Thứ 6, 17/01/2025, 04:50[GMT+7]

Vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh về phát huy nhân tố con người ở Thái Bình hiện nay

Thứ 6, 15/05/2020 | 09:54:57
60,732 lượt xem

Ảnh tư liệu.

Vấn đề con người trong lịch sử vốn đã nằm ở vị trí trung tâm của nhiều học thuyết chính trị - xã hội. Ngay từ thời cổ đại một số nhà tư tưởng đã coi giải phóng con người là thước đo giải phóng xã hội, nhưng đến giai đoạn ngày nay với nền văn minh trí tuệ dưới tác động cuộc Cách mạng 4.0 khiến cho khả năng giải phóng triệt để con người có thể trở thành hiện thực. Thế nhưng, điều đó dường như bị tác động ngược lại với việc sử dụng triệt để thành tựu khoa công nghệ mà loài người phát minh ra nhưng không giải quyết được mẫu thuẫn vốn có của nó mà tình trạng áp bức, bóc lột, nô dịch con người càng nặng nề và tinh vi hơn. Vì vậy, tư tưởng của Hồ Chí Minh vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề giải phóng con người, trong đó cần phát huy nhân tố con người trong giai đoạn hiện nay không chỉ có giá trị về lý luận mà cả giá trị về thực tiễn. 

Phát huy nhân tố con người được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin: Con người không chỉ là sản phẩm của lịch sử xã hội mà còn là chủ thể quyết định đến tiến trình phát triển của lịch sử, đồng thời với tính chủ động, sáng tạo của con người, nhất là khi được phát huy hết năng lực sáng tạo còn có tác dụng sử dụng hiệu quả các nhân tố khác, gắn kết các nhân tố khác tạo thành một tổng thể các nhân tố cần thiết và định hướng tác động của mọi nhân tố vào mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc nói riêng và cho cả tiến trình phát triển của lịch sử. Với ý nghĩa trên, khi phân tích các yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất, V.I.Lênin đã khẳng định: “Lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn thể nhân loại là người công nhân, là người lao động”.

Lâu nay nói đến nhân tố con người thường người ta chỉ đề cập nhiều đến năng lực sáng tạo, nhưng với vai trò chủ thể của con người thì những yếu tố cần phát huy không chỉ dừng ở năng lực sáng tạo mà cả những phẩm chất, nhân cách, tiềm năng của con người được huy động vào quá trình cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội vì lợi ích của xã hội, nhân loại và của chính bản thân con người. Và từ quan niệm trên chúng ta phải nhận thức rõ nhân tố con người bao gồm: nhân tố xã hội phân biệt nó với nhân tố kinh tế, kỹ thuật, tài nguyên ... được huy động vào quá trình hoạt động thực tiễn để đem lại sự phát triển và tiến bộ xã hội; biểu hiện ra những tiêu chí số lượng, chất lượng của dân số và lao động; bao gồm một chỉnh thể các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo, các giới tính, lứa tuổi...khác nhau, nhưng liên kết chặt chẽ với nhau làm sức mạnh tổng hợp của cộng đồng để thúc đẩy tiến bộ xã hội; đồng thời nhân tố con người là những tiêu chí về nhân cách, bao gồm toàn bộ những yếu tố như phẩm chất, năng lực, đạo đức, tư tưởng, tình cảm, chức năng xã hội của con người... có thể khai thác, phát huy trong quá trình hoạt động thực tiễn xã hội.

Trong cấu trúc nhân cách, đạo đức và năng lực là hai thành phần cốt yếu tạo nên nhân cách của một con người. Trước hết, đạo đức được xem là cái gốc có giá trị định hướng cho hoạt động của con người hướng tới những giá trị đạo đức, tiến bộ và bền vững; năng lực, đặc biệt là năng lực sáng tạo là điều kiện và khả năng hiện thực để con người vươn lên chinh phục những đỉnh cao mới, thúc đẩy xã hội phát triển. Điều này, đã được Hồ Chí Minh luôn chú trọng và nhắc nhờ đến việc rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên và Người là tấm gương tiêu biểu trong thực hiện.

