Dân với Chính phủ, Chính phủ với dân
Đặc biệt, ngay từ đó, Bác Hồ đã nhấn mạnh “Nước ta là nước dân chủ”:
“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Không phải đến năm1949, mà ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong nhiều bài viết Bác đã khẳng định địa vị làm chủ của người dân và bổn phận phục vụ của các cấp chính quyền từ Trung ương. Bác Hồ đã khẳng định rõ ràng “Chính phủ là công bộc của dân” khi Người lấy chính câu này làm tít bài báo đăng trên Báo Cứu quốc, số ra ngày 19-9-1945.
Trong bài báo đó Bác Hồ đã nói: “Người xưa nói: quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân”; cho nên “Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết. Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng trên Báo Cứu quốc ngày 17-10-1945, Bác Hồ tiếp tục khẳng định: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”.
Trong một lần nói chuyện tại Trường Công an trung cấp khóa 2, Bác nói: “Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần nữa”. Thậm chí, trong một lần nói chuyện với đại biểu nhân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa, Bác Hồ còn quả quyết rằng “Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ. Làm việc ngày nay không phải để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi”.
Như vậy, qua những lời căn dặn của Bác, cho đến nay, quan điểm chủ đạo Chính phủ là “do dân cử ra”, để phục vụ dân, đại diện cho dân quản lý nhà nước, thực thi pháp luật, không được làm gì có hại cho dân vẫn còn nguyên giá trị. Thế nhưng, trong thực tế hiện nay, đây đó trong cả nhận thức cũng như việc làm lại có những hiện tượng ngược lại với quan điểm nói trên. Chẳng hạn, cơ chế xin-cho là biểu hiện của sự ban phát: có người xin và có người cho. Người xin ở đây là người dân, những cơ quan, tổ chức đại diện cho người dân ở cấp dưới. Người cho ở đây là các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước và cao hơn là Chính phủ. Thường thì mọi quan hệ cho-nhận là mối quan hệ không dựa trên nghĩa vụ và quyền lợi mà dựa trên sự hảo tâm đầy cảm tính và tùy tiện.
Về bản chất chế độ ta, Chính phủ do dân cử ra, hay nói một cách thị trường thì là những người làm thuê cho dân. Tiền lương, mọi chi phí cho bộ máy, phương tiện làm việc, đi lại của bộ máy hành chính lấy từ nguồn thuế của người dân và những tài sản quốc gia từ khai thác tài nguyên thiên nhiên. Chính phủ khi tạo ra của cải vật chất thông qua điều hành, quản lý sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ thì của cải đó thuộc về ông chủ, tức người dân. Ấy thế mà khi những người đày tớ làm thất thoát hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng thì “người đày tớ” vẫn không bị “đuổi việc” không bị bồi thường nghĩa là sao?
Người dân, từ chỗ là ông chủ lại trở thành người phụ thuộc và phải đi xin Chính phủ. Chính vì vậy, người dân trở thành người lệ thuộc và mỗi lần đến cơ quan công quyền thường lo sợ vì cứ nghĩ là mình phải đi xin và là người chịu ơn các cơ quan công quyền, cũng như những cá nhân thực thi công vụ ở đó. Nếu may mắn, người dân gặp được những người thi hành công vụ biết điều, tốt bụng thì được nhờ. Không may gặp phải những người gây khó khăn, nhũng nhiễu, cản trở thì người dân cũng chỉ cam chịu, không biết kêu ai bởi “quan thì xa, bản nha thì gần”. Thực trạng khá phổ biến như trên trong xã hội hiện nay nói lên một thực tế ngược đời rằng: những người “làm thuê” cho dân lại đang đứng ở vị trí của “ông chủ”. Nhiều người làm thuê này lại ý thức, tự hào về địa vị “ông chủ” của mình, tự thấy mình đứng ở phía trên người dân để ban phát, dạy bảo.
Do vậy, vấn đề đặt ra hiện nay không phải chỉ là câu chữ, ngữ nghĩa nữa mà phải thật sự trao quyền làm chủ cho người dân, nhất là dân chủ trực tiếp. Để nhà nước thật sự là “nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” chứ không thể là khẩu hiệu suông. Không để tình trạng mập mờ chủ - tớ như hiện nay. Nhân dân có quyền đòi hỏi xây dựng một cơ chế xem xét, sàng lọc, thải loại cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước không còn đủ phẩm chất, năng lực làm việc cho dân. Việc Quốc hội nước ta đang chuản bị quy định lấy phiếu tín nhiệm cán bộ thuộc diện Quốc hội, hội đồng nhân dân bổ nhiệm, phê chuẩn là bước mở đầu cho công tác này. Thế nhưng nếu cứ hai năm/lần lấy phiếu tín nhiệm và hai lần liên tục không đủ số phiếu tín nhiệm thì mới bãi miễn chức vụ, e rằng lâu quá. Vì một nhiệm kỳ công tác thường nhiều nhất là 5 năm. Lấy phiếu tín nhiệm kiểu như vậy thì cán bộ, công chức đã “hạ cánh an toàn rồi!”
Theo Tapchixaydungdang
Tin cùng chuyên mục
- Cựu thanh niên xung phong phường Đề Thám: Học và làm theo Bác, nhân lên những giá trị tốt đẹp 22.08.2024 | 09:16 AM
- Quy định 144-QĐ/TW: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới 04.07.2024 | 08:58 AM
- Ông Chọn say mê làm việc thiện 15.05.2024 | 08:42 AM
- Trường Tiểu học Trần Lãm báo công dâng Bác tại Quảng trường Thái Bình 26.03.2024 | 06:56 AM
- Học Bác từ những điều bình dị 12.02.2024 | 23:07 PM
- Triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 trong toàn tỉnh 19.01.2024 | 09:04 AM
- Đoàn kết nhân lên sức mạnh 26.10.2023 | 08:44 AM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Thực hiện lời Bác dạy: Công an cách mạng vì nhân dân phục vụ 24.10.2023 | 09:01 AM
- Học Bác để lan tỏa yêu thương 06.06.2023 | 14:48 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh