Thứ 6, 22/11/2024, 22:40[GMT+7]

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ trong xây dựng đội ngũ cán bộ giai đoạn hiện nay

Thứ 4, 31/10/2012 | 13:45:11
5,865 lượt xem
Ðể việc đánh giá cán bộ, sử dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ được chính xác, người lãnh đạo và cơ quan tổ chức phải nắm vững yêu cầu nhiệm vụ chính trị và phải có cái tâm trong sáng, chí công vô tư. Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa địa phương, cục bộ, bè phái là những cản trở lớn nhất trong công tác cán bộ, làm cho nhân tài bị vùi dập, thui chột, mặt khác tạo điều kiện cho bọn cơ hội lộng quyền, gây tổn thất lớn cho sự nghiệp cách mạng. Phải kiên quyết đấu tranh loại trừ những căn bệnh nguy h

Ảnh: tư liệu. Nguồn Internet

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới công tác cán bộ và huấn luyện cán bộ của Ðảng. Tư tưởng về công tác cán bộ của Người nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, có năng lực lãnh đạo, biết tổ chức quần chúng thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng của nước ta, đi đến mục tiêu đã chọn. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi cán bộ là gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “cán bộ là những người đem chính sách của Ðảng, của chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Ðồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Ðảng, cho chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng”1. Như vậy công tác cán bộ của Ðảng có ý nghĩa quyết định tới sự thành bại của cách mạng. Vận dụng tư tưởng của Người trong công tác cán bộ có nhiều nội dung nhưng chúng ta cần chú ý tới mấy việc chủ yếu sau:

 

Thứ nhất: Phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ. Ðánh giá cán bộ là việc đưa ra kết luận xác đáng về đức và tài, về trình độ năng lực, khả năng phát triển của cán bộ. Ðây là khâu khó khăn nhất, phức tạp nhất, dễ gặp vướng mắc nhất nên làm việc này không thể tùy tiện. Ðể đánh giá đúng cán bộ trước hết phải hiểu cán bộ, đặt họ trong mối quan hệ toàn diện nhiều chiều; phải lấy tiêu chuẩn hiệu quả, chất lượng công việc để đánh giá. Khi đánh giá cán bộ đòi hỏi phải công tâm, vô tư, khách quan, hết sức tránh tình trạng cảm tính, yêu ghét xuất phát từ lợi ích của người đánh giá.

 

Thứ hai: Khéo dùng cán bộ. Dùng người là cả một nghệ thuật, là khâu trung tâm của công tác cán bộ. Do đó nếu bố trí đúng sẽ phát huy mặt mạnh của cán bộ, thúc đẩy được phong trào và còn hạn chế được mặt yếu, mặt dở của họ để chọn đúng người giao đúng việc, nâng chỗ tốt, sửa chỗ xấu. Cán bộ nào cũng có mặt mạnh và mặt yếu, người có tài thường hay có tật nào đó về cá tính, về phong cách ứng xử, nếu chỉ vì hẹp hòi, định kiến với một vài khuyết tật nhỏ thì có thể sẽ bỏ phí một nhân tài. Người lãnh đạo giỏi dùng cán bộ cũng như người thợ khéo dùng gỗ vậy, phải nắm vững nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ tổ chức của từng thời kỳ cách mạng, ở từng lĩnh vực khác nhau để có sự sắp xếp, điều động, điều chỉnh cán bộ cho phù hợp. Khi đã đánh giá đúng và bố trí công tác hợp lý cho cán bộ thì phải tin cậy cán bộ, mạnh dạn giao việc để cán bộ chủ động, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chỉ có như vậy cán bộ mới mau trưởng thành.

 

Thứ ba: Huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc gốc của Ðảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng là khâu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng cán bộ, vì vậy phải làm thiết thực. Học để làm việc, nội dung huấn luyện phải rất cụ thể tránh tình trạng học không thiết thực, học rồi không sử dụng được. Nguyên tắc huấn luyện là phải chú ý đến kinh nghiệm, thực tế, lý luận phải đi đôi với thực tế. Việc huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ gồm những nội dung huấn luyện về nghề nghiệp, huấn luyện về chính trị, huấn luyện về văn hóa, huấn luyện về lý luận.

 

Thứ tư: Khéo kết hợp cán bộ già và cán bộ trẻ. Cán bộ ở các lứa tuổi khác nhau có trình độ năng lực, hoàn cảnh, tâm sinh lý, quá trình cống hiến khác nhau. Do vậy, việc sử dụng kết hợp cán bộ già - trẻ là một công việc hết sức nhạy cảm. Cán bộ già có kinh nghiệm, chắc chắn nhưng lại hạn chế về sức khỏe, không bắt nhịp nhanh với sự phát triển của thời đại, có biểu hiện công thần, chưa tin tưởng vào lớp trẻ, bảo thủ, lạc hậu, chậm đổi mới. Còn cán bộ trẻ có sức bật tốt, nhanh nhạy với cái mới, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, song hạn chế là thiếu kinh nghiệm, chủ quan, thiếu chín chắn. Nếu hai bên tôn trọng nhau, giúp đỡ lẫn nhau, học hỏi nhau, đoàn kết chặt chẽ thì công việc sẽ rất tốt đẹp. Khi đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cán bộ già là vốn quý của Ðảng, cán bộ già phải hoan nghênh, dạy bảo, động viên, dìu dắt, yêu mến cán bộ mới. Cán bộ mới vì công tác chưa lâu, kinh nghiệm còn ít, còn nhiều khuyết điểm nhưng họ nhanh nhẹn hơn và giàu sáng kiến hơn. Vì vậy, cán bộ mới phải chịu khó học hỏi, tôn trọng cán bộ già. Khi xảy ra mất đoàn kết, cán bộ cũ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn vì cán bộ cũ giữ cương vị lãnh đạo”2.

 

Thứ năm: Yêu thương cán bộ. Cán bộ là người chịu trách nhiệm trước dân và hiệu quả công việc nơi mình phụ trách nên chịu nhiều sức ép, không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm. Vì vậy, chỉ có yêu thương cán bộ mới giúp họ vượt qua mọi thử thách, giải tỏa sức ép. Yêu thương cán bộ càng phải thật thà góp ý phê bình cán bộ cốt để mọi người tiến bộ hơn.

 

Ðể việc đánh giá cán bộ, sử dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ được chính xác, người lãnh đạo và cơ quan tổ chức phải nắm vững yêu cầu nhiệm vụ chính trị và phải có cái tâm trong sáng, chí công vô tư. Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa địa phương, cục bộ, bè phái là những cản trở lớn nhất trong công tác cán bộ, làm cho nhân tài bị vùi dập, thui chột, mặt khác tạo điều kiện cho bọn cơ hội lộng quyền, gây tổn thất lớn cho sự nghiệp cách mạng. Phải kiên quyết đấu tranh loại trừ những căn bệnh nguy hiểm ấy!

 

Lê Mai Phương

(Trường Chính trị tỉnh)

 

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà nội 1996, tập 5, trang 243.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà nội 1996, tập 5, trang 269

  • Từ khóa