Xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991) của Đảng thông qua, đã khẳng định: “Đoàn kết là truyền thống quý báu và bài học to lớn của cách mạng nước ta...”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua, đã khẳng định một trong năm bài học kinh nghiệm lớn rút ra từ thực tiễn phong phú của cách mạng nước ta, đó là: “không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là truyền thống quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta...”(2).
1-Đại đoàn kết toàn dân tộc-nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài; đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định rõ mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(3).
Để đạt được mục tiêu đó, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải có sự phấn đấu không ngừng, sáng tạo, hết sức quyết liệt và gian khổ. Trong quá trình đó có nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn-cả những khó khăn mới xuất hiện trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; cả những khó khăn, trở ngại do những yếu kém hiện nay và tồn tích từ trước; cả những khó khăn trong nước và những tác động bất lợi từ bên ngoài.
Để tranh thủ và phát huy những mặt thuận lợi, khắc phục được những khó khăn trong sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, Đảng ta đã xác định động lực chủ yếu để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc: “... phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung... để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội...”.
Như vậy, đại đoàn kết toàn dân tộc không đơn thuần chỉ là để giữ vững ổn định chính trị-xã hội, mà điều quan trọng và có ý nghĩa cơ bản, chiến lược lâu dài: đại đoàn kết toàn dân tộc chính là nhằm khai thác, phát huy mọi nguồn lực vật chất và tinh thần của cả dân tộc, phát huy và nhân lên các thế mạnh tạo thành sức mạnh tổng hợp quốc gia to lớn vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành mục tiêu tổng quát mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định.
2-Đại đoàn kết toàn dân tộc là điều kiện để thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Mục tiêu tổng quát của cách mạng nước ta đã được khẳng định trong các Văn kiện Đại hội IX, X, XI, XII, XIII của Đảng là : “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Theo đó, chúng ta không chỉ phấn đấu đạt tới giàu mạnh mà còn đạt tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Để có giàu mạnh và trong quá trình tiến tới giàu mạnh, phải xây dựng xã hội, mà trong đó mọi giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, mọi giới, thành phần kinh tế, mọi vùng miền của đất nước, mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam đều được sống trong sự công bằng, bình đẳng, đều có quyền và điều kiện để làm chủ, có nghĩa vụ đóng góp tích cực nhất cho sự phát triển của đất nước.
Muốn có dân chủ, đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thuận xã hội, phải có sự lãnh đạo của Đảng. Để giải quyết mọi vấn đề trong công cuộc phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc, phải quy tụ được sức mạnh toàn dân tộc về một mối, phát huy trí tuệ sáng tạo của nhân dân, khai thác có hiệu quả nội lực, mà trước hết là nhân tố con người Việt Nam cả ở trong và ngoài nước; phải nâng cao dân trí, nuôi dưỡng và tuân thủ, giữ gìn các giá trị thiêng liêng mà dân tộc ta đã xây dựng nên.
Trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng và thực hiện quyền làm chủ ở cơ sở, trọng tâm là thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực kinh tế, bảo đảm hài hòa các lợi ích giữa cá nhân, tập thể và cộng đồng xã hội. Trong hoạt động kinh tế rất cần có đoàn kết, hợp tác, liên kết, liên doanh giữa các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế, các ngành nghề, các địa bàn, người Việt sống trong nước và người Việt đang định cư ở nước ngoài.
Đồng thời, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hoá; xây dựng cả đời sống vật chất và tinh thần, cả văn minh vật chất và văn minh tinh thần.
3-Xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để sớm đưa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đại hội thì một trong những vấn đề có vai trò cực kỳ quan trọng, đó là: phải thường xuyên chăm lo xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới; tăng cường, mở rộng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong thời kỳ mới. Để làm được vấn đề nêu trên, cần thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau đây:
Một là, giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội. Đây là vấn đề không thể xem nhẹ.
Không giải quyết tốt vấn đề này thì khó có thể xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc một cách vững chắc, lâu dài. Thực tế lịch sử Việt Nam cũng như thực tế cách mạng nước ta hơn 90 năm qua đã chứng minh điều đó.
Hai là, thường xuyên củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết, thống nhất thực hiện dân chủ trong Đảng.
Đoàn kết, thống nhất trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ba là, phát huy vai trò làm chủ và thực hiện tốt quyền làm chủ của nhân dân, giữ vững kỷ cương phép nước.
Xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc gắn liền với việc phát huy vai trò và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, giữ vững kỷ cương trong đời sống xã hội trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội... ở tất cả các cấp, các ngành.
Vì thế, Đảng cần phải tăng cường lãnh đạo các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền chăm lo phát huy và thực hiện trên thực tế quyền dân chủ của nhân dân theo pháp luật, tăng cường đồng thuận xã hội. Các cấp ủy Đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhân dân; làm tốt công tác dân vận, có cơ chế, pháp luật để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình.
Đồng thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh những biểu hiện vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, cũng như những biểu hiện lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, kích động nhân dân, gây rối trật tự công cộng, làm ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị, xã hội và chia dẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chỉ có thực sự phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa mới có đồng thuận xã hội và đoàn kết thực sự, bền vững.
Bốn là, tăng cường khối liên minh vững chắc giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Để xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc xây dựng củng cố khối liên minh công-nông-trí. Người chỉ rõ: Đảng và Chính phủ rất mong muốn, rất cố gắng, rất chăm lo xây dựng khối đoàn kết công, nông, trí; đoàn kết lâu dài trong kháng chiến, trong kiến quốc, thực hành xã hội chủ nghĩa.
Người nhấn mạnh: “Trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang; và công, nông, trí cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối”(4). Trong đó, giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo khối liên minh đó, thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức là nhân tố quyết định để duy trì, củng cố, phát triển liên minh và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Năm là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm của hội viên, đoàn viên, giữ gìn kỷ cương phép nước, đẩy mạnh công cuộc đổi mới thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước”(5).
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân là cầu nối rất quan trọng thắt chặt mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, qua đó tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sáu là, thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố đoàn kết các dân tộc, đoàn kết tôn giáo.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm qua đã chỉ rõ, trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự tham gia của các dân tộc, các tôn giáo có vai trò hết sức quan trọng. Đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta.
Đoàn kết các dân tộc, tôn giáo không chỉ để giải quyết vấn đề lực lượng cách mạng, mà liên quan chặt chẽ đến việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển đất nước cường thịnh.
Vấn đề đặt ra hiện nay là, Đảng và Nhà nước cần có chính sách cụ thể để thực hiện sự bình đẳng, công bằng xã hội giữa các dân tộc, giữa miền núi và miền xuôi, đặc biệt là những vùng gặp nhiều khó khăn, thực hiện chính sách ưu tiên trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc quần chúng, gây chia rẽ, kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hoạt động gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, chia rẽ của các thế lực thù địch thì vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu là phải củng cố sự đoàn kết, thống nhất, thực hiện dân chủ trong Đảng.
Cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc, trước Đảng và nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội.
---------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb CTQG, H.,2002, tr.510.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H., 2011, tr.65-66.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.112.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.214.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.30.
Đại tá, PGS-TS BÙI ĐÌNH BÔN
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc 27.12.2024 | 09:25 AM
- Cựu thanh niên xung phong phường Đề Thám: Học và làm theo Bác, nhân lên những giá trị tốt đẹp 22.08.2024 | 09:16 AM
- Quy định 144-QĐ/TW: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới 04.07.2024 | 08:58 AM
- Ông Chọn say mê làm việc thiện 15.05.2024 | 08:42 AM
- Trường Tiểu học Trần Lãm báo công dâng Bác tại Quảng trường Thái Bình 26.03.2024 | 06:56 AM
- Học Bác từ những điều bình dị 12.02.2024 | 23:07 PM
- Triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 trong toàn tỉnh 19.01.2024 | 09:04 AM
- Đoàn kết nhân lên sức mạnh 26.10.2023 | 08:44 AM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Thực hiện lời Bác dạy: Công an cách mạng vì nhân dân phục vụ 24.10.2023 | 09:01 AM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất thông qua 11 nghị quyết
- Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thăm, chúc tết tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026
- Gặp mặt chức sắc đại diện các tôn giáo xuân Ất Tỵ năm 2025
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh: Gặp mặt và chúc tết các doanh nghiệp nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Đổi mới, sáng tạo trong hành động với tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá”
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Thái Bình