Thứ 6, 27/12/2024, 06:09[GMT+7]

Tinh gọn bộ máy từ cơ sở (Kỳ 2)

Thứ 6, 27/09/2019 | 08:22:36
1,328 lượt xem
Do việc sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố phải bảo đảm khoa học, thuận lợi trong việc quản lý của chính quyền cấp xã; bảo đảm thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân đòi hỏi mỗi địa phương phải linh hoạt trong quá trình xây dựng phương án sáp nhập sao cho hợp lý, cũng như tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ chủ trương, tạo sự đồng thuận nhất trí cao.

Người dân thôn Hoàng Môn, xã Nam Cường (Tiền Hải) trồng, chăm sóc đường hoa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Thôn Trần Phú, xã Thái Dương (Thái Thụy) có 144 gia đình, thuộc diện phải sáp nhập để đạt quy mô số hộ theo quy định. Sau khi cân nhắc kỹ các yếu tố lịch sử, văn hóa, địa lý, UBND xã Thái Dương đã xây dựng phương án sáp nhập thôn Trần Phú với thôn Chợ Phố (có 152 hộ) để thành lập thôn mới đủ tiêu chuẩn. 

Theo đồng chí Bùi Văn Bẩy, Chủ tịch UBND xã: Thôn Trần Phú là thôn cổ của địa phương có từ thời xa xưa còn thôn Chợ Phố là thôn mới thành lập năm 2002. Thôn Trần Phú và thôn Chợ Phố liền kề nhau, trong đó một bộ phận người dân thôn Chợ Phố có nguồn gốc từ thôn Trần Phú (trước đây ra mua đất ở khu vực này để sinh cơ lập nghiệp). Vì vậy, phương án sáp nhập thôn Trần Phú vào thôn Chợ Phố là hợp lý. Song song với việc xây dựng phương án sáp nhập, cấp ủy, chính quyền cùng các đoàn thể xã Thái Dương đã đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đặc biệt là người dân hai thôn liên quan đến sáp nhập. 

Đồng chí Phạm Văn Chính, Bí thư Chi bộ thôn Chợ Phố cho biết: Sau khi nhận được chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã, Chi bộ thôn đã ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo việc sáp nhập thôn, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn thể và từng đảng viên phụ trách khu dân cư tuyên truyền, vận động người dân về mục đích, hiệu quả của việc sáp nhập thôn; đồng thời xin ý kiến người dân về phương án đặt tên thôn mới là thôn Đoàn Kết và giải pháp về cơ sở vật chất sau sáp nhập. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên khi tổ chức lấy ý kiến cử tri, 100% người dân đồng ý với đề án sáp nhập, gần 84% người dân trong thôn đồng ý với tên gọi mới của thôn.

Theo đồng chí Nguyễn Duy Cam, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy: Toàn huyện Thái Thụy có 17 thôn (ở 14 xã) có quy mô không bảo đảm theo quy định phải sáp nhập với 15 thôn liền kề trong cùng đơn vị hành chính cấp xã thành 16 thôn mới. Đến nay, tất cả các xã đều hoàn thành bước xin ý kiến cử tri, trình HĐND xã thông qua đề án sáp nhập thôn trên địa bàn gửi UBND huyện để trình UBND tỉnh. Để có được kết quả trên, việc quan trọng nhất là phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng thời phải vận dụng một cách linh hoạt các văn bản chỉ đạo của cấp trên để thực hiện. Trước hết, phải quán triệt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và tuyên truyền đến người dân qua các ban, ngành, đoàn thể về mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập. Cùng với đó là việc nắm bắt tư tưởng, những vấn đề cán bộ, người dân còn băn khoăn, vướng mắc để có cách chỉ đạo, giải quyết kịp thời. Đặc biệt là phải giải thích một cách hợp lý, hợp tình về một số vấn đề cán bộ thôn và người dân quan tâm như: giải quyết vấn đề nợ đọng; cơ sở hạ tầng; nơi hội họp... Kịp thời rút kinh nghiệm những nơi thực hiện tốt và những nơi chưa tốt. Chỉ đạo các tổ công tác của huyện tăng cường bám sát cơ sở, kịp thời phối hợp giúp đỡ địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi giúp nhiều gia đình nâng cao thu nhập.

Cùng với Thái Thụy, Đông Hưng là một trong những địa phương sớm hoàn thành việc sáp nhập thôn, tổ dân phố và đã hoàn thiện hồ sơ gửi về Sở Nội vụ thẩm định. 

Đồng chí Nhâm Việt Trung, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện cho biết: Toàn huyện có 3 thôn, 5 tổ dân phố quy mô không đạt buộc phải sáp nhập. Việc triển khai sáp nhập thôn, tổ dân phố được các địa phương thực hiện theo đúng hướng dẫn, quy định, luôn coi trọng, lắng nghe ý kiến của người dân, bảo đảm không làm xáo trộn đời sống và sinh hoạt của người dân. Khi lấy ý kiến cử tri đại diện các hộ về đề án sáp nhập, các địa phương đã linh hoạt áp dụng đồng thời cả 2 hình thức: lấy phiếu tại cuộc họp và lấy phiếu tại hộ gia đình, do một số gia đình bận công việc không thể đến dự họp, bảo đảm tỷ lệ cử tri đồng ý theo quy định, vừa phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Theo quy định, đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố phải được trên 50% cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình của từng thôn, tổ dân phố sáp nhập tán thành.

Nhờ linh hoạt trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện nên việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đến nay cơ bản đã hoàn thành. Nhiều huyện đã hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ thẩm định) như Đông Hưng, Thái Thụy, Quỳnh Phụ và thành phố Thái Bình. Tuy nhiên vẫn còn một số thôn, tổ dân phố chưa hoàn thành việc sáp nhập theo quy định vì còn vướng mắc do tỷ lệ cử tri đồng thuận chưa đạt (tính đến ngày 13/9/2019 còn 7 thôn, tổ dân phố). Nguyên nhân chủ yếu là do người dân lo ngại việc sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến lịch sử truyền thống, phong tục, tập quán riêng. 

Đồng chí Bùi Phú Hưng, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Hưng Hà cho biết: Huyện hiện còn 1 tổ dân phố (thuộc thị trấn Hưng Nhân)  và 1 thôn (thuộc xã Phúc Khánh) thuộc diện phải sáp nhập nhưng chưa thực hiện được do tỷ lệ cử tri đồng thuận chưa đạt. Đối với những trường hợp này, địa phương vẫn đang tập trung tuyên truyền, vận động để người dân thấy được lợi ích của việc sáp nhập đồng thời giải đáp vướng mắc của người dân, sau đó tiếp tục xin ý kiến cử tri đại diện các hộ gia đình để làm cơ sở hoàn thiện thủ tục sáp nhập.

(còn nữa)

Đào Quyên

  • Từ khóa