Thứ 3, 23/07/2024, 18:32[GMT+7]

Tình Bác sáng đời ta

Thứ 6, 15/05/2020 | 10:29:50
7,964 lượt xem
Không nhiều địa phương vinh dự như Thái Bình khi 5 lần được đón Bác Hồ về thăm. Thời gian trôi qua đã lâu nhưng ký ức về những ngày tháng đặc biệt đó vẫn còn in đậm trong trái tim nhiều người. Trong lần thứ năm Bác về thăm Thái Bình, tình cảm và sự quan tâm của Bác không chỉ là nguồn động viên, động lực phấn đấu mà còn là mục tiêu vươn tới của nhiều thế hệ người dân Thái Bình.

Đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) - nơi Bác Hồ về thăm, động viên nhân dân và cán bộ tỉnh Thái Bình.

Dù đã 85 tuổi, là thương binh, sức khỏe đã yếu nhưng trong ký ức của bà Đỗ Thị Xoa, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư), người vinh dự 4 lần được gặp Bác Hồ vẫn còn vẹn nguyên. Lần gặp Bác tại quê hương bà - đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa là bà ấn tượng nhất. Bà cho biết: Sáng ngày 1/1/1967, Bác về nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân tại đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa. Người biểu dương những cố gắng của nhân dân Thái Bình trong nhiều năm qua, đặc biệt là năm 1966 đồng thời nhấn mạnh đến sản xuất nông nghiệp, động viên các hợp tác xã thực hành tốt dân chủ, nêu cao tinh thần đoàn kết, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Người căn dặn: “Thái Bình có nhiều tiến bộ, Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. Trong buổi nói chuyện, Bác đặc biệt quan tâm đến phụ nữ và trẻ em. Bà Xoa vẫn còn nhớ rất rõ những câu hỏi thân tình của Bác trong ngày hôm đó: Có đồng chí nào đánh vợ không? Chị em phụ nữ có ai bị chồng đánh không? Bác ân cần hỏi thăm tất cả mọi người, đặc biệt là các cháu học sinh, từ chuyện cơm ăn, áo mặc tới chuyện học hành... Bác cũng khen Hiệp Hòa trồng cây giỏi. Bốn lần được gặp Bác và mỗi lời Bác huấn thị là động lực tiếp thêm sức mạnh giúp bà Xoa chiến thắng thương tật, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Những người có may mắn được gặp Bác như bà Đỗ Thị Xoa cả đời không quên được hình ảnh nhân từ của vị Cha già dân tộc, còn những người dân chưa có dịp được gặp Bác cũng luôn kính trọng, nhớ Bác. Ông Bùi Đình Mậu, thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa chia sẻ: Dù được trực tiếp đón, gặp Bác hay nhìn Bác từ xa hoặc nghe kể Bác đã về thăm quê hương mình thì mỗi người dân Hiệp Hòa đều trào dâng niềm tự hào. Người về đã động viên, khích lệ, tiếp thêm nghị lực và niềm tin để các thế hệ hăng hái tham gia lao động, chiến đấu, học tập theo tấm gương của Người.

Ngôi nhà lá trong khu lưu niệm Bác Hồ ở xã Tân Hòa (Vũ Thư) - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng.

Sau 53 năm Bác về nói chuyện tại đình Phương Cáp, dù còn nhiều khó khăn nhưng các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hiệp Hòa luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi gian khó để thực hiện những lời căn dặn của Bác. Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Hòa cho biết: Từ một Hiệp Hòa có hợp tác xã cao cấp đầu tiên trong hơn 30 hợp tác xã của vùng tả ngạn sông Hồng và là hợp tác xã kiểu mẫu với phong trào trồng cây, cấy căng dây thẳng hàng, cải tiến giống lúa mới, nay Hiệp Hòa đang chuyển mình trên đường đổi mới. 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,59%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản - thương mại, dịch vụ tương ứng đạt 34,22% - 42,72% - 23,06%. Đời sống của nhân dân ngày một nâng cao. 91% gia đình, 3/3 thôn và 2/2 nhà trường đạt danh hiệu văn hóa.

