Thứ 4, 03/07/2024, 16:30[GMT+7]

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam

Thứ 3, 29/01/2013 | 18:19:56
17,352 lượt xem
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam là hệ thống toàn diện quan điểm của Người về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; về vai trò, bản chất, quan niệm của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam bắt nguồn từ học thuyết của Mác về Đảng cộng sản và trực tiếp từ học thuyết về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân đã được Lênin đưa ra từ những năm đầu của thế kỷ XX.

Trong quá trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920 và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Từ đó, Người xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam là giành độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” xuất bản năm 1927, Người khẳng định: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Vấn đề được Người quan tâm hàng đầu về mặt tổ chức là sớm lập ra Đảng Cộng sản - nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Với vai trò tích cực của Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị về mặt tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức, ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Sự ra đời của Đảng là kết quả của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và đấu tranh giai cấp ở nước ta trong những năm đầu thế kỷ XX; là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.

- Về bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, đội tiên phong của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân.

Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (2-1951), Người cho rằng: “Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Những quan điểm trên của Hồ Chí Minh dựa trên quan điểm của V.I Lênin về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản. Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng. Mục tiêu của Đảng là chủ nghĩa cộng sản. Đảng tuân thủ một cách nghiêm túc, chặt chẽ những nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản.

 - Quan niệm của Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền
Ngay sau khi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, vì từ đó, Đảng lãnh đạo cách mạng trong điều kiện đã có chính quyền. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Hồ Chí Minh đã khẳng định mục tiêu đấu tranh của Đảng là lãnh đạo nhân dân giành lấy chính quyền, trở thành Đảng cầm quyền mang lại lợi ích cho dân tộc, độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Đảng không phải là một tổ chức tự thân, vì vậy mục đích, tôn chỉ của Đảng là “tận tâm”, “tận lực”, “phụng sự” và “trung thành với lợi ích của dân tộc Việt Nam”.

Đảng cầm quyền, nhưng Đảng không thay đổi bản chất, không thay đổi mục đích lý tưởng của mình. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chính sách, các định hướng về chủ trương công tác; bằng tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tổ chức, kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng lựa chọn, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ phẩm chất, đạo đức và năng lực vào trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền theo đúng quy trình, thủ tục và pháp luật của Nhà nước. Đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật, liên hệ mật thiết với nhân dân và luôn luôn chịu sự giám sát của nhân dân.

Là lực lượng duy nhất cầm quyền, Đảng chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước nhân dân về sự bảo vệ toàn vẹn độc lập dân tộc, về sự phát triển của đất nước, về hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Đảng cầm quyền vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Trong Di chúc, Người viết "Đảng ta là một Đảng cầm quyền... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Quan điểm này của Hồ Chí Minh là sự vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận Mác-Lênin về Đảng vô sản kiểu mới. Người nhấn mạnh “việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Mỗi cán bộ, đảng viên “đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân…”.

Đảng cầm quyền, dân là chủ, Đảng phải lấy “dân làm gốc”. Dân chỉ có thể làm chủ thực sự khi có sự lãnh đạo của Đảng. Mỗi người dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh là để bảo đảm quyền làm chủ thực sự của mình.
Tư tưởng và những chỉ dẫn quý báu của Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam là đường hướng, phương châm khoa học, cách mạng, để Đảng và nhân dân Việt Nam xây dựng Đảng trở thành Đảng cách mạng chân chính, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao, để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi tới thành công.

Vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đây không những là nghị quyết cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng về lĩnh vực xây dựng Đảng mà còn là nghị quyết có tầm chiến lược trong việc thực hiện Di huấn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về tự phê bình và phê bình; về sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Việc thực hiện hiệu quả nghị quyết vừa là yêu cầu, vừa là nhiệm vụ bức thiết, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng, mỗi đảng viên, để Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.

(Chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh)


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày