Thứ 4, 15/01/2025, 22:45[GMT+7]

"Uống nước nhớ nguồn" - Tình cảm và đạo lý của dân tộc tỏa sáng trong con người Hồ Chí Minh

Thứ 2, 23/07/2012 | 14:32:26
3,984 lượt xem
“Uống nước nhớ nguồn” mãi mãi là tình cảm và đạo lý cao đẹp của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Và đạo lý ấy càng được tỏa sáng trong tình cảm và lòng biết ơn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho những liệt sĩ, thương binh và những người có công với nước.

Lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài liệt sĩ Thành phố Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Năm 1947, Hội đồng Chính phủ họp tại một khu rừng ở Đại Từ (Thái Nguyên), thuộc chiến khu Việt Bắc. Theo lời đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh toàn quốc. Đến năm 1955 được đổi tên là Ngày Thương binh liệt sĩ. Ngày nay, ở xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ đã có tấm bia đá ghi lại sự kiện lịch sử này. “Uống nước nhớ nguồn” mãi mãi là tình cảm và đạo lý cao đẹp của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Và đạo lý ấy càng được tỏa sáng trong tình cảm và lòng biết ơn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho những liệt sĩ, thương binh và những người có công với nước.

Tháng 12-1945, trong thư gửi các chiến sĩ Nam bộ và Nam Trung bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Các anh chị em đã đem xương máu ra để giữ lấy từng tấc đất của Tổ quốc... Với một đất nước đã có những người con hy sinh như thế, anh hùng như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không bị mất”. Tháng Giêng năm 1947, trong thư gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô, Bác Hồ đã viết: “Các em là Đội cảm tử. Các em quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu của tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau. Các em hăng hái tiến lên, lòng Già Hồ, lòng Chính Phủ và lòng toàn thể đồng bào luôn luôn ở bên cạnh các em”.

Trong cuộc kháng chiến vĩ đại giữ nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao những cống hiến của các liệt sĩ, thương binh, những gia đình quân nhân và những người có công với nước. Bác nói: “Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh”. Nhận được thư của các thương binh, Bác Hồ viết: “Tôi tiếp được nhiều thư của các nam nữ chiến sĩ bị thương hăng hái hứa với tôi rằng: hễ vết thương khỏi thì lại xin ra trận. Lòng yêu nước, chí kiên quyết của các chiến sĩ thật là đáng quý. Các chiến sĩ đã hy sinh xương máu để giữ gìn đất nước, nay đã bị thương mà còn mong mỏi đi đánh giặc. Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý”.

Các liệt sĩ vẫn ngày đêm sống trong lòng tưởng nhớ của đồng bào.

Thấm nhuần đạo đức của dân tộc “Ăn quả nhớ người trồng cây”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của các đoàn thể, chính quyền phải học tập, noi gương, phải thương yêu, chăm sóc và có những hành động thiết thực để giúp đỡ thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ thương binh, gia đình bộ đội và những người có công với nước. Tư tưởng, tình cảm vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện trên những lời kêu gọi chân thành, giản dị, xúc động lòng người, mà còn thể hiện bằng cả những cử chỉ, hành động cụ thể hàng ngày đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Năm nào cũng vậy, cứ đến Ngày Thương binh liệt sĩ, Bác đều gửi thư và gửi một tháng lương của mình biếu thương binh. Nhiều khi kèm theo số tiền lương ấy, còn có cả những món tiền, món quà của đồng bào, chiến sĩ trong nước và kiều bào ở nước ngoài kính biếu Người. Dù bận việc nước, Bác vẫn dành thời gian đến thăm anh chị em thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Những cử chỉ, hành động đó của Bác, tình thương yêu bao la của Bác đã cuốn hút đồng bào cả nước ta hăng hái tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, đã tạo nên phong trào cách mạng rộng lớn của toàn dân.

Không chỉ nặng lòng với sự nghiệp chung, Bác Hồ kính yêu của chúng ta còn đau cả những nỗi đau riêng của từng người, từng gia đình. Ngày nay, vào thăm Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, chúng ta còn đọc được bút tích bức thư viết ngày 7/1/1947 của Bác Hồ gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng, một người theo đạo Thiên chúa, lúc đó là Giám đốc Y tế Bắc bộ: “Thưa ngài! Tôi được báo cáo rằng: Con trai của Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột!... Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc Ngài sẽ thêm sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và vui sướng. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn Ngài và gửi Ngài lời chào thân ái và quyết thắng”. Hôm ấy, cùng vào thăm Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh với chúng tôi là một đoàn các Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở tận phía Nam. Nghe giới thiệu bức thư này của Bác, nhiều bà mẹ đã không ngăn được nước mắt. Thì ra nỗi đau của mỗi người, của mỗi gia đình Việt Nam, Bác Hồ đều thấu hiểu và cảm thông.

Ngày nay, Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã tôn vinh các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng từ năm 1952, trong lúc cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt, Bác Hồ cũng đã viết: “Nhân dịp 8-3, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc. Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sĩ”. Bác cảm ơn và ca ngợi những bà mẹ Việt Nam đã hòa lẫn lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sĩ, thành một mối yêu thương không bờ bến mà giúp đỡ chiến sĩ, săn sóc thương binh...

Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc đã qua đi, nhưng trên đất nước yêu quý của chúng ta, từ Bắc chí Nam, đâu đâu cũng có những tấm gương, những tấm lòng và những hành động thể hiện tình cảm và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng vạn “Ngôi nhà tình nghĩa” đã được xây dựng để phụng dưỡng những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những gia đình liệt sĩ, thương binh. Rất nhiều những người vợ liệt sĩ, mặc dù đã đi bước nữa, nhưng vẫn chăm sóc cha mẹ chồng như cha mẹ đẻ của mình. Hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, cũng như biết bao nghĩa trang liệt sĩ khác trên toàn quốc, vẫn được nhân dân thường xuyên chăm sóc, trồng hoa, hương khói. Các liệt sĩ vẫn đêm ngày sống trong lòng tưởng nhớ của tất cả đồng bào. Những anh chị em thương binh cũng đã vượt qua mọi khó khăn, hòa mình vào cuộc sống của đất nước, trở thành những người công dân kiểu mẫu.

Và “Uống nước nhớ nguồn” mãi mãi là tình cảm và đạo lý cao đẹp của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam! Đạo lý ấy càng được tỏa sáng trong con người Hồ Chí Minh, trong thời đại Hồ Chí Minh.

Bùi Công Bính

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày