Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh, liệt sĩ
Năm 1946, khi nước nhà vừa mới giành được độc lập, giữa bộn bề công việc và khó khăn chồng chất, nhưng Người vẫn không quên các thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ, cám ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó và tôi nhận các con liệt sĩ làm con của tôi”. Khi biết tin một chiến sĩ vệ quốc đoàn, con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh đầu năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư cho bác sĩ: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất đi một thanh niên là tôi mất đi một đoạn ruột”.
Tháng 6 năm 1947, Người đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm là Ngày Thương binh, liệt sĩ để đồng bào cả nước tỏ lòng biết ơn và tri ân đến họ. Trong thư gửi Ban Tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc, Người viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.
Thực hiện lời huấn thị của Người, tại Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành, khối ở Trung ương và các tỉnh họp ở Phú Minh (Đại Từ - Thái Nguyên) đã chính thức chọn ngày 27/7 là “Ngày Thương binh” trong cả nước. Đến năm 1955, “Ngày Thương binh” được đổi thành “Ngày Thương binh liệt sĩ” để toàn dân thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Hằng năm, cứ vào dịp tháng 7, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gửi thư thăm hỏi, động viên thương binh, gia đình liệt sĩ, một mặt khẳng định công lao, đóng góp của họ, một mặt động viên họ: “Các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương, cũng như các đồng chí đã từng là chiến sỹ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận”, để mỗi “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khi sang thăm nước Pháp, Người đã viếng thăm và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm chiến sĩ tử trận tại Biarit, mộ chiến sĩ vô danh tại Khải Hoàn Môn, mộ liệt sĩ bị phát xít Đức bắn trên đồi Valêriêng. Người nói “Trông thấy nghĩa sĩ Pháp vì độc lập và tự do mà bị người Đức tàn sát, lại nhớ đến nghĩa sĩ Việt cũng vì độc lập, tự do mà cũng bị người khác tàn sát, khiến cho người ta thêm nỗi cảm động ngậm ngùi”. Tình yêu thương, nhân ái của vị lãnh tụ kính yêu đã không bị một danh giới địa lý hay chính trị nào giới hạn mà trở thành yếu tố của lý tưởng chung: Bình đẳng và bác ái giữa hai dân tộc Việt - Pháp. Từ đó, Người khẳng định: Dù ở đâu, bất cứ nơi nào độc lập - tự do đều do xương máu của các nghĩa sĩ và sự đoàn kết của toàn dân mà xây nên. “Vậy nên, những người chân chính yêu chuộng độc lập, tự do của nước mình, thì cũng phải kính trọng độc lập, tự do của dân tộc khác”.
Tình yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ còn được thể hiện ở những nghĩa cử cao đẹp, bình dị và rất đỗi tự nhiên trong đời sống thường ngày. Người thường trích một tháng lương, dùng tiền do các Việt kiều biếu, dùng những bộ quần áo, khăn tay, các vật dụng khác để làm quà tặng cho anh em thương binh tại các trại điều dưỡng.
Ghi nhớ công lao của các liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên đặt vòng hoa viếng tại Đài liệt sĩ Hà Nội vào các dịp lễ, tết: “Ngày mai là năm mới... Trong lúc cả nước vui mừng, thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Bác thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ”. Không chỉ dừng lại ở đó, Người còn ký và ban hành các sắc lệnh về chế độ: “Hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”; thành lập sở, ty thương binh, cựu binh ở khu và tỉnh, đặt ra Bảng vàng danh dự, Bằng gia đình vẻ vang và truy trặng, phong tặng các danh hiệu anh hùng, huân, huy chương cho các liệt sĩ, thương binh.
Ngoài những việc làm nghĩa cử của bản thân, đối với thương binh, liệt sĩ, Người cũng nhấn mạnh: Để phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trở thành một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng trong thực tiễn, có hiệu quả và thiết thực, toàn Đảng, toàn dân phải vinh danh, ghi nhận công lao to lớn của thương binh, liệt sĩ và làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Nhiều tổ chức hội như “Hội mẹ chiến sĩ”, “Hội ủng hộ thương binh” được thành lập; nhiều phong trào như “Trần Quốc Toản”, “Đón thương binh về làng” được phát động rộng rãi, góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, thắt chặt thêm tình quân dân như “cá với nước”.
Nặng lòng với thương binh và gia đình liệt sĩ, trước lúc đi xa, trong bản Di chúc bất hủ, Người căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình” cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...”, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Đối với các liệt sĩ mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi nhận sự hi sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Đối với cha, mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương... phải giúp đỡ họ có công ăn, việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói, rét”.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến các đối tượng thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng đi vào chiều sâu và xã hội hóa cao. Các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc con liệt sĩ mồ côi, đi tìm hài cốt đồng đội, tu sửa, nâng cấp các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ... ngày càng thu hút sự tham gia của toàn xã hội.
Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2012), chúng ta càng thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và thực hiện tốt hơn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần tri ân đối với những người đã ngã xuống, những người đã gửi lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân.
Ngô Thị Kim Hoàn
(Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Tin cùng chuyên mục
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc 27.12.2024 | 09:25 AM
- Cựu thanh niên xung phong phường Đề Thám: Học và làm theo Bác, nhân lên những giá trị tốt đẹp 22.08.2024 | 09:16 AM
- Quy định 144-QĐ/TW: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới 04.07.2024 | 08:58 AM
- Ông Chọn say mê làm việc thiện 15.05.2024 | 08:42 AM
- Trường Tiểu học Trần Lãm báo công dâng Bác tại Quảng trường Thái Bình 26.03.2024 | 06:56 AM
- Học Bác từ những điều bình dị 12.02.2024 | 23:07 PM
- Triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 trong toàn tỉnh 19.01.2024 | 09:04 AM
- Đoàn kết nhân lên sức mạnh 26.10.2023 | 08:44 AM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Thực hiện lời Bác dạy: Công an cách mạng vì nhân dân phục vụ 24.10.2023 | 09:01 AM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất thông qua 11 nghị quyết
- Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thăm, chúc tết tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026
- Gặp mặt chức sắc đại diện các tôn giáo xuân Ất Tỵ năm 2025
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh: Gặp mặt và chúc tết các doanh nghiệp nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Đổi mới, sáng tạo trong hành động với tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá”
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Thái Bình