Trước khi về nói chuyện với nhân dân và cán bộ Thái Bình tại đình Phương Cáp, tối ngày 31/12/1966, Bác đã nghỉ lại một đêm tại khu sơ tán của Tỉnh ủy Thái Bình tại thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa (Vũ Thư). Vào thăm ngôi nhà lá hơn 53 năm trước Bác đã làm việc và nghỉ lại, chiếc bàn gỗ, giường gỗ đơn sơ, chiếc hầm bê tông tránh bom vẫn như phảng phất bóng hình của Bác... Nhớ Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Hòa luôn cố gắng vươn lên để xứng đáng với truyền thống cách mạng của vùng quê anh hùng. Đồng chí Bùi Công Trứ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa cho biết: Tổng giá trị sản xuất 5 năm qua của Tân Hòa ước đạt 1.352,179 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đến nay đã đạt 40,67 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều còn 1,95%; 100% người dân được sử dụng nước sạch. Năm 2015, Tân Hòa đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian sớm nhất.

Những thành tựu quan trọng và toàn diện đã đạt được về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã và đang là những minh chứng sinh động của Đảng bộ và nhân dân các địa phương học tập và làm theo lời Bác dạy, góp phần xây dựng Thái Bình “trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. Những nơi Bác đến thăm đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.


Ông Phạm Văn Đát, cán bộ quản lý khu lưu niệm Bác Hồ, xã Tân Hòa
Năm 1966, thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa được Tỉnh ủy Thái Bình chọn làm nơi sơ tán. Tối ngày 31/12/1966, tại ngôi nhà lá trong nơi sơ tán của Tỉnh ủy, Bác đã nói chuyện với các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy, thăm hỏi tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân và nghỉ lại một đêm. Sau khi Bác qua đời, nơi đây được quy hoạch xây dựng thành khu lưu niệm Bác Hồ. Hiện nay, khu lưu niệm Bác Hồ đang là nơi lưu giữ những kỷ vật của 5 lần Bác về thăm Thái Bình. Vào dịp kỷ niệm, dịp lễ, tết, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức dâng hương, dâng hoa, báo công dâng Bác, kết nạp đội viên, đoàn viên, đảng viên tại đây. Khu lưu niệm đã trở thành nơi hội tụ, niềm tin, lòng kính yêu vô hạn của các thế hệ người dân Thái Bình với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được giao trông coi khu lưu niệm, bản thân tôi luôn tự nhủ phải hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó đồng thời cũng là sự thể hiện lòng thành kính, biết ơn vô hạn công lao trời biển của vị Cha già kính yêu của dân tộc.
Em Nguyễn Thị Thu Trang, học sinh lớp 6A, Trường Tiểu học - THCS Hiệp Hòa
Chưa bao giờ được gặp Bác nhưng qua lời kể của thầy cô, các ông, các bà, các bài hát, những câu chuyện về Bác, em cũng hiểu được và yêu quý Bác. Hết lòng yêu thương và ân cần dạy bảo, Bác dành tặng cho thiếu niên, nhi đồng những lời động viên, những món quà là chiếc kẹo, cái bánh trong những lần gặp mặt, có đôi lúc ở xa Bác vẫn có những lá thư chúc mừng. Những câu chuyện kể về Bác càng ý nghĩa hơn khi chúng em được nghe kể ngay tại đình Phương Cáp và khu lưu niệm Bác Hồ trong những giờ học ngoại khóa, lễ báo công dâng Bác, kết nạp đội viên. Chúng em tự hào đã sinh ra, lớn lên và học tập tại nơi mà Bác Hồ về thăm. Nhớ lời Bác dạy, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình, chúng em hứa sẽ chăm ngoan, cố gắng hết mình trong học tập, rèn luyện để trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Xuân Phương