Cách mạng Tháng Tám và Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự vùng dậy của dân tộc ta trong suốt 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, với cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, cuộc vận động dân chủ 1936-1939 đến phong trào giải phóng dân tộc 1939-1945. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, theo Hồ Chủ tịch, là “vì chính sách của Đảng đúng và thi hành chính sách ấy kịp thời và linh động”, “do sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Đảng, do sức đoàn kết và hăng hái của toàn dân trong và ngoài Mặt trận Việt Minh”.
Viết về ý nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: “Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây dựng nền tảng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. “Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử nước ta”.
Thành quả lớn nhất của Cách mạng Tháng Tám là xây dựng Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam, với đặc trưng nổi bật: Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trong bài “Chính phủ là công bộc của dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”.
Ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng toàn dân xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân. Về chính quyền nhân dân ở các địa phương, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Các Ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các Ủy ban đó”.
Những ngày tháng sau Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh giành nhiều thời gian viết về xây dựng các Ủy ban nhân dân. Bài “Cách thức tổ chức các Ủy ban nhân dân, ngày 11-9-1945”. Người nhấn mạnh: “Ủy ban nhân dân làng trái với các hội đồng kỳ mục cũ thối nát, sẽ làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng. Nó hết sức tránh những cuộc bắt bớ đánh đập độc đoán, những cuộc tịch thu tài sản không đúng lý. Ủy ban nhân dân thận trọng hết sức trong chỗ chi dùng công quỹ, không dám tùy ý tiêu tiền vào những việc xa phí như ăn uống”. “Những nhân viên Ủy ban sẽ không lợi dụng danh nghĩa Ủy ban để gây bè tìm cánh, đưa người “trong nhà trong họ” vào làm việc với mình”. “Ủy ban nhân dân là Ủy ban có nhiệm vụ thực hiện tự do, dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do, dân chủ đó”.
Chính quyền ở địa phương ở cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi dân chủ trực tiếp với nhân dân. Trong bài “Sao cho được lòng dân?, ngày 12-10-1945”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dẫu khó đến đâu cũng mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được đặc biệt chú ý” “muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.
Trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, ngày 17-10-1945”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Điều này cho thấy, bản chất cách mạng và dân chủ của chính quyền nhân dân, nguồn gốc sức mạnh của chính quyền là ở sự gắn bó với nhân dân, hết lòng, hết sức mưu cầu tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Hồ Chí Minh rất coi trọng việc phát huy dân chủ của người dân để lựa chọn ra người đại biểu vào cơ quan chính quyền nhà nước. Do đó, ngày 3-9-1945, phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người đã đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Theo Người, “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, giàu nghèo, dòng giống, v.v. “Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”.
Để bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân được thực thi, Hồ Chí Minh yêu cầu phải quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”. Người nhấn mạnh “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Do đó, ngày 9-11-1946, Bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được thông qua tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I. Trong hoàn cảnh cách mạng nước nhà ngàn cân treo sợi tóc, “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, việc thông qua Hiến pháp càng có ý nghĩa quan trọng về thực tiễn và pháp lý. Đây còn là thành quả to lớn của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiến pháp là thành quả vẻ vang của cách mạng và được xây dựng trên các nguyên tắc: Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, trai gái, giai cấp, tôn giáo; Bảo đảm các quyền tự do dân chủ; Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.
Bản chất cách mạng và nhân dân, tính chất dân chủ và pháp quyền hòa quyện thống nhất với nhau thể hiện trong bản Hiến pháp 1946 “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”. Có tới 11 điều của Hiến Pháp quy định về quyền lợi của công dân (từ điều 6 đến điều 16). Hiến pháp xác định mọi công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa. Công dân đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình (…). Người tàn tật, già cả được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng. Thực hiện chế độ phổ cập giáo dục bắt buộc v.v. Đó là những nội dung dân chủ mang tính cách mạng sâu sắc. Từ đó đến nay, những nội dung đó vẫn được tiếp tục được bổ sung, phát triển trong các bản Hiến pháp tiếp theo, đã và đang được thực hiện một cách sinh động trên đất nước ta.
Những quy định trong Hiến pháp thể hiện sâu sắc bản chất của Nhà nước kiểu mới của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhà nước của dân và do dân nghĩa là nhân dân xây dựng, củng cố, bảo vệ chính quyền nhà nước. Nhà nước vì dân nghĩa là nhà nước mưu cầu quyền lợi, hạnh phúc cho nhân dân. “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”; “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Như vậy, vì dân không chỉ là mục tiêu hoạt động và tồn tại của chính quyền mà còn là phương thức, phong cách và phương pháp hành động của chính quyền.
Trong xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Hồ Chí Minh rất chú trọng rèn luyện đội ngũ cán bộ chính quyền. Người nghiêm khắc phê phán những biểu hiện như: “ngang tàng, phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”, đời sống nhân dân khốn khổ mà cán bộ “Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra? Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức”. Thái độ đó làm mất lòng tin của nhân dân và uy tín của Chính phủ. Do đó, Người mong muốn mọi người sửa chữa để chính quyền ngày càng hoàn thiện và làm việc tốt hơn “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lỗi lầm trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặt ra yêu cầu mọi cán bộ phải thường xuyên tự phê bình, tự giáo dục, tự chỉ trích để khắc phục khuyết điểm và cái hư hỏng trong mỗi người và trong bộ máy. Những khuyết điểm nhỏ của cán bộ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì ảnh hưởng đến khối đoàn kết toàn dân. Vì vậy, chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay. Chúng ta không sợ có khuyết điểm mà chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta mong muốn và đã làm hết sức mình để xây dựng, củng cố vững chắc Nhà nước kiểu mới – Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 về phương diện xây dựng nhà nước kiểu mới mãi mãi là bài học lớn, là định hướng để xây dựng và không ngừng hoàn thiện Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam nêu ra những quan điểm và biện pháp cơ bản về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đại hội chỉ rõ: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo. Nhà nước chăm lo, phục vụ nhân dân, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân” . Đó là sự tiếp tục phát triển thành quả của Cách mạng Tháng Tám và sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí minh về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân trong thời kỳ mới.
Theo Tapchixaydungdang
Tin cùng chuyên mục
- Cựu thanh niên xung phong phường Đề Thám: Học và làm theo Bác, nhân lên những giá trị tốt đẹp 22.08.2024 | 09:16 AM
- Quy định 144-QĐ/TW: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới 04.07.2024 | 08:58 AM
- Ông Chọn say mê làm việc thiện 15.05.2024 | 08:42 AM
- Trường Tiểu học Trần Lãm báo công dâng Bác tại Quảng trường Thái Bình 26.03.2024 | 06:56 AM
- Học Bác từ những điều bình dị 12.02.2024 | 23:07 PM
- Triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 trong toàn tỉnh 19.01.2024 | 09:04 AM
- Đoàn kết nhân lên sức mạnh 26.10.2023 | 08:44 AM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Thực hiện lời Bác dạy: Công an cách mạng vì nhân dân phục vụ 24.10.2023 | 09:01 AM
- Học Bác để lan tỏa yêu thương 06.06.2023 | 14:48 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh