông thôn”. Cùng với việc hỗ trợ đảng bộ các xã, thị trấn mua sổ ghi chép cho tất cả đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ, huyện đã phân công hơn 100 đồng chí là cán bộ lãnh đạo huyện, trưởng, phó các phòng, ban, cơ quan, đơn vị về dự sinh hoạt với chi bộ nông thôn mỗi tháng một lần và coi đây là một kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy huyện nắm bắt tình hình, tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ  sở. Ông Lê Cao Ủy, Bí thư Ðảng ủy xã Thụy Văn (Thái Thụy) cho biết: Dự sinh hoạt với các chi bộ nông thôn, cán bộ tỉnh, huyện trực tiếp nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước ở nông thôn; tham gia với cấp ủy, chính quyền cơ sở về các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao; chủ động tham mưu với tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp ủy các cấp sớm đi vào cuộc sống. Cũng từ khi thực hiện Thông báo số 222, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt đảng cao hơn, bình quân chung toàn tỉnh từ 85% trở lên. Chất lượng sinh hoạt chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng cùng như việc giáo dục, quản lý đảng viên.

Cùng nhân dân xây dựng nông thôn mới

Theo đồng chí Ðỗ Xuân Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thông báo số 222 là một trong những giải pháp để Thái Bình thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay”, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Các cơ quan, đơn vị và cán bộ tỉnh được phân công phụ trách 80 xã khó khăn trong xây dựng nông thôn mới đã nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động tìm hiểu đặc điểm, tình hình địa phương, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phản ánh kịp thời với cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cơ sở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng.

Cơ giới hóa trên đồng ruộng ở Thái Thụy.

Chung tay góp sức cùng nhân dân các địa phương xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị đã vận động cán bộ, đảng viên, người lao động ủng hộ ít nhất một ngày công hoặc ngày lương, cao nhất là 10 ngày lương với tổng số tiền từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, điển hình như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 393 triệu đồng; Sở Giao thông Vận tải 200 triệu đồng; Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình 179 triệu đồng; Sở Nội vụ 133 triệu đồng; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng nhiều suất quà trị giá 105 triệu đồng; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh 70 triệu đồng… Không chỉ ủng hộ về vật chất, cán bộ cũng như các cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách các xã khó khăn trong xây dựng nông thôn mới đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giải đáp ngay nhiều ý kiến, kiến nghị hoặc vấn đề băn khoăn, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần đưa các xã về đích nông thôn mới sớm hơn kế hoạch đề ra.

Nguyên Xá (Ðông Hưng) trước đây là một trong những xã khó khăn trong xây dựng nông thôn mới, năm 2011 mới đạt 5 tiêu chí. Từ khi có cán bộ về tham gia sinh hoạt với Ðảng bộ xã và các chi bộ đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đưa địa phương về đích nông thôn mới năm 2015. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của xã gần 180 tỷ đồng; nhân dân hiến đất khi dồn điền đổi thửa hơn 162.000m2; đối ứng xây dựng kênh mương, giao thông nội đồng, đường trục thôn, xóm hơn 10 tỷ đồng.

Hơn 4 năm thực hiện Thông báo số 222 đã tạo nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ, nhất là chi bộ nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh. Hết năm 2015, toàn tỉnh có 164 xã về đích nông thôn mới, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. 80 xã khó khăn trong xây dựng nông thôn mới (năm 2013 chỉ đạt dưới 10 tiêu chí) từ khi có cán bộ được phân công phụ trách nay đã có 28 xã về đích, 46 xã đạt trên 10 tiêu chí, chỉ còn 6 xã đạt dưới 10 tiêu chí.

(còn nữa)

Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày