Thứ 3, 03/12/2024, 05:50[GMT+7]

Kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ năm (31/12/1966 - 31/12/2021) Hiệp Hòa đón Bác về thăm

Thứ 2, 13/12/2021 | 08:29:36
2,627 lượt xem
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình. Thật tự hào khi quê lúa vinh dự được 5 lần đón Bác về thăm. Trong lần thứ năm về thăm, ngày 1/1/1967, Bác nói chuyện với cán bộ, nhân dân Thái Bình tại đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư).

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, nhân dân tỉnh Thái Bình tại đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư), ngày 1/1/1967. Ảnh tư liệu

Vinh dự được 4 lần gặp Bác Hồ nhưng ấn tượng sâu đậm nhất đối với bà Đỗ Thị Xoa, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư) vẫn là lần được gặp Bác tại đình Phương Cáp quê mình. 

Bà Đỗ Thị Xoa nhớ lại: Từ đêm ngày 31/12/1966, chúng tôi được lệnh triệu tập họp ở hợp tác xã Tân Phong, xã Việt Hùng. Đến tờ mờ sáng ngày 1/1/1967, chúng tôi được thông báo thay đổi địa điểm họp tại đình Phương Cáp quê tôi. Khi Bác đến, tôi và tất cả mọi người đều vô cùng ngạc nhiên, xúc động. Khi đó Bác gầy và sức khỏe có vẻ giảm sút. Bệ chắn cửa ở đình Phương Cáp khá cao, tôi thấy đồng chí Tố Hữu và đồng chí Hoàng Anh phải dìu, đỡ Bác bước qua bệ cửa. Bác vào, chào hỏi mọi người xong, quan sát một lượt thấy có rất ít phụ nữ, chị em lại e dè ngồi tận phía sau, Bác nói: “Các cô phụ nữ ngồi hàng ghế trên cho dễ nghe”. Rồi Bác nhìn về phía các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy nhẹ nhàng bảo: “Các chú triệu tập hội nghị thiếu thành phần”. Mọi người nhìn nhau không hiểu ý Bác, Bác cười và nói: “Thiếu các em thiếu nhi”.

Trong suốt buổi nói chuyện, ngoài khen ngợi, động viên, căn dặn nhân dân và cán bộ toàn tỉnh về công tác sản xuất, xây dựng Đảng, phấn đấu làm cho Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt, Bác không quên nhắc nhở, phê bình thói xấu đánh chửi vợ của nam giới. Kết thúc buổi nói chuyện, mọi người quây quần bên Bác để chụp ảnh lưu niệm tại sân đình.

Năm nay đã 86 tuổi nhưng ký ức về những lần được gặp Bác Hồ vẫn vẹn nguyên, với bà Đỗ Thị Xoa đó mãi là kỷ niệm vô giá. Cũng bởi vậy, kể từ ngày Bác đi xa, bà đã lập bàn thờ Bác Hồ trong nhà để thể hiện lòng biết ơn vô hạn, sự tôn kính với Bác Hồ kính yêu. Bà chia sẻ thêm: Niềm vui lớn nhất của tôi là được chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương. Tôi mong muốn thế hệ trẻ hôm nay của Hiệp Hòa sẽ kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, tiếp tục ra sức rèn luyện, phấn đấu, cống hiến sức trẻ cho quê hương để xứng đáng với thế hệ cha anh, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của Bác Hồ.  

Đình Phương Cáp mới được tỉnh trùng tu, tôn tạo..

Còn tại đình Phương Cáp, tấm ảnh chụp Bác Hồ về thăm, mừng địa phương đạt 5 tấn thóc/ha tại đình làng năm ấy vẫn được giữ gìn và treo trang trọng. Đây vừa là tư liệu quý vừa để nhắc nhở các thế hệ người dân Hiệp Hòa niềm vinh dự, tự hào được đón Bác về thăm. Trải qua thăng trầm của lịch sử và biến thiên của thời gian, đình Phương Cáp đã trở thành “địa chỉ đỏ” để mỗi người dân quê lúa nói chung, người dân Hiệp Hòa, Vũ Thư nói riêng khi trở lại nơi này vẫn thấy mình như được gặp lại vị lãnh tụ kính yêu với cử chỉ ân cần và những lời huấn thị sâu sắc hôm nào.

Đồng chí Đỗ Chí Định, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa cho biết: Lịch sử Đảng bộ xã ghi lại: Sau khi Bác Hồ về thăm quê, thực hiện lời huấn thị của Người, Đảng bộ, nhân dân Hiệp Hòa hăng hái thi đua lao động sản xuất. Hiệp Hòa là 1 trong hơn 30 địa phương có hợp tác xã cao cấp đầu tiên của vùng tả ngạn sông Hồng và là hợp tác xã kiểu mẫu với phong trào trồng cây, cấy căng dây thẳng hàng, cải tiến giống lúa mới. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hiệp Hòa thực hiện tốt khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tất cả vì miền Nam ruột thịt.

Quê hương Hiệp Hòa hôm nay trên đường đổi mới và phát triển. Bức tranh nông thôn mới đang điểm tô những gam màu tươi sáng. 55 năm qua, Ðảng bộ và nhân dân Hiệp Hòa luôn nỗ lực đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển. 

Đồng chí Chủ tịch UBND xã thông tin thêm: Năm 2018, Hiệp Hòa về đích nông thôn mới. Kế thừa những thành tích đạt được, địa phương đang nỗ lực thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Khai thác thế mạnh về nông nghiệp, hiện nay xã duy trì và phát triển 1 cánh đồng mẫu lớn hơn 50ha sản xuất lúa chất lượng cao. Bên cạnh đó, xã đã quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Năm 2021, mặc dù chịu tác động không nhỏ của dịch Covid-19 nhưng với sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Hiệp Hòa tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tổng giá trị sản xuất ước đạt 190 tỷ đồng. Với những thành tựu đã đạt được, tận dụng thời cơ, vận hội mới, Đảng bộ và nhân dân Hiệp Hòa quyết tâm xây dựng quê hương sớm trở thành xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.



Đồng chí Đào Trọng Loan, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hiệp Hòa

Thế và lực mới, luồng sinh khí mới của vùng đất Hiệp Hòa hôm nay chính là sự kết tinh ý Đảng lòng dân với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh soi đường, chỉ lối. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hiệp Hòa tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, vững tin, mạnh mẽ bước vững chắc trên con đường đổi mới và phát triển, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình làm cho Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như Bác hằng mong.
Ông Bùi Đình Mậu, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hiệp Hòa

Cho dù thời gian đã mài mòn những hiện vật tại đình Phương Cáp nhưng ký ức dù ngắn ngủi khi Bác về xã Hiệp Hòa cũng đủ để người dân nơi đây truyền lại cho thế hệ sau niềm vinh dự, tự hào. Người dân Hiệp Hòa rất vui mừng khi được các cấp, các ngành quan tâm tôn tạo, tu bổ đình Phương Cáp để đình mãi trường tồn với thời gian cũng như tình cảm kính yêu Bác vĩnh hằng trong lòng mỗi người dân Thái Bình.

Tất Đạt