Thứ 7, 04/05/2024, 12:25[GMT+7]

Người anh hùng bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri

Thứ 2, 16/03/2020 | 11:22:40
73,094 lượt xem
Trong chiến dịch lịch sử “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…”, chiến đấu và phục vụ chiến đấu dưới “mưa bom bão đạn” của quân thù có nhiều tấm gương dũng cảm, mưu trí “gan không núng, chí không mòn”... Quê hương Thái Bình tự hào có anh hùng Tạ Quốc Luật (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) - người đại đội trưởng cùng đồng đội bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Công trình tri ân các anh hùng liệt sĩ xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy.

Chúng tôi về xã Thụy Hải vào một ngày đầu tháng 3/2020 gặp các bậc cao niên thôn Quang Lang Đông, ai cũng hiểu rất rõ về chiến dịch Điện Biên Phủ và anh hùng Tạ Quốc Luật, tự hào khi quê hương sinh ra người con ưu tú, góp phần làm nên chiến thắng trong thời khắc lịch sử quan trọng của dân tộc. Tạ Quốc Luật sinh năm 1925 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng. Ông tham gia phong trào thanh niên phản đế tại địa phương từ trước Cách mạng Tháng Tám và gia nhập cứu quốc quân từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công. 

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tạ Quốc Luật tình nguyện đi bộ đội. Năm 1947, ông là trung đội trưởng của Tiểu đoàn 151, tham gia nhiều trận đánh ở các tỉnh Bắc Cạn, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng và Lạng Sơn. Năm 1952, ông cùng đơn vị đánh cứ điểm Nà Sản. Sau trận này, ông được đề bạt làm Đại đội trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Tạ Quốc Luật đã chỉ huy đại đội lập nhiều chiến công xuất sắc, trong đó có chiến công bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri cùng Bộ Tham mưu của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chiều ngày 7/5/1954. 

Trong hồi ký về những tháng ngày lịch sử, Tạ Quốc Luật viết rất kỹ về trận đánh trận cuối cùng vào hầm Đờ Cát-xtơ-ri và bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri: “Khi chúng tôi vượt qua cầu Mường Thanh thì gặp một tên lính ngụy. Tôi hỏi tên này: Hầm Đờ Cát-xtơ-ri ở đâu? Hắn chưa hết run và chỉ vào căn hầm có nhiều cột ăng-ten nhỏ ở trên nóc. Tôi liền chỉ huy tổ của mình áp sát khu vực hầm và phân công đồng chí Nhỏ dùng thủ pháo ném vào cửa hầm uy hiếp, đồng thời cử hai chiến sĩ bịt cửa hầm bên kia rồi cùng với Nhỏ và Vinh vào cửa hầm bên này. Ánh sáng bên trong hầm hắt ra có thể nhìn rõ trần hầm có căng dù trắng. Số sĩ quan Bộ Tham mưu của Tập đoàn cứ điểm tỏ ra rất mệt mỏi và lo âu. Riêng Đờ Cát-xtơ-ri vẫn đội mũ ca-lô và ngồi cúi mặt xuống bàn. Khi đến gần, tôi hô lớn tiếng Pháp: “Giơ tay lên!”. Sau đó, Đờ Cát-xtơ-ri cầm máy điện thoại ra lệnh cho toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ đầu hàng. Lúc đó là 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954”. Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Tạ Quốc Luật tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Năm 1975, ông được giao nhiệm vụ chỉ huy bảo đảm thông tin thông suốt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với những cống hiến to lớn trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Tạ Quốc Luật được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Giải phóng miền Nam; Huân chương Chiến thắng. Năm 2004, ông được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Một điều đặc biệt nữa là anh hùng Tạ Quốc Luật chính là cháu nội của danh nhân văn hóa Tạ Hiện (Tạ Quang Hiện, còn gọi là cụ Đề Hẹn), làm quan trong triều đình nhà Nguyễn thời vua Tự Đức, giữ chức Đô thống quân vụ. Từng là vị quan võ trong triều, yêu nước, thương dân, giỏi cầm quân... nhưng cụ cũng là tấm gương tiêu biểu về nghĩa khí khi không tham địa vị, công danh.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã được độc lập, tự do nhưng tên tuổi của cụ Tạ Hiện và anh hùng Tạ Quốc Luật vẫn mãi mãi sống trong trang sử vàng oanh liệt của dân tộc, trong niềm tự hào của mỗi người dân, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo.


Đồng chí Nguyễn Quang Đại, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Hải


Phát huy truyền thống quê hương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tạ Quốc Luật, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thụy Hải đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Kinh tế tăng trưởng bình quân 13,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm. Nhiều chủ trương, nhiệm vụ lớn của tỉnh, huyện được triển khai thực hiện hiệu quả. Cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Thụy Hải về đích nông thôn mới năm 2018, sớm hơn một năm so với mục tiêu Đại hội. Lĩnh vực y tế, giáo dục có tiến bộ rõ rệt, quốc phòng - an ninh được giữ vững... Đây là tiền đề quan trọng để Thụy Hải bứt phá vươn lên trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, xây dựng xã ven biển giàu mạnh.

Đồng chí Tô Quyết Thắng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thụy Hải


Mỗi cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Thụy Hải hôm nay vẫn luôn nhớ về một người thầy, người đồng đội - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tạ Quốc Luật. Dù chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, tự do nhưng tên tuổi Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tạ Quốc Luật, người chỉ huy tổ xung kích bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri cùng Bộ Tham mưu của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 vẫn mãi lưu giữ trong trang sử vàng oanh liệt của dân tộc. Ông mãi là tấm gương sáng để mỗi cán bộ, hội viên cựu chiến binh chúng tôi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các thế hệ của quê hương Thụy Hải học tập và noi theo.

Ông Tạ Quang Vinh, thôn Quang Lang Đông, xã Thụy Hải

Dòng họ Tạ ở Thụy Hải có lịch sử hình thành hơn 400 năm với 16 đời nối dõi. Các anh chị em ruột của anh hùng Tạ Quốc Luật đều là những cán bộ lão thành cách mạng. Trải qua các cuộc kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược và bảo vệ Tổ quốc, dòng họ Tạ ở Thụy Hải có 12 liệt sĩ, 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 8 lão thành cách mạng. Hiện nay, các thế hệ con cháu dòng họ Tạ ở Thụy Hải đang sinh sống trên mọi miền của Tổ quốc, nhiều người là cán bộ quân đội, kỹ sư, bác sĩ... Phát huy truyền thống của quê hương, dòng họ, mỗi giai đoạn lịch sử đều có những người con của dòng họ Tạ đóng góp công sức, trí tuệ góp phần xây dựng quê hương, đất nước, làm rạng danh gia tộc.


Nhóm phóng viên