Thái Bình vinh dự, tự hào 5 lần đón Bác về thăm ghi nhận, dặn dò và mong Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt. Để đáp lại tình cảm đó Thái Bình luôn phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và tỉnh nhà để khai thác tiềm năng, thế mạnh của đất và người Thái Bình. Đặc biệt là từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay, những phẩm chất và truyền thống của con người Thái Bình không ngừng được phát huy, bồi đắp, tạo thành cội rễ tự nhiên làm nên sức mạnh để Đảng bộ và nhân dân Thái Bình vượt qua mọi khó khăn, gian nan, thử thách, giành được những thắng lợi tương đối toàn diện qua các thời kỳ lịch sử, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của dân tộc, đất nước. Có thể điểm những nét nổi bật qua các phong trào từ đấu tranh giành độc lập đến thời kỳ đổi mới nhân tố con người Thái Bình luôn được phát huy, khai phóng tiềm năng, năng lực như: Thái Bình là một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Chỉ trong vòng 6 ngày (từ 18/8/1945 - 23/8/1945), chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân; Cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, với tinh thần "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" và là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt 5 tấn thóc/01ha và "có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng", với trách nhiệm "tất cả vì miền Nam ruột thịt", 50 vạn người con của Thái Bình đã lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các mặt trận. Hai mươi năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Thái Bình đã thực hiện thành công chương trình “điện, đường, trường, trạm, thông tin, nước sạch”, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn. Thực hiện 5 trọng tâm phát triển kinh tế được đề ra từ Đại hội lần thứ XVI, đã quy hoạch và xây dựng được các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh phát triển nghề và làng nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, hình thành một số vùng sản xuất hàng hoá và phát triển kinh tế biển, đưa nền kinh tế của tỉnh thoát khỏi tình trạng trì trệ, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, GDP bình quân tăng 7,2%/năm. Nhất là năm 2019, trước thềm đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tỉnh Thái Bình đã có những thành tựu nổi bật như: đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, kịp thời, sát đúng tình hình thực tiễn, hợp với lòng dân như: Nghị quyết số 03-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 04-NQ/TU về tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình và đã chấp thuận cho các nhà đầu tư hạ tầng nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch 15 khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong Khu kinh tế với tổng diện tích 5.000ha, có 75 dự án đầu tư trong Khu kinh tế còn hiệu lực với vốn đầu tư đăng ký 13.538 tỷ đồng; Năm thứ tư liên tiếp tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức 2 con số; thu ngân sách tiếp tục đạt kết quả cao; nền kinh tế của tỉnh tiếp tục ổn định và duy trì đà tăng trưởng khá, tiếp tục đạt 2 con số. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 10,3%, tổng giá trị sản xuất tăng 14% so với năm 2018;  là 1 trong 8 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ biểu dương hoàn thành xây dựng nông thôn mới với 263/263 xã hoàn thành các tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, 01 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và là tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện giải quyết trên 80% thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh….

Để tiếp tục phát huy nhân tố con người ở Thái Bình hiện nay, với năng lực và tiềm năng sẵn có, cùng bề dày truyền thống văn hóa – xã hội, nhất là thành tựu của việc xây dựng và đổi mới hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, tập trung và đặc biệt chú trọng nhiều đến đổi mới công tác đánh giá, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ngày càng theo hướng mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan hơn thì cần tiếp tục thực hiện một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ,  cùng với việc tu dưỡng, rèn luyện, đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trên tinh thần cụ thể tiêu chuẩn đạo đức cơ bản: Cần, kiệm, liêm ,chính, chí công vô tư vào trong tiêu chí xây dựng nếp sống văn hóa nơi dân cư mà Thái Bình đã có quyết định trúng và hiệu quả với 5 quyết định của UBND tỉnh Thái Bình liên tục bổ sung, sửa đổi tính từ năm 1998.

Thứ hai, với Thái Bình lực lượng lao động chính vẫn là nông dân. Theo thống kê dân số của Thái Bình tại thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019 là 1.860.447 người, trong đó nam 905.408 người (chiếm 48,67%), nữ 955.039 người (chiếm 51,33%). Dân số sống ở khu vực thành thị 196.453 người (chiếm 10,56%), khu vực nông thôn 1.663.994 người (chiếm 89,44%. Vì vậy chủ thể là nông dân thì chúng ta phải chú trọng đào tạo người nông dân trở thành người công nhân nông nghiệp tức là đào tạo nghề làm nông nghiệp cho người nông dân thì mới thay đổi phương thức canh tác cơ bản của người nông dân theo chuyên môn hóa, chuyên sâu mà tổng kết 10 thực hiện Nghị quyết 26 về vấn đề tam nông đã đặt ra: Mục tiêu đến năm 2025 và 2030, Thái Bình phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 đạt 2,5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 đạt 2,0-2,5%/năm; đến năm 2030: tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 17 - 18% trong cơ cấu kinh tế. Về nông dân: đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, đến năm 2030 đạt trên 85%.

Thứ ba, cùng với giải pháp trên thì tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW hướng tới nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn để phát huy thật sự năng lực của người lao động. Đồng thời, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ tư, để tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, với một tỉnh nông nghiệp thì Thái Bình cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng chỉ số PCI để tạo môi trường điều kiện cho những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2019 tỉnh Thái Bình đã thể hiện sự quyết tâm của chính quyền và cũng là tỉnh có chỉ số PCI gốc tăng nhanh nhất cả nước: tăng 4 bậc và 2,15 điểm so với PCI năm 2018 và xếp nhóm khá, đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố với 65,38 điểm.

Thứ năm, tiếp tục nhân diện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Ngay sau khi được lựa chọn làm thí điểm xây dựng mô hình canh tác mới, Thái Bình đã xây dựng và thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng mô hình thí điểm cánh đồng mẫu” nhất là tạo ra sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất lúa, tuy nhiên với tiềm năng về môi trường chính trị, lực lượng lao động, điều kiện tự nhiên, khí hậu ở Thái Bình chưa được khai thác triệt để. Vì vậy, trong thời gian tới cần nhân rộng mô hình tại chỗ cũng như phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh ở các địa phương với phương châm định hướng và đầu tư của tỉnh có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa như chính sách: hỗ trợ kinh phí để các mô hình điểm xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo cơ chế xây dựng nông thôn mới nâng cao; hỗ trợ kinh phí mua giống cho cây màu vụ đông; hỗ trợ kinh phí cho chế biến và tiêu thụ sản phẩm hợp tác xây dựng "Cánh đồng mẫu lớn". 

Điều này đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định con người là chủ thể sáng tạo. Bởi vì, như chính người Mỹ cũng đã thừa nhận: “Ai cũng biết rằng trong thế kỷ XX, chính vật chất là sức mạnh của thời đại chúng ta, thời đại có nhiều tên gọi: thời đại năng lượng nguyên tử, thời đại phản lực, thời đại điều khiển học, thời đại chinh phục vũ trụ, thời đại tin học… Dù là kể đến thiết bị nào thì Mỹ cũng đều có và người Việt Nam đều không có. Sức mạnh duy nhất của họ là sức mạnh của con người”. Khi khai phóng đúng tiềm năng, năng lực cùng phẩm chất của con người Thái Bình sẽ là nhân tố quyết định sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội để đưa Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu mọi mặt, giàu có của đồng bằng Bắc Bộ và cả nước như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Trung ương mong muốn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb TB, M, 1977, tập 38, tr.430.

2. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, t. 3, tr. 39 -40, 11.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr.222; t.10, tr.310 

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, H.2006, tr. 87,95, 102 -103.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 BCH TW khóa XI, Nxb, CTQG, H. 2013.

6. Phạm Văn Hạc (Chủ biên): Về phát triển toàn diện con người thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nxb. Chính trị quốc gia, H.2001, tr.43.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 04-NQ/TW về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, ngày 30/10/2016

8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.217, 202

Thạc sỹ Phạm Thị Vân Anh

(Trưởng khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị Thái Bình)


